Thứ Hai, 30/04/2018, 06:54 (GMT+7)
.
Giải bài toán đuối nước ở trẻ em:

Bài 2: Đừng nói nữa, hãy làm đi!

Để giải “bài toán” nan giải phòng tránh đuối nước ở trẻ em, đã đến lúc các sở, ban, ngành cần phân tích, mổ xẻ những gì đã làm được, chưa làm được, cũng như những nguyên nhân khiến tình trạng trẻ em bị đuối nước ngày càng gia tăng. 
 
NHIỀU KHÓ KHĂN  
 
Để giải quyết “bài toán” đuối nước ở trẻ em ngày càng gia tăng, một trong những biện pháp mà ngành Giáo dục đưa ra là thực hiện công tác phổ cập bơi cho học sinh trong các trường học. Nhưng thực tế, việc phổ cập bơi hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. 
 
Con số mà ngành Giáo dục đưa ra là trong 5 năm qua đã xây dựng được 43 hồ bơi cố định. Thật ra mà nói, con số này rất thấp so với con số 388 trường hệ giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh, với trên 270 ngàn học sinh. Có thể thấy, nhu cầu học bơi của học sinh hiện rất lớn, nhưng số lượng hồ bơi lại rất ít, không đáp ứng đủ nhu cầu. Trong 388 trường phổ thông, số trường có hồ bơi cố định chỉ chiếm trên đầu ngón tay; trong đó, có thể kể đến một số trường nổi tiếng: THPT Chuyên Tiền Giang, THPT Nguyễn Đình Chiểu, THPT Trương Định. 
 
Theo phân tích của các chuyên gia, trẻ em ở độ tuổi tiểu học từ 6 -10 tuổi có nguy cơ bị đuối nước rất cao. Thời gian qua, dù ngành Giáo dục rất cố gắng thực hiện công tác phổ cập bơi, nhưng tỷ lệ trẻ em biết bơi vẫn còn rất thấp. Theo đó, toàn tỉnh có 133.612 học sinh tiểu học nhưng mới chỉ có 44.500 học sinh được phổ cập bơi. 
 
Tháng 10-2017, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gò Công Tây trang bị và đưa vào hoạt động bể bơi di động tại Trường Tiểu học Bình Tân 1 (xã Bình Tân). Bể bơi này dùng để phục vụ cho chương trình phổ cập bơi cho hơn 1.000 học sinh thuộc 3 điểm trường: Tiểu học Bình Tân 1, Tiểu học Bình Tân 2 và THCS Bình Tân.
 
Thế nhưng, từ khi đưa vào sử dụng đến nay, hồ bơi này chỉ khai giảng được 1 lớp với 32 học viên. Thầy Lê Minh Huân, Hiệu trường Trường Tiểu học Bình Tân 1 cho biết: “Đầu khóa học, chúng tôi có họp phụ huynh để phổ biến nội dung và chương trình dạy bơi. Để có chi phí thay nước, điện, cũng như chi phí hỗ trợ cho thầy cô đứng lớp, chúng tôi kêu gọi nguồn kinh phí xã hội hóa ở phụ huynh là mỗi người 200.000 đồng. Số tiền này đơn vị thu sẽ công khai cụ thể các khoản thu và chi đến phụ huynh theo đúng quy định. Thế nhưng, sau cuộc họp chỉ số ít phụ huynh đồng ý, còn lại lẳng lặng ra về”. 
 
Hồ bơi được đặt tại Trường Tiểu học Bình Tân 1 từ khi đưa vào sử dụng chỉ khai giảng được 1 lớp với 32 em, trong khi toàn xã bình Tân có trên 1.000 học sinh.
Hồ bơi được đặt tại Trường Tiểu học Bình Tân 1 từ khi đưa vào sử dụng đến nay chỉ khai giảng được 1 lớp dạy bơi với 32 em học, trong khi toàn xã Bình Tân có trên 1.000 học sinh.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thị Quý Mão, hiện nay ngành đang gặp khó khăn khi giải quyết chế độ cho nhân viên cứu hộ và nhân viên chuyên môn, kể cả nhân viên y tế bởi quy định vị trí việc làm của trường học thì không có quy định về vị trí của các nhân viên này.
 
Có thể thấy việc phổ cập bơi tại các địa phương hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Bởi kinh phí xây bể bơi đã khó, nhưng duy trì bể bơi hoạt động đảm bảo an toàn càng khó hơn. Khó khăn trong phổ cập bơi không chỉ riêng tại Trường Tiểu học Bình Tân 2, mà là câu chuyện chung của nhiều địa phương.
 
Hiện huyện Gò Công Đông chỉ có 2 điểm bơi tư nhân ở xã Tân Phước và Gia Thuận và 3 điểm bơi trong Trường Tiểu học Nguyễn Thị Tư, Trường Tiểu học Kiểng Phước, Trường Tiểu học Phước Trung. Với số lượng điểm bơi ít như hiện nay không thể đáp ứng đủ nhu cầu bơi của con em người dân trên địa bàn. Nhiều gia đình muốn cho con em học bơi phải đi rất xa đến các điểm bơi ở TX. Gò Công.
 
Vì không có điều kiện để học bơi nên tỷ lệ học sinh biết bơi trên địa bàn huyện hiện còn thấp. Qua thống kê, toàn huyện có 24.690 trẻ em, trong đó có 11.300 học sinh học tiểu học thì số học sinh biết bơi chiếm 30%; 8.200 học sinh tại 10 điểm trường trung học cơ sở  thì chỉ có 40% học sinh biết bơi.
 
NGUYÊN NHÂN TỪ ĐÂU? 
 
Từ những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra vừa qua, theo giới phân tích, có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ em bị tử vong do đuối nước. Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất vẫn là do sự chủ quan, thiếu quan tâm, giám sát của người lớn và gia đình như để trẻ tự do vui chơi tại các khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ. Theo phân tích của các chuyên gia, thường đuối nước xảy ra đối với trẻ hiếu động, tò mò; do tính nghịch nước hoặc do bất cẩn của người lớn. Có thể thấy, dù trẻ biết bơi hay không biết bơi nhưng do sự chủ quan, lơ là của người lớn vẫn có thể xảy ra đuối nước.
 
Ngoài ra, môi trường sống xung quanh cũng luôn tiềm ẩn những yếu tố nguy hiểm gây tai nạn đuối nước cho trẻ. Tại các nơi công trình xây dựng, thủy lợi, hồ nước sâu hiện không có rào chắn, nắp đậy; nhiều vùng ao, hồ, sông rạch nguy hiểm chưa có rào chắn hay gắn biển cảnh báo, biển cấm kịp thời. Điều đáng nói là mặc dù nhiều lần ngành chức năng đã nhắc nhở nhưng tình trạng trên vẫn chưa được khắc phục. 
 
Q
Công tác phổ cập bơi trên địa bàn tỉnh hiện còn nhiều khó khăn. 
Bên cạnh đó, việc tuyên truyền giám sát của chính quyền địa phương chưa được thường xuyên, chưa tập trung đồng bộ, phổ biến sâu rộng đến từng gia đình. Lực lượng tuyên truyền viên còn hạn chế kỹ năng, phương pháp; nội dung và hình thức tuyên truyền chưa mang tính thuyết phục cao, chưa đánh động, cảnh báo đến người dân, nhất là những vùng nông thôn. 
 
Theo Bác sĩ Huỳnh Thị Phương Minh, Phó Giám đốc Sở Y tế, một nguyên nhân nữa cũng không kém phần quan trọng là trẻ em hiện còn kém về kỹ năng an toàn trong phòng, chống đuối nước. Đa phần trẻ em không được dạy các kỹ năng an toàn trong môi trường sống, an toàn trong môi trường dưới nước, cách xử lý tình huống khi té ngã dưới nước. Chính vì vậy mà khi sự việc xảy ra, các em rất lúng túng, không biết cách xử trí. 
 
Trong cuộc sống, chỉ một phút sơ sẩy của người lớn là có thể dẫn đến trẻ em bị đuối nước. Bất cứ ở đâu và bất cứ khi nào, tai nạn đuối nước ở trẻ em cũng có thể xảy ra. Tìm ra nguyên nhân làm gia tăng tình trạng đuối nước ở trẻ em và biện pháp khắc phục là việc làm cấp bách, không thể chần chừ thêm nữa. 
 
ĐỖ PHI 
(Còn tiếp)
.
.
.