Thứ Sáu, 27/04/2018, 08:28 (GMT+7)
.
Tình trạng ly hôn tăng đột biến:

Ly hôn và những hệ lụy

Ly hôn là một hiện tượng xã hội phức tạp, để lại cho các gia  đình và xã hội những hậu quả nặng nề. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là số vụ ly hôn tăng liên tục trong những năm gần đây và ngày càng xảy ra với những cặp vợ chồng trẻ. Do đó, việc kéo giảm tình trạng ly hôn đang cần những giải pháp căn cơ, thiết thực.

Theo thống kê của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, những năm gần đây, tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng. Đáng lo ngại là có trên 70% số vụ án ly hôn rơi vào các cặp vợ chồng trẻ, có độ tuổi từ 30 đến 40 tuổi và hầu hết đã có con. Việc ly hôn đã để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, nhất là tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng các loại tội phạm, gây mất an ninh trật tự...

Ly hôn ngày càng xảy ra với thành phần là công nhân.
Ly hôn ngày càng xảy ra với thành phần là công nhân.

LY HÔN NGÀY CÀNG “TRẺ HÓA”

Theo báo cáo của TAND tỉnh, từ năm 2015 - 2017, trong tổng số 35.629 vụ án mà TAND 2 cấp đã thụ lý giải quyết, thì có đến 16.418 vụ án hôn nhân gia đình. Cái Bè là một trong những huyện có số vụ ly hôn tăng cao trong những năm gần đây. Theo TAND huyện Cái Bè, từ năm 2015 - 2017, TAND huyện thụ lý giải quyết tổng cộng 2.663 vụ án hôn nhân gia đình.

Tình trạng ly hôn ở huyện Chợ Gạo cũng đang có xu hướng gia tăng và ngày càng “trẻ hóa”. Nếu như năm 2015, TAND huyện Chợ Gạo thụ lý giải quyết 505 vụ án hôn nhân, thì đến năm 2017 thụ lý giải quyết 654 vụ. Theo TAND huyện Chợ Gạo, trong đa số vụ án hôn nhân gia đình thì có hơn 70% các cặp vợ chồng dưới 30 tuổi, phần lớn đều có con nhỏ.

Còn theo số liệu của Phòng Tư pháp và TAND huyện Châu Thành, năm 2016, trên địa bàn huyện có 2.205 cặp kết hôn, thì tòa án thụ lý 708 vụ ly hôn; năm 2017 có 1.956 cặp kết hôn, thì có 794 vụ ly hôn. Số vụ ly hôn chiếm 53% tổng số vụ việc các loại mà tòa án thụ lý và tăng 86 vụ ly hôn so với năm 2016.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Châu Thành Nguyễn Thị Hằng cho biết, số vụ ly hôn của huyện Châu Thành hiện nay là đáng báo động. Ly hôn xảy ra đối với nhiều thành phần, trong đó thành phần công nhân là đa số (chiếm khoảng 80%).

Đa số các cặp vợ chồng ly hôn không có chung tài sản. Thực tế này cho thấy, mối quan hệ hôn nhân đang trở nên mong manh, nhất là với những cặp vợ chồng trẻ. Nhiều vụ ly hôn xảy ra khi mới kết hôn từ 1 đến dưới 5 năm. Các cặp vợ chồng trẻ đưa nhau ra tòa ly hôn một cách rất vui vẻ, xem như kết thúc một mối quan hệ trên mức bạn bè và đường ai nấy đi.

Một vị thẩm phán ở tòa án cấp huyện thường xuyên xét xử các vụ án ly hôn đã phải đưa ra một nhận xét chua chát rằng, giới trẻ ngày nay, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ dường như chưa cảm nhận được hết giá trị của hai tiếng “gia đình”.

Mỗi khi xảy ra mâu thuẫn, họ thường xuyên sử dụng từ “ly hôn” để “dọa nhau”. Không ít cặp vợ chồng đưa nhau ra tòa ly hôn với những mâu thuẫn rất nhỏ trong cuộc sống. Đối với những trường hợp này, tòa ra sức động viên hòa giải để vợ chồng hàn gắn. Nghe xuôi tai, có cặp vợ chồng cũng rút đơn về, xem như hòa giải thành. Thế nhưng, về ở với nhau chưa bao lâu, có vợ chồng lại nộp đơn ra tòa ly hôn tiếp...

NHỮNG HỆ LỤY

Tình trạng ly hôn ngày càng xảy ra với các cặp vợ chồng trẻ. Đáng lo ngại là phần lớn các cặp vợ chồng ly hôn đều có con nhỏ. Đây là đối tượng dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất khi cha mẹ ly hôn.

Do thiếu vắng tình yêu thương, dạy dỗ của cha hoặc mẹ, hay cả cha và mẹ nên số trẻ này thường gặp phải những khó khăn trong quá trình phát triển nhân cách, thậm chí rơi vào hoàn cảnh lang thang cơ nhỡ, dễ sa vào các tệ nạn xã hội. Từ đó, dẫn tới việc gia tăng các loại tội phạm tuổi vị thành niên.

Lấy phải người chồng cờ bạc, suốt ngày say xỉn, đánh đập vợ con, chị N.T.N.V (ngụ xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành) quyết định ly hôn khi mới 24 tuổi. Dù rất thương con nhưng sau ly hôn không bao lâu, chị V. cũng đành bỏ lại đứa con thơ cho bà ngoại nuôi dưỡng và “bước thêm bước nữa”.

Vừa giận, vừa thương con, thương cháu, gần 70 tuổi, bà T. (mẹ chị V.) vẫn còng lưng làm lụng để có tiền nuôi cháu. Thiếu vắng tình yêu thương của cả cha và mẹ cũng như thiếu thốn về vật chất, mới học lớp 9, con chị V. đã bỏ học, đi làm thuê khi tuổi vẫn còn quá nhỏ.

Còn trường hợp của chị N.T.P (ngụ phường 8, TP. Mỹ Tho), lấy chồng được 5 năm và có với nhau 1 đứa con. Tuy nhiên, trong thời gian đi làm công nhân, chồng chị P. đã ngoại tình với một nữ công nhân cùng công ty và buộc chị P. phải ly hôn. 

Bà Nguyễn Thị Hảo, Trưởng Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, trong số 70% gia đình ly hôn thì có rất nhiều trẻ em trong các gia đình này chưa đến tuổi trưởng thành phải sống trong hoàn cảnh không cha hoặc không mẹ, thậm chí không có cả cha lẫn mẹ.

Đa số những trẻ em này thường phải sống với ông bà nội, ngoại; cậu, dì; cô, chú, bác; mẹ kế hoặc cha dượng… Đặc biệt có nhiều em không còn nơi nương tựa phải lang thang kiếm sống, lao động sớm. Đây là đối tượng luôn phải chịu sự mất mát và dễ rơi vào những tệ nạn xã hội như: Nghiện hút, trộm cắp, bị lạm dụng tình dục…

Theo nghiên cứu của các nhà xã hội học, sau ly hôn, mỗi cá nhân sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề về tâm lý, sức khỏe, kinh tế, nhất là đối với phụ nữ. Ly hôn là lựa chọn của 2 người nhưng có thể làm ảnh hưởng cuộc sống của những người xung quanh, để lại những gánh nặng cho xã hội. Con cái của các cặp vợ chồng nếu bị bỏ rơi, không được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cẩn thận sẽ dễ dẫn đến hư hỏng, sa vào tệ nạn xã hội…

HOÀI THU

Bài cuối: Giải pháp kéo giảm tình trạng ly hôn
 

.
.
.