Thứ Năm, 23/03/2017, 14:43 (GMT+7)
.

Sụt lún đất ở ĐBSCL ngày một nghiêm trọng

Sụt lún đất ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được dự báo sẽ diễn ra ngày một nghiêm trọng hơn và nguyên nhân chính được các nhà khoa học chỉ ra là do khai thác nước ngầm quá mức.

Tại hội thảo “Vấn đề sụt lún ở ĐBSCL thách thức và giải pháp tương lai” vừa được tổ chức tại TP. Cần Thơ, ông Piet Hoekstra của Trường Đại học Utrecht (Hà Lan) dẫn kết quả nghiên cứu sơ bộ của dự án “Rise and Fall”, cho biết mỗi năm khu vực ĐBSCL bị sụt lún 2-4 cm, trong đó nặng nhất diễn ra ở những khu vực thấp của vùng ven biển.

Nguồn nước ngọt ngày càng trở nên cạn kiệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Ảnh: Vân Anh
Nguồn nước ngọt ngày càng trở nên cạn kiệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Ảnh: Vân Anh

Bên lề hội thảo, ông Kỷ Quang Vinh, Chánh văn phòng công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ, cũng cho biết mức độ sụt lún đất ở ĐBSCL hiện dao động trong khoảng 2-4 cm/năm do khai thác nước ngầm quá mức. “Hiện nay, các tầng nước ngầm chúng ta sử dụng hầu như đã cạn kiệt, xuống mức rất thấp”, ông cho biết.

Có cùng quan điểm, ông Piet Hoekstra, chỉ ra rằng khai thác nước nước ngầm là yếu tố chính chi phối sụt lún đất tại ĐBSCL, dù không phải là nguyên nhân duy nhất.

Bài trình bày của ông Piet Hoekstra tại hội thảo cho thấy, ngoài khai thác nước ngầm, thì việc các lớp trầm tích dày bị nén, tác động của điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng như đường xá, tòa nhà cao tầng, các công trình lớn và quá trình kiến tạo địa chất bị đứt gãy cũng là những lý do dẫn đến sụt lún đất.

Các nhà khoa học tại hội thảo, cho biết khu vực ĐBSCL đang có những thay đổi nhanh chóng trong quá trình đô thị hóa và chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội cũng đã tạo ra không ít thách thức cho khu vực này trong tương lai.

Cụ thể, các nhà khoa học cho rằng thách thức đầu tiên là nhu cầu sử dụng nước để phục vụ sinh hoạt và sản xuất sẽ ngày càng gia tăng. Điều này làm tăng khai thác tài nguyên nước dưới đất ở quy mô lớn hơn, khiến nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm ngày càng gia tăng, tức khả năng sụt lún đất sẽ diễn ra nhanh chóng hơn.

Ngoài ra, việc khai thác quá mức nước ngầm cũng dẫn đến nguy cơ xâm nhập mặn nguồn nước mặt và cả nguồn nước ngầm, gia tăng rủi ro do ngập lụt, làm mất đất canh tác và gây ra các tác động tiêu cực đến hệ thống các công trình và cơ sở hạ tầng.

Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng, cho biết khảo sát của địa phương cho thấy lưu lượng khai thác nước ngầm hiện đã vượt mức an toàn. “Cụ thể, tại thành phố Sóc Trăng, huyện Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu, cả ba khu vực này giống như cái lồng chảo, tức mực nước ngầm đã hạ liên tục”, ông dẫn chứng.

Một câu hỏi được đặt ra là làm sao để hạn chế sụt lún đất ở ĐBSCL, tức hạn chế việc khai thác nước ngầm trong bối cảnh nhu cầu tiếp tục gia tăng trong tương lai?

Ông Kỷ Quang Vinh, dẫn kinh nghiệm của Nhật Bản, cho biết cách thực hiện của người Nhật để “cắt” tiến trình sụt lún đất là ngưng cấp phép khai thác nước ngầm, nhưng quá trình này cũng phải mất rất nhiều thời gian nguồn nước ngầm mới được khôi phục. “Nhật Bản bắt đầu không cho phép khai thác nước ngầm, không cho phép khai thác dầu khí vào khoảng năm 1985, nhưng phải đến năm 2000, thì mực nước ngầm mới chựng lại, không sụt giảm tiếp. Từ năm 2000 đến nay nước ngầm mới bắt đầu dâng lên”, ông cho biết.

Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, theo ông Vinh, Việt Nam nên ngưng ngay việc cấp phép khai thác nước ngầm từ bây giờ, “chứ nếu tiếp tục kéo dài, thì độ trễ của nó (phục hồi mực nước ngầm) sẽ còn kéo dài thêm vài chục năm nữa”, ông nói.

Theo ông Vinh, hiện nay thành phố Cần Thơ đã có chủ trương cấm khai thác nước ngầm, tuy nhiên một số địa phương khác thì chưa, trong khi địa tầng nước ngầm là thông nhau, chỉ có Cần Thơ cấm cũng không có tác dụng gì. “Do đó, chuyện này phải là Trung ương cấm triệt để (từ khai thác hộ gia đình cho đến khai thác lớn) thì mới có hiệu quả”, ông nói.

Ông Gilles Erkens từ Viện nghiên cứu Deltares của Hà Lan, cho biết việc khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất công nghiệp đã khiến thành phố Thượng Hải của Trung Quốc sụt lún. Do đó, một nghị quyết về hạn chế sử dụng nước ngầm vào năm 1963 đã được địa phương này ban hành và thông qua. “Sau khi biện pháp này của Thượng Hải được thông qua, sụt lún đất trong khu vực đô thị đã giảm hàng năm và nước ngầm cũng đã dần hồi phục”, ông Gilles Erkens cho biết.

Nhưng bài toán giải quyết nước sinh hoạt cho người dân ở ĐBSCL như thế nào khi ngưng khai thác nước ngầm?

Ông Vinh cho rằng BĐSCL luôn bị hạn mặn và luôn bị lũ lụt thay thế, do đó khu vực này phải có biện pháp vừa chống lũ lụt, vừa chống hạn mặn. "Chúng ta phải trữ nước trên tầng nước mặt bằng nhiều cách. Một là trữ ở những vùng đất ngập nước như vùng Đồng Tháp Mười. Hai là từng địa phương phải thực hiện nạo sâu kênh rạch, chứ không đào thêm, và thứ ba là kênh mương, ao hồ. Người dân phải tìm cách trữ nhiều nước mưa để sử dụng cho mùa khô”, ông Vinh phát biểu.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.