Thứ Ba, 19/07/2016, 05:34 (GMT+7)
.
Phát triển đô thị - khâu đột phá quan trọng

Tân Hiệp: Thị xã của ngày mai

Một trong bốn lĩnh vực Đảng bộ huyện Châu Thành xác định là khâu đột phá cho nhiệm kỳ 2015 - 2020 là đầu tư phát triển đô thị. Theo đó, đến năm 2020 sẽ xây dựng thị trấn Tân Hiệp đạt đô thị loại IV; Vĩnh Kim, Long Định là thị trấn đô thị loại V.

Sau năm 2020 huyện lỵ Châu Thành sẽ đặt tại thị trấn Long Định; đồng thời xây dựng các thị tứ Song Thuận, Bình Đức, Dưỡng Điềm, Tam Hiệp, Thân Cửu Nghĩa, Tân Hương hình thành mạng lưới đô thị vệ tinh để tạo điều kiện liên kết giữa các vùng với nhau.

Tiếp tục mở rộng diện tích, xây dựng và phát triển đô thị Tân Hiệp đi đôi với phát triển đô thị ở các xã vùng Đông Bắc của huyện, khi có đủ điều kiện thành lập thị xã Tân Hiệp theo định hướng quy hoạch của tỉnh.

Một góc Thị trấn Tân Hiệp.
Một góc Thị trấn Tân Hiệp.

Thị trấn Tân Hiệp hiện hữu chỉ có 74,49 ha, sau khi mở rộng hướng tới  đô thị loại IV sẽ nâng lên 420 ha, trong  đó sẽ lấy một phần diện tích của xã Thân Cửu Nghĩa (198,78 ha), một phần xã Tân Lý Tây (62,81 ha) và một phần xã Tân Lý Đông (83,92 ha).

VÌ SAO PHẢI MỞ RỘNG?

Được xem là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của huyện Châu Thành, nhưng Tân Hiệp là một thị trấn nhỏ, diện tích tự nhiên chỉ có 74,49 ha, phố xá chủ yếu nằm dọc 2 bên QL1; đời sống người dân chủ yếu là buôn bán nhỏ và lao động phổ thông.

Những năm qua, với việc đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, đã tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thị trấn; đời sống người dân từng bước được cải thiện và nâng cao. Tuy nhiên, Tân Hiệp vẫn còn nhiều lĩnh vực cần hoàn thiện, cụ thể như số hộ thoát nghèo vẫn chưa bền vững, thu nhập bình quân đầu người vẫn còn khiêm tốn, các điểm sinh hoạt văn hóa còn thiếu, hoạt động không đều, các câu lạc bộ chưa phát triển.

Về giáo dục, thị trấn có 4 bậc học, kể cả lớp giáo dục phổ cập; việc đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các trường còn hạn chế; Trường Tiểu học Tân Hiệp đạt chuẩn Quốc gia đã lâu, nay xuống cấp và thiếu nhiều hạng mục, sân trường bị ô nhiễm bụi vào mùa khô, ẩm thấp khi có mưa bão.

Về vệ sinh môi trường, dù mang danh là thị trấn văn hóa, nhưng gốc thuần nông đã ảnh hưởng đến ý thức xây dựng các công trình vệ sinh cho hộ gia đình; việc giữ gìn cảnh quan, vệ sinh công cộng nhìn chung còn yếu. Vì lẽ đó, việc mở rộng thị trấn nhằm tạo động lực để phát triển kinh tế, xã hội của một trung tâm huyện lỵ lâu đời của Châu Thành là yêu cầu tất yếu.

Đường Thân Đức - trục đường chính trong phát triển đô thị Tân Hiệp trong tương lai.
Đường Thân Đức - trục đường chính trong phát triển đô thị Tân Hiệp trong tương lai.

Theo quy hoạch chung của thị trấn Tân Hiệp đến năm 2020, là xây dựng thị trấn thành trung tâm trung chuyển của khu vực phía Bắc, hậu cần cho KCN Tân Hương, Làng Đại học Tiền Giang gắn với quy hoạch tổng thể của huyện để đảm bảo tính hợp lý và bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, việc mở rộng thị trấn Tân Hiệp nhằm phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020 và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020.

Việc mở rộng thị trấn Tân Hiệp sẽ đẩy nhanh quá trình đô thị hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động - dân cư trong toàn huyện, hình thành và phát triển trung tâm thương mại - dịch vụ, phát triển các khu dân cư đô thị. Sẽ tạo tiền đề đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội; thúc đẩy phát triển các mặt, tiến lên đạt các tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2020.

ĐÔ THỊ TÂN HIỆP CÓ GÌ MỚI?

Với 420 ha diện tích mở rộng, thị trấn Tân Hiệp mới chia thành 4 khu dân cư: khu 1: phía Đông QL1 với chức năng là khu hành chính và thương mại - dịch vụ; khu 2: phía Tây QL1, phía Bắc trục đường Thân Đức, với chức năng là khu dân cư kết hợp thuơng mại tại trục đường Thân Đức, QL1. Khu 3: phía Tây QL1, phía Nam trục đường Thân Đức với chức năng khu dân cư, thương mại dọc lộ. Khu 4 là toàn bộ phần diện tích còn lại với chức năng đất dự trữ phát triển, tuyến dân cư kết hợp nông nghiệp kỹ thuật cao.
 

Theo quy hoạch, để phát triển các trung tâm thương mại - dịch vụ, sẽ cải tạo một số công trình hiện hữu như trung tâm văn hóa, sân vận động, khu dân cư ven trục QL1, xung quanh khu hành chính huyện và chợ Tân Hiệp.

Ngoài ra, sẽ phát triển các trung tâm thương mại mới dọc trục đường Thân Đức với tầng cao từ 2 - 7 tầng. Trục đường này sẽ là trục thương mại - dịch vụ của đô thị nối kết với các đô thị phía Tây của huyện Châu Thành.

Đô thị Tân Hiệp mới sẽ chia thành 10 khu phố: gồm khu phố Hiệp Cá, Hiệp Ga, Hiệp Me, Hiệp Rẫy, khu phố Tân Phong, khu phố Tân Lược, khu phố Tân Thạnh Hưng, Tân Thân Hòa, Tân Thân Đức và Tân Cửu Hòa. Các khu dân cư cũ dọc QL1 và chợ Tân Hiệp sẽ được nâng cấp chỉnh trang và định hướng quy hoạch phát triển các khu dân cư mới phát triển lan tỏa theo trục đường Thân Đức và Đường Huyện 32.

Đây sẽ là những trục đường quan trọng của đô thị mới, nên thu hút dân cư. Cụ thể: Đường Huyện 32 nối dài là trục phát triển phụ có tính chất dẫn luồng kinh tế để phát triển đô thị. Trục đường Thân Đức là trục phát triển chính trong tương lai, là trục hỗ trợ việc phát triển kinh tế phía Tây với thế mạnh phát triển chợ đầu mối rau củ. Trục ĐT 866 là trục kinh tế phía Bắc với việc phát triển tập trung các khu sản xuất tiểu, thủ công nghiệp.

Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2020 Tân Hiệp cần hoàn thiện các khu chức năng của đô thị loại IV. Theo đó, do trung tâm hành chính huyện Châu Thành sẽ dời về Long Định nên khu hành chính thị trấn sẽ dời về đất trụ sở Huyện ủy Châu Thành, trụ sở Công an thị trấn dời về vị trí Công an huyện hiện hữu.

Với trung tâm thương mại sẽ hình thành 2 trung tâm chính: Một là khu thương mại quanh chợ Tân Hiệp cũ. Khu đất hành chính của huyện Châu Thành sau khi di dời sẽ được quy hoạch thành quỹ đất công cộng để tạo nền hướng tới phát triển lên thị xã khi có điều kiện.

Thứ hai, khu thương mại - dịch vụ mới Tân Thạnh Hưng được bố trí chủ yếu ở khu phố Hiệp Rẫy bao gồm quy hoạch chợ rau quả tại khu vực giáp kinh Mười Biếu, đường Thân Đức (khu nhà lồng chợ, dịch vụ chợ).

Sẽ cải tạo nâng cấp các sân thể thao hiện hữu, Trung tâm Văn hóa huyện sẽ tận dụng là Trung tâm Văn hóa thị trấn, tương tự Trung tâm Y tế huyện chuyển đổi thành phòng khám khu vực. Di dời Trường Trung học phổ thông Tân Hiệp về khu đất trường bắn với diện tích 4,21 ha; trùng tu các công trình tôn giáo như chùa Linh Phong, Phước Long, đình Tân Hiệp.

Xây dựng công viên mới của thị trấn dọc kinh Mười Biếu và kinh Thầy Lực với diện tích 18,11 ha, tổ chức  trồng dãy cây xanh dọc QL1 rộng 4 m nhằm ngăn cách QL với đường gom.

Ngoài ra, sẽ hình thành khu tập trung các cơ sở sản xuất tiểu, thủ công nghiệp dọc ĐT 866. Đây được xem là khu vực hậu cần cho các Khu công nghiệp (KCN) Tân Hương, KCN Long Giang với các ngành cơ khí, đóng gói.

DUY SƠN

.
.
.