Thứ Năm, 15/09/2016, 13:36 (GMT+7)
.

Tân Điền: Hiệu quả từ mô hình "Đối thoại với người có tiền án,tiền sự"

Là xã ven biển của huyện Gò Công Đông và được Bộ Công an xác định là xã trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự (ANTT), nên từ năm 2012, Đảng ủy, UBND, Ban Chỉ đạo về phòng, chống tội phạm xã Tân Điền (huyện Gò Công Đông) luôn chú trọng xây dựng các mô hình phòng, chống tội phạm, trong đó mô hình đối thoại giữa đại diện cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ với người có tiền án, tiền sự được đặc biệt quan tâm, qua đó góp phần kiềm giảm tội phạm, giữ vững tiêu chí số 19 về giữ gìn ANTT nông thôn trong xây dựng xã nông thôn mới, năm 2015 được Bộ Công an tặng Bằng khen.

Cuối năm 2013, Ban Chỉ đạo về phòng, chống tội phạm xã Tân Điền tham mưu Đảng ủy, chính quyền xã triển khai mô hình “Đối thoại giữa lãnh đạo Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ với người có tiền án, tiền sự, người có khả năng, điều kiện phạm tội, người có nguy cơ bị tội phạm dụ dỗ lôi kéo phạm tội” (gọi tắt là mô hình “Đối thoại với người có tiền án, tiền sự”).

Qua gần 4 năm thực hiện mô hình, xã đã tổ chức 6 cuộc họp đối thoại giữa đại diện Đảng ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ xã với người có tiền án, tiền sự và tổ chức lấy ý kiến, nguyện vọng của 34 người cần đối thoại, trong đó có 1 trường hợp xin cất nhà tình thương, 31 trường hợp có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế gia đình và 2 trường hợp đề xuất tạo điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa - thể thao.

Trước nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người vi phạm pháp luật trên địa bàn, năm 2014 Ban Chỉ đạo về phòng, chống tội phạm xã đã vận động nhân dân đóng góp được 25 triệu đồng để xây tặng nhà tình thương cho chị Trần Thị C., ngụ ấp Trung (trước đây chị phạm tội hủy hoại tài sản công dân và chứa chấp đồ gian do người khác phạm tội mà có).

Từ khi có chỗ ở ổn định, chị C. đã lo làm ăn, không tái phạm tội. Từ nguồn vốn xóa đói giảm nghèo của xã, anh Lê Thanh M., ngụ ấp Hộ và anh Dương Hoàng V., ngụ ấp Nam được hỗ trợ vốn để nuôi dê; mỗi anh được trợ vốn 7.500.000 đồng. Nhờ cần cù chăm sóc, đến nay trong chuồng dê của mỗi  anh có từ 5 - 6 dê thịt, dự kiến đến tháng 9 này 2 anh sẽ thu hồi vốn trả lại cho nguồn quỹ.

Ngoài ra, không chỉ cấp vốn từ Dự án vốn vay nuôi bò sinh sản của Ngân hàng NN-PTNT huyện, Ban Chỉ đạo về phòng, chống tội phạm xã còn quan hệ ngành chức năng chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho 6 người được vay vốn, trong đó anh Lê Hoàng Q., ấp Nam và anh Nguyễn Thành T., ấp Rạch Bùn nuôi bò đã sinh sản; 4 người khác, bò đã phối giống và mang thai từ 3 - 8 tháng tuổi. 

Anh Nguyễn Hữu T., ngụ ấp Hộ, trước đây phạm tội cướp tài sản. Sau khi thi hành án, anh trở về quê, được Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã bảo lãnh Ngân hành Chính sách xã hội huyện cho anh được vay vốn lãi suất thấp để phát triển chăn nuôi. Nhờ chí thú làm ăn, anh đã trả được nợ, tích lũy vốn cất được ngôi nhà khang trang trị giá trên 200 triệu đồng.

Nhìn chung, các trường hợp vi phạm pháp luật sau khi được đối thoại để tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng và được hỗ trợ vốn làm ăn, sử dụng vốn đúng mục đích đã có cuộc sống ổn định. Không những thế, hiệu quả của mô hình đã góp phần kiềm giảm nguyên nhân phát sinh tội phạm, góp phần giữ vững tiêu chí số 19 của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã.

Trong 2 năm 2014 và 2015, xã tiếp tục được tái công nhận danh hiệu Xã an toàn về ANTT, xã không có ma túy, mại dâm, an toàn về phòng cháy, chữa cháy và ra mắt Xã nông thôn mới vào tháng 7-2015. Mô hình được Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo nhân rộng và đã  được Bộ Công an tặng Bằng khen vào năm 2015.

THU THẢO

.
.
.