Thứ Sáu, 27/03/2020, 20:01 (GMT+7)
.
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI:

Hướng đến sự bình đẳng thực chất

2020 là năm cuối thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới (BĐG) giai đoạn 2016 - 2020. Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Tiền Giang đã triển khai kế hoạch của năm 2020 với nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp thực hiện cụ thể nhằm đảm bảo bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng.

Ngày nay, đảm bảo bình đẳng thực chất giữa nam và nữ góp phần vào sự phát triển chung của xã hội. 	Ảnh: N. SỰ
Ngày nay, đảm bảo bình đẳng thực chất giữa nam và nữ góp phần vào sự phát triển chung của xã hội. Ảnh: N. SỰ

Mục tiêu chung của chương trình là: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hiệu quả của các cơ quan, đơn vị đối với công tác BĐG và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ. Tạo bước chuyển mạnh mẽ về nhận thức nhằm thúc đẩy toàn xã hội thay đổi hành vi thực hiện BĐG, từng bước thu hẹp khoảng cách giới và nâng cao vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực bất bình đẳng hoặc có nguy cơ bất BĐG cao. Thực hiện có hiệu quả các quyền cơ bản, đảm bảo bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

Mục tiêu cụ thể mà Tiền Giang hướng đến là: Có 85% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, sinh viên, học sinh các cấp và 65% người dân trong cộng đồng được truyền thông nâng cao nhận thức về BĐG. Có 100% cán bộ làm công tác BĐG và vì sự tiến bộ phụ nữ, cán bộ hoạch định chính sách, đội ngũ cộng tác viên về BĐG được cập nhật kiến thức về BĐG. Phấn đấu 100% đại biểu dân cử, nữ cán bộ quản lý, nữ lãnh đạo các cấp, nữ cán bộ trong diện quy hoạch được trang bị kiến thức về BĐG và kỹ năng lãnh đạo, quản lý.

Để đạt được mục tiêu trên, các sở, ngành, các cấp được giao nhiệm vụ cụ thể gắn với nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Trong đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) làm nòng cốt chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh; đồng thời, lồng ghép chương trình hành động quốc gia về BĐG trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2020.

Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BĐG; tiếp tục thực hiện Đề án Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; tổ chức tập huấn nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về BĐG; triển khai tổ chức Tháng hành động Vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới…

Sở Y tế được giao nhiệm vụ phối hợp với ngành liên quan tăng cường giáo dục kiến thức về sức khỏe sinh sản, sự mất cân bằng giới tính khi sinh, an toàn tình dục cho người lao động nhằm giảm tỷ lệ nạo phá thai; đảm bảo khống chế thấp nhất tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV/AIDS; chú trọng công tác tư vấn về sức khỏe sinh sản và tạo điều kiện tiếp cận thuận lợi dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản có chất lượng; giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản và giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.

Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng chương trình cụ thể về giáo dục giới tính, sức khỏe trong các cấp học; xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát công tác nuôi dạy trẻ tại các cơ sở thực hiện xã hội hóa của hệ mầm non trong địa bàn dân cư nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ và yên tâm cho lao động nữ tham gia lao động sản xuất.

Sở Nội vụ nghiên cứu, đề xuất việc quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ, đặc biệt là cán bộ nữ chủ chốt trong năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2025, tạo điều kiện cho phụ nữ cống hiến năng lực và trí tuệ cho sự phát triển của đất nước. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục thực hiện mô hình “Xây dựng và sửa đổi hương ước, quy ước” nhằm đảm bảo quyền BĐG trong cộng đồng xã hội…

Theo thông tin từ Sở LĐ-TB&XH, trong năm 2020, công tác BĐG trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện 2 nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất là truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về BĐG. Thứ hai là triển khai thực hiện các mô hình BĐG như mô hình “Ngăn ngừa giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới” tại xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho; mô hình “Ngăn ngừa và giảm thiểu các hệ lụy của việc phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài” tại xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè; mô hình “Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại cộng đồng” ở thị trấn Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo; mô hình “Câu lạc bộ hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ bị ép kết hôn với người nước ngoài” tại các xã, thị trấn Long Định, huyện Châu Thành; mô hình “Xây dựng và sửa đổi hương ước, quy ước nhằm đảm bảo BĐG” tại các xã, thị trấn gồm Long Trung (huyện Cai Lậy), Mỹ Hạnh Trung (TX. Cai Lậy), Mỹ Phước (huyện Tân Phước), Tân Thành (huyện Gò Công Đông) và Phú Thạnh (huyện Tân Phú Đông).

THỦY HÀ

.
.
.