Thứ Tư, 23/10/2019, 10:33 (GMT+7)
.

Những tấm lòng màu nâu sẫm

 

Đường Đỗ Văn Pháo. 		Ảnh: CAO THẮNG
Đường Đỗ Văn Pháo. Ảnh: CAO THẮNG

Thoạt đầu, tôi cứ tưởng anh nói chơi, nhưng sau khi gặp anh hỏi lại, anh vẫn trả lời rằng: “Đúng là những tấm lòng màu nâu sẫm chớ còn gì nữa!”.

Những tấm lòng màu nâu sẫm là cách dùng từ của Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim (huyện Châu Thành) Trần Thanh Hải khi nói về những tấm lòng vàng của những người dân trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM).

Anh giải thích: “Cái khó khăn nhất trong quá trình xây dựng NTM không phải là nguồn vốn, mà chủ yếu là làm sao nhận được sự đồng thuận của nhân dân, được thể hiện bằng những tấm lòng, mà bà con người ta hay nói là những tấm lòng vàng, nhưng riêng tôi thì gọi đó là những tấm lòng màu nâu sẫm. Ở đâu không biết, chớ ở xã Vĩnh Kim quê tôi, cụm từ “những tấm lòng màu nâu sẫm” là chính xác nhất”.

 

Thấy tôi vẫn còn thắc mắc về “những tấm lòng màu nâu sẫm”, anh cố tìm cách giải thích, diễn đạt: “Một trong những tiêu chí gặp nhiều khó khăn nhất là giao thông, mà nói đến giao thông là nói đến cầu, đường. Trước đây, khi chưa có Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, ở các vùng quê hầu hết đường thì nhỏ, cầu thì bắc tạm, thậm chí vẫn còn cầu khỉ. Thực hiện tiêu chí Giao thông, đường phải mở rộng và bê tông hoặc nhựa hóa; cầu phải kiên cố hoặc bán kiên cố.

Muốn thực hiện được tiêu chí này thì cần phải dựa vào sức dân theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chủ yếu là vận động hiến đất để mở rộng đường, vận động vốn đối ứng để xây dựng. Xã Vĩnh Kim hiện có 3 tuyến đường liên xã dài khoảng 3 km, 8 tuyến đường liên ấp dài gần 10,5 km và 83 tuyến đường dân sinh dài trên 38,5 km.

Trong quá trình vận động, hàng trăm hộ dân đã hiến hàng chục ngàn m2 đất, mà đất ở đây chuyên trồng các loại cây đặc sản, nên mỗi m2 đất có giá trị hàng triệu đồng. Để mở rộng đường, có nhiều hộ dân đã hiến hàng trăm m2 đất, tương đương với hàng trăm triệu đồng. Chính vì vậy nên tôi gọi đó là những tấm lòng mang màu của đất - màu nâu sẫm.

Để chứng minh tấm lòng của người dân Vĩnh Kim trong phong trào xây dựng NTM, anh đưa ra một số số liệu hết sức thuyết phục: Hoàn thành các tiêu chí để được công nhận là xã NTM, tổng nguồn vốn huy động lên đến gần 159 tỷ đồng, trong đó nhân dân hiến đất, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu, nhà cửa và tự nâng nền hạ để xây dựng các công trình giao thông trị giá 69 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ hơn 43%.

Anh còn cho biết, không chỉ riêng tiêu chí Giao thông, mà nhiều tiêu chí khác cũng gặp không ít khó khăn như tiêu chí về Điện, về Môi trường, về tỷ lệ Hộ nghèo… đều được những tấm lòng màu nâu sẫm giúp đỡ. Hàng loạt khó khăn anh đưa ra không cái nào giống cái nào, nhưng có một điểm chung là, nếu được sự đồng thuận của nhân dân thì khó khăn nào cũng đều được giải quyết, như lời Bác Hồ đã dạy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Cảm phục tấm lòng của những người dân Vĩnh Kim trong phong trào xây dựng NTM, tôi đã tìm gặp “những tấm lòng màu nâu sẫm” qua sự giới thiệu của Chủ tịch UBND xã Trần Thanh Hải. Đó là lão nông Nguyễn Tấn Tư, sinh năm 1938, ngụ ấp Vĩnh Thới. Tôi hỏi: “Chú đã hiến gần 200 m2

đất để mở rộng đường Đỗ Văn Pháo?”.

- Đúng vậy, có chuyện gì không?

- Dạ, cháu chỉ muốn hỏi cảm nghĩ của chú về việc hiến đất để làm đường, chú có băn khoăn hay hối tiếc?
- Nếu nói không thì tự dối lòng mình. Thiệt tình, tôi đã thức trắng nhiều đêm, trăn trở dữ lắm. Gần hai cái nền nhà chớ bộ, tiếc đứt ruột, đứt gan nhưng suy đi nghĩ lại thấy đòi bồi thường thì coi kỳ, vì đường được mở rộng thì mảnh đất còn lại của mình có giá trị hơn, nên không còn phải băn khoăn gì nữa.

Với ông Nguyễn Văn Thảo, sinh năm 1962, ngụ ấp Vĩnh Bình, không chỉ hiến đất một lần mà đến hai lần. Hưởng ứng chủ trương mở rộng đường 30-4, ông đã hiến mỗi bên 115 m2, vị chi hai bên là 230 m2. Trước đó, xã triển khai chủ trương mở rộng đường Ba Xáng, ông đã hiến bề rộng 1,5 m, chạy dài suốt 150 m thành 225 m2.

Tổng cộng hai lần, ông đã hiến gần nửa công đất (455 m2). Được hỏi về cảm nghĩ của mình, giọng ông có chút ngậm ngùi: “Không chỉ hiến đất mà cây cối cũng phải chặt bỏ, thiệt hại đâu có ít, nhưng tôi vốn là bộ đội, từng hy sinh xương máu để bảo vệ mảnh đất này, thì giờ đây chẳng lẽ lại tiếc mấy trăm m2 đất để làm đường công cộng. Vả lại, tôi hiện là Chi hội trưởng Cựu chiến binh ấp, thành viên trong Ban vận động xây dựng xã NTM nên phải gương mẫu để bà con noi theo”.

Cũng giống như ông Nguyễn Văn Thảo, ông Phan Thanh Bình, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã trả lời không một chút đắn đo: “Đất tôi hiến không nhiều, nhưng để mở rộng đường, tôi đã phải đập bỏ khoảng gần 50 m tường rào đã xây dựng kiên cố trước đó. Sau này, khi đường làm xong phải xây lại hàng rào tốn kém hàng chục triệu đồng. Vì sự nghiệp chung nên tôi không tiếc nuối”.

Còn rất nhiều, rất nhiều “những tấm lòng màu nâu sẫm” đã không ngần ngại hiến đất, cây cối, hoa màu, vật kiến trúc trên đất để mở rộng cầu, đường, góp phần tạo diện mạo mới cho làng quê, làm cho nông thôn gần hơn với thành thị…

ĐẬU VIẾT HƯƠNG

.
.
.