Chủ Nhật, 29/04/2018, 09:44 (GMT+7)
.
Giải bài toán đuối nước ở trẻ em:

Bài 1: Đuối nước tăng cao cùng văn bản

Bài 2: Đừng nói nữa, hãy làm đi!

Câu chuyện đuối nước ở trẻ em được xem là “bài toán” đã cũ, được đề cập rất nhiều tại nhiều cuộc họp, hội nghị, hội thảo, thế nhưng mãi đến nay chúng ta vẫn chưa tìm được lời giải nào gọi là hiệu quả. Nhiều năm qua, các cấp, ban, ngành đều chung sức đưa ra các giải pháp phòng tránh đuối nước, nhưng tình hình cũng không mấy khả quan, số vụ đuối nước ngày càng gia tăng. Tình trạng đuối nước ở trẻ em không chỉ để lại nhiều nỗi đau, mất mát cho gia đình, mà còn là nỗi đau chung của toàn xã hội. Đã đến lúc, công tác phòng, chống đuối nước cần có sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là sự quan tâm, chung tay của toàn xã hội. 

Thời gian qua, nhờ được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp, các ban, ngành, đoàn thể mà công tác phòng, chống đuối nước trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, nhiều văn bản về công tác phòng tránh đuối nước ở trẻ em đã được đưa ra. Thế nhưng, tình trạng đuối nước ở trẻ em trên địa bàn tỉnh lại không giảm, thậm chí là còn gia tăng. 

VĂN BẢN THÌ NHIỀU

Trước thực trạng trẻ em bị đuối nước diễn ra ở nhiều địa phương, ngày 5-2-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 234/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn năm 2016 - 2020 với mục tiêu 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thí điểm chương trình dạy bơi an toàn cho trẻ em, 90% trẻ em sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy, 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn khi tiếp xúc với môi trường nước.

Cũng trong năm 2016, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 17 về tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh và trẻ em. Thủ tướng yêu cầu các địa phương, đơn vị chức năng tiến hành rà soát các khu vực thường xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để kịp thời cảnh báo, có biện pháp phòng ngừa kịp thời nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh, trẻ em, nhất là vào mùa mưa, lũ.

Số trẻ em đuối nước trong những năm qua không ngừng gia tăng
Số trẻ em đuối nước trong những năm qua không ngừng gia tăng.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát nội dung chương trình giáo dục thể chất trong nhà trường, chú trọng đến hướng dẫn kỹ năng bơi lội, kỹ năng phòng tránh, ứng phó với tai nạn, gây thương tích cho trẻ em.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, các sở, ban, ngành tỉnh đã ban hành nhiều công văn, kế hoạch về phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em. Sau khi có Quyết định số 234/QĐ-TTg của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 98/KH-BCĐ ngày 18-5-2016 về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em giai đoạn 2016 - 2020.

Các sở, ngành tỉnh cũng đã ban hành nhiều kế hoạch thực hiện vấn đề này, trong đó phải kể đến như Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phối hợp với 7 ngành, đoàn thể tham gia xây dựng kế hoạch liên ngành về phòng, chống đuối nước cho trẻ em giai đoạn 2017 - 2020; đồng thời phối hợp xây dựng Đề xuất chính sách hỗ trợ dạy bơi cho trẻ em do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì.

Có thể thấy, về mặt chính sách, văn bản cơ bản đã khá đầy đủ. Các văn bản được đưa ra cho thấy sự quan tâm chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt của các cấp trong việc phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh và các sở, ngành có liên quan cũng tích cực tham mưu cho UBND tỉnh triển khai, thực hiện công tác phòng tránh đuối nước một cách nghiêm túc.

ĐUỐI NƯỚC VẪN TĂNG

Có một điều nghịch lý mà dư luận quan tâm, mặc dù các ngành chức năng đã vào cuộc quyết liệt, nhưng tình trạng đuối nước ở trẻ em vẫn còn, thậm chí là gia tăng.

Theo thống kê, mỗi năm nước ta trung bình có 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích. Trong đó, số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp. Trong nguyên nhân tai nạn thương tích trẻ em thì đuối nước được xem là nguyên nhân hàng đầu với 3.500 trẻ trong độ tuổi từ 0 - 19 tuổi (tương ứng với 10 trẻ tử vong/ngày).

Trong các nhóm tuổi, trẻ từ 0 - 4 tuổi chiếm tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất là khoảng 36%, nhóm từ 15 - 19 tuổi chiếm khoảng 16%, từ 5 - 9 tuổi chiếm 25%, nhóm 10 - 14 tuổi chiếm 26%. Các con số trên cho thấy rằng, tình hình tử vong do đuối nước ở trẻ em của nước ta trong những năm gần đây là rất lớn. Nguy cơ tiềm ẩn tai nạn đuối nước ở trẻ em rất cao.

Còn riêng tại Tiền Giang, thực trạng tai nạn thương tích do đuối nước nói chung và đuối nước ở trẻ em nói riêng trong những năm gần đây có chiều hướng diễn biến phức tạp. Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em trên địa bàn tỉnh dao động từ 30 - 50%. Trong vòng ba năm gần đây thì con số trẻ em tử vong do đuối nước tiếp tục gia tăng. 

Cụ thể, năm 2015 có 13 vụ đuối nước, trong đó có 5 trẻ em; năm 2016 có 24 vụ đuối nước, trong đó có 8 trẻ em và đến năm 2017 có 28 vụ đuối nước, trong đó có 25 trẻ em. Còn theo thống kê của Sở Giáo dục và Đạo tạo thì trong 5 năm qua (2013 - 2018), toàn tỉnh có 90 học sinh tử vong do đuối nước. Có thể thấy, số vụ đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất cao, gia tăng về số vụ.

Ngồi thẫn thờ bên bàn thờ 2 đứa cháu nội, ông Nguyễn Văn Đôi (ngụ xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông) vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết của 2 người cháu nội xảy ra vào tháng 8 năm ngoái.

Ông Đôi cho biết, do hoàn cảnh gia đình, nên ba mẹ 2 cháu N.H.N. và N.H.B. (cùng sinh năm 2008) đi làm ăn xa, để lại N. và B. sống với ông bà nội. Khoảng 17 giờ 30 phút, ngày 29-8-2017, sau khi đi học về, N. và B. xin ông Đôi đi chơi với lũ trẻ cùng xóm. Khoảng nửa giờ sau, hàng xóm phát hiện 2 em cùng 1 đứa trẻ hàng xóm chết đuối ở con mương sau nhà.

“Hằng ngày, đi học về nó thường xin tôi đi chơi với lũ trẻ, đâu biết chúng nó ra mương đâu. Tôi còn dặn tụi nhỏ đi chơi về sớm để ăn cơm chiều. Nào ngờ chưa đầy một tiếng sau đã xảy ra vụ việc đau lòng như vậy. 2 đứa nhỏ ngoan lắm. Người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh mà làm lòng tôi đau như cắt” - nói đến đây, 2 hàng nước mắt ông Đôi lăn dài trên má.

ô
Ông Nguyễn Văn Đôi chỉ vị trí 2 cháu nội ông bị tử vong do đuối nước.

Trước đó, chỉ trong buổi chiều ngày 15-5-2017, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 trường hợp trẻ em bị chết đuối, trong đó có 2 trường hợp ở huyện Gò Công Tây và 2 trường hợp ở TP. Mỹ Tho.

Rõ ràng, có thể thấy rằng, tình hình trẻ em bị đuối nước của tỉnh nhà trong những năm qua rất đáng báo động. Văn bản đưa ra khá đầy đủ, nhưng chúng ta vẫn chưa tìm ra được giải pháp tối ưu. Đã đến lúc ngành chức năng cần có những giải pháp để giải quyết triệt để vấn đề này, làm sao để tình trạng đuối nước ở trẻ em trong tỉnh giảm xuống mức thấp nhất.

Thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, đến nay 11/11 huyện, thành, thị đã triển khai chương trình phòng, chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn. Để chương trình đạt hiệu quả cao, một số địa phương đã sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và vận động nguồn xã hội hóa xây dựng nhiều mô hình bể bơi phù hợp với trẻ em. Tính đến cuối tháng 11-2017, toàn tỉnh có 62 bể bơi, trong đó bể bơi 25 m có 10 cái, bể bơi dưới 25 m có 32 cái, bể bơi đơn giản và bể bơi lắp ghép là 20 cái.

Còn về ngành Giáo dục và Đào tạo cũng đã có những quan tâm đặc biệt đến công tác dạy học môn Bơi cho học sinh tiểu học. Toàn tỉnh hiện tại có 44.500 học sinh tiểu học được phổ cập bơi.

Từ năm 2017 đến nay, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức 12 lớp hướng dẫn viên bơi cho 968 giáo viên giáo dục thể chất và 2 lớp nhân viên cứu hộ, trực hồ cho 80 người của các hồ bơi trong tỉnh. Bên cạnh đó, sở cũng đã phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức 17 lớp tập huấn cho 17 cán bộ, giáo viên với 889 người tham dự; tổ chức 12 lớp bơi cho học sinh tiểu học ở các vùng nông thôn với 71. 360 học sinh được cấp giấy chứng nhận biết bơi.

Trong giai đoạn 2012 - 2017, Tỉnh đoàn và Đoàn các cấp đã vận động xây dựng 12 hồ bơi di động lắp đặt tại các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn các huyện, thành, thị để triển khai tập bơi cho trẻ em, với kinh phí mỗi hồ bơi dao động từ 75 đến 95 triệu đồng.


ĐỖ PHI
(Còn tiếp)

.
.
.