Thứ Bảy, 02/11/2019, 21:33 (GMT+7)
.

Đẩy mạnh công tác phòng, chống xâm hại trẻ em

Vấn đề xâm hại trẻ em nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng là vấn nạn của xã hội, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho trẻ em. Những năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, góp phần kiềm chế tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em.

Trẻ bị bỏ rơi được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.
Trẻ bị bỏ rơi được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.

Theo đó, tỉnh đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em như: Quyết định 43 ngày 25-8-2016 của UBND tỉnh về quy chế phối hợp trong hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Nghị quyết 09 ngày 7-12-2018 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ cho người trực tiếp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự trên địa bàn tỉnh Tiền Giang…

Ngoài ra, tỉnh còn ban hành các văn bản hành chính có liên quan đến trẻ em; kế hoạch phối hợp thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em hằng năm. Việc ban hành các văn bản đã thể hiện hóa quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tạo khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; thúc đẩy việc thực hiện ngày càng tốt hơn những quyền cơ bản của trẻ em Việt Nam và Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em.

Tỉnh hiện có 419.289 trẻ em từ 0 đến dưới 16 tuổi, chiếm 24,4 % dân số của tỉnh, trong đó có 36.307 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 201 trường hợp trẻ em bị xâm hại, trong đó có 196 nữ, 5 nam. Số trẻ em bị xâm hại theo từng hình thức được quy định tại Điều 4 và các điều khác của Luật Trẻ em gồm: 10 trẻ bị bạo lực; 181 trẻ bị xâm hại tình dục; 10 trẻ bị các hình thức gây tổn hại khác (bị cướp tài sản). Trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện trường hợp trẻ em bị bóc lột, bị mua bán và bỏ rơi, bỏ mặc.

Theo số liệu thống kê của cơ quan Công an và Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang, trong các vụ xâm hại, có 7 trẻ em bị tử vong, 11 trẻ em bị thương tật, 33 trẻ em có thai do bị xâm hại tình dục, 14 trẻ em phải bỏ học do bị xâm hại tình dục, 150 trẻ em bị các tác động khác về thể chất, tinh thần do bị xâm hại. Hậu quả lớn nhất đối với trẻ em bị xâm hại là tổn thương về tinh thần và ảnh hưởng đến tương lai, dễ bị mặc cảm, phát triển không bình thường, khó hòa nhập với xã hội và đặc biệt là tổn thương về sức khỏe thể chất.

Về công tác tuyên truyền, tỉnh đã chỉ đạo in và phát hành gần 30.000 cuốn Luật Trẻ em, khoảng 200.000 tờ rơi liên quan đến trẻ em bị xâm hại, bạo lực và tai nạn thương tích; dựng gần 100 pa nô các loại có nội dung tuyên truyền về phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em và giới thiệu về Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 nhằm tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng…

Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các cấp, các ngành, cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu và gắn với nguồn lực nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Ưu tiên hỗ trợ bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em vùng nông thôn, trẻ em vùng khó khăn.

Trên cơ sở các chương trình kế hoạch đã được triển khai, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác phòng ngừa xâm hại trẻ em, trong đó triển khai các mô hình: “Xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em”; “Trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng”; “Ngôi nhà an toàn”; “Trường học an toàn”… tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em.

Tỉnh còn triển khai thực hiện tốt phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Các hoạt động thanh, thiếu niên và nhi đồng; công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, giữa các ban, ngành, đoàn thể trong hoạt động chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em luôn được chú trọng… tạo điều kiện cho trẻ em phát triển toàn diện.

Đối với công tác hỗ trợ trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, sau khi xác định được nhu cầu cần hỗ trợ, can thiệp của trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, cán bộ làm công tác trẻ em các cấp phối hợp cùng các ngành, đoàn thể liên quan tham gia tư vấn cho gia đình hoặc đối tượng để có biện pháp phòng ngừa; đồng thời, phối hợp cơ quan công an thực hiện việc thu thập thông tin, đánh giá mức độ nguy cơ, an toàn và khả năng cần hỗ trợ, nếu nguy cơ cao thì sẽ cách ly trẻ em đến nơi an toàn để bảo vệ.

Khi trẻ em bị xâm hại, tùy theo tính chất, mức độ bị xâm hại của trẻ em mà áp dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp phù hợp. Trẻ em bị bỏ rơi sẽ được đưa về Trung tâm Công tác xã hội tỉnh nuôi dưỡng. Trẻ em bị bạo lực, ngược đãi nếu phát hiện thì các ngành, đoàn thể liên quan phối hợp can thiệp trao đổi, tư vấn với gia đình hoặc cách ly trẻ khi cần thiết.

Đối với trẻ em bị xâm hại tình dục, nếu phát hiện thì cán bộ lao động - thương binh và xã hội phối hợp cùng công an địa phương tiếp nhận thông tin và xử lý. Việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm xâm hại trẻ em được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự…

Qua tổ chức, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, công tác phòng ngừa trẻ em bị xâm hại và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên của tỉnh có nhiều chuyển biến, đem lại hiệu quả thiết thực, ngăn chặn kịp thời nhiều hành vi vi phạm, hạn chế hậu quả, tác hại xấu xảy ra.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, phát động phong trào toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xâm hại tình dục trẻ em được quan tâm thực hiện thường xuyên, chặt chẽ. Nhân dân mạnh dạn tham gia tố giác, cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị, liên quan đến tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, giúp cơ quan công an giải quyết kịp thời các vụ án, xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật.

PHƯƠNG NGHI

.
.
.