Thứ Bảy, 30/09/2017, 13:38 (GMT+7)
.

Mong ước có một mùa Trung thu trọn vẹn

Mỗi dịp Trung thu đến, trẻ em lại nô nức xách lồng đèn vui chơi cùng chúng bạn. Nhưng đối với trẻ em vùng sâu, vùng xa và con em công nhân, lao động cuộc sống còn nhiều khó khăn, một mùa Trung thu trọn vẹn là cả một niềm mong ước.

Các học sinh Trường Tiểu học Phú Thạnh  (huyện Tân Phú Đông) nhận quà Trung thu 2016  do Báo Ấp Bắc vận động. 		          Ảnh: PHAN THẮNG
Các học sinh Trường Tiểu học Phú Thạnh (huyện Tân Phú Đông) nhận quà Trung thu 2016 do Báo Ấp Bắc vận động. Ảnh: Phan Thắng

ƯỚC MƠ MÙA TRUNG THU

Trường Tiểu học Ngô Văn Nhạc (xã Mỹ Tân, huyện Cái Bè) có 143 học sinh thuộc diện hộ nghèo và hộ cận nghèo, chiếm 24,4% tổng số học sinh của trường. Cô Tạ Thị Thu Hồng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đa phần học sinh thuộc diện hộ nghèo và hộ cận nghèo là do gia đình có ít đất hoặc không có đất canh tác. Cha mẹ các em phải đi làm thuê rất vất vả mới có thể trang trải cuộc sống hằng ngày, nên việc mua quà bánh cho các em vui chơi Trung thu còn hạn chế…”.

Do cuộc sống còn khó khăn nên ước mơ có chiếc lồng đèn, cái bánh trung thu để vui chơi với bạn trở nên quá xa vời với các học sinh nghèo nơi đây. Em Phạm Thị Kim Ngân, lớp 22, Trường Tiểu học Ngô Văn Nhạc, chia sẻ: “Do nhà con còn nghèo nên cha mẹ ít khi mua bánh và lồng đèn cho con và em đi chơi Trung thu cùng các bạn. Con chỉ mong Trung thu nào cũng có bánh và lồng đèn để con và em con có thể đi chơi như các bạn”.

Cùng với Mỹ Tân, xã Mỹ Trung cũng là một trong những xã vùng sâu, vùng xa của huyện Cái Bè. Thời gian qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đời sống của người dân trong xã dần được nâng lên. Tuy nhiên, trên địa bàn xã vẫn còn 271 hộ nghèo, hộ cận nghèo (trong đó có 81 hộ nghèo có sổ). Do nhà có ít đất canh tác nên cha mẹ của em Nguyễn Thị Hồng Ánh, học sinh lớp 42, Trường Tiểu học Mỹ Trung phải đi làm thuê ở TP. Hồ Chí Minh, gửi em ở nhà cho ông bà ngoại chăm sóc. Em Hồng Ánh bày tỏ: “Cha mẹ của con đi làm xa nên Trung thu lần này không thể về thăm con được. Mỗi dịp Tết Trung thu, con thường được ông bà ngoại và trường tặng bánh và lồng đèn để vui chơi cùng các bạn. Ước mơ lớn nhất của con là được đón mùa Trung thu trọn vẹn cùng với cha mẹ. Khi được thầy cô thông báo Báo Ấp Bắc sẽ tổ chức Chương trình “Tặng quà trung thu cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”, con vui lắm vì Trung thu này đã có thêm bánh và lồng đèn để vui chơi cùng các bạn”.

CHỈ MONG ĐƯỢC GẦN CON

Không khí Trung thu đang cận kề. Trái ngược với không khí tất bật, rộn rã nơi thành thị thì ở đâu đó trong xóm trọ công nhân, chúng tôi bắt gặp được biết bao nỗi niềm của các bậc cha mẹ khi mùa Trung thu về. Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Tho, Cụm công nghiệp (CCN) Trung An, CCN Tân Mỹ Chánh hiện có trên 12.000 công nhân. Đời sống của công nhân vẫn còn nhiều khó khăn, họ phải tằn tiện, tích góp lắm mới có thể đủ trang trải cuộc sống gia đình.

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Trung thu, nhưng các xóm trọ ở gần KCN Mỹ Tho vẫn yên ắng. Với nhiều con em công nhân, lao động nghèo mà chúng tôi được gặp, các em chỉ có vỏn vẹn một món đồ chơi mà ba mẹ chúng tiện tặn lắm mới mua nổi. Nhiều công nhân tâm sự, với trẻ em con công nhân, lao động nghèo thì việc rước đèn, “phá cỗ” dịp Tết Trung thu là chuyện xa vời.

Trong căn phòng chật hẹp ở ấp Bình Tạo (xã Trung An, TP. Mỹ Tho), chị Thái Thị Thủy Trúc, quê ở Bến Tre đang cặm cụi xào mớ rau muống chuẩn bị buổi cơm chiều. Kế bên là bé gái 3 tuổi đang khóc đòi mẹ. Chị cho biết, vợ chồng chị đều làm công nhân nhưng mấy tháng nay do tuột huyết áp nên phải ở nhà giữ con cho chồng đi làm. Nói về những dự định mùa Trung thu sắp tới, chị Trúc bộc bạch: “Thu nhập của chồng mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng nhưng phải chi tiêu đủ mọi thứ nên Trung thu đối với gia đình tôi cũng như ngày bình thường”.

Còn gia đình anh Nguyễn Hữu Tâm và chị Võ Thị Thu Vân (công nhân Công ty Teakwan Vina) còn buồn hơn. Chị Vân cho biết, chị quê ở huyện Cai Lậy lấy chồng về Sóc Trăng sinh được cháu trai. Do cuộc sống khó khăn, vợ chồng chị đành gửi cháu ở quê để về Tiền Giang làm công nhân. Tiền nhà trọ, điện, nước, tiền sinh hoạt mỗi tháng đã “ngốn” hơn nửa số lương của anh chị, phần tiền còn lại dành dụm mua sữa gửi về cho con. “Tết Trung thu hả? Vợ chồng tôi chỉ mong được gần con, vui đùa cùng con trong dịp Tết Trung thu thôi. Bánh trung thu công ty cho, chúng tôi cũng gửi về quê cho con” - chị Vân tâm sự.

Mỗi gia đình mỗi cảnh, nhưng với con em công nhân, lao động nghèo ở các KCN, CCN thì ước mơ về ngày hội Trung thu được rước đèn ông sao là điều khá xa xôi.

Qua bài viết này, chúng tôi rất mong các nhà hảo tâm, các cơ sở sản xuất bánh trung thu cùng chung tay với Báo Ấp Bắc thực hiện Chương trình “Tặng quà trung thu cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn để các em có được cái Tết Trung thu ấm áp bên gia đình, người thân và bạn bè.

ĐỖ PHI - PHAN THẮNG

.
.
.