Thứ Sáu, 26/06/2020, 14:45 (GMT+7)
.

"Thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn"

Thành ngữ có câu “Thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn”. Vợ chồng chú Cao Văn Phụng (xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) và vợ chồng anh Nguyễn Văn Hùng (xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) là những cặp vợ chồng như thế.

Vợ chồng đồng lòng, chí thú làm ăn

Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nên những năm đầu sau khi cưới nhau, anh Nguyễn Văn Hùng và chị Hàng Diễm Thúy (ngụ ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây) đã gặp không ít khó khăn trong việc lập nghiệp.

Nhờ thuận vợ thuận chồng, cần cù lao động, vợ chồng anh Hùng đã vươn lên thoát nghèo.
Nhờ thuận vợ thuận chồng, cần cù lao động, vợ chồng anh Hùng đã vươn lên thoát nghèo.

Theo lời chị Thúy kể, khi lập gia đình, cha mẹ chồng cho vợ chồng chị 2 công đất, sau đó cho ra riêng, anh chị dựng căn nhà lá và trồng lúa trên đất cha mẹ cho. Chị còn nhận may đồng phục học sinh tại nhà. Vợ chồng chị lao động từ 5 giờ đến gần 20 giờ mỗi ngày, rồi những đứa con lần lượt ra đời mà nguồn thu nhập không đủ trang trải chi phí sinh hoạt gia đình, may nhờ bạn bè giúp đỡ nên không lâm cảnh nợ nần.
Chị Thúy chia sẻ thêm: “Khi chưa lập gia đình, tôi làm công nhân cho một công ty may mặc ở TP. Hồ Chí Minh, có cơ hội quen nhiều bạn hàng.

Sau khi lập gia đình, về quê phụ chồng làm ruộng và nhận may đồng phục học sinh tại nhà mà vẫn không đủ sống. Thấy vậy, bạn bè giới thiệu tôi nhận may gia công hàng xuất khẩu cho một công ty ở TP. Hồ Chí Minh...”. Lúc mở cơ sở may, anh chị chỉ mua được 2 chiếc máy may, chị may chính; còn anh, sau những giờ lao động ngoài đồng đã phụ vợ may hàng và chạy xe máy lên TP. Hồ Chí Minh để giao hàng, nhận nguyên liệu về cho chị may. Với bản tính chịu khó, tiết kiệm nên từ từ có dư, đã thuê đất để mở rộng canh tác và mở rộng cơ sở may mặc. Đến nay, cơ sở may mặc của anh chị đã tăng lên 5 máy may 1 kim, 3 máy vắt sổ, 1 máy xe biên, 1 máy Kansize và có khoảng 10 người đến cơ sở chị nhận hàng về nhà may gia công.

Hỏi về “bí quyết” để giữ gìn hạnh phúc gia đình, anh Hùng cười hiền, chia sẻ: “Vợ chồng chung sống trong gia đình có khi không hài lòng nhau, nhất là những lúc thiếu thốn dễ cự cãi, nhưng mỗi người nhường nhau một tiếng, san sẻ công việc gia đình, cùng nhau chăm lo cho con cái… thì sẽ hạnh phúc”. Chị Thúy ngồi kế bên, tiếp lời: “Hầu như suốt ngày tôi chỉ lo việc may vá; còn chồng lo hết, từ chuyện đồng áng, bếp núc đến đưa rước con đi học, phụ may, chở hàng giao và nhận nguyên liệu may về… Anh luôn chủ động san sẻ công việc và yêu thương vợ con. Đặc biệt, anh không có quan niệm đàn ông thì chỉ làm “việc lớn”…,  nên gia đình lúc nào cũng đầm ấm, hạnh phúc”.

45 năm sống bên nhau hạnh phúc

Gia đình chú Cao Văn Phụng và cô Đào Kim Chung (ngụ ấp Long Hòa A, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho) được bình chọn là “Gia đình văn hóa” tiêu biểu, thuận vợ thuận chồng xây dựng gia đình hạnh phúc, không những làm kinh tế giỏi, mà còn đi đầu trong các hoạt động xã hội.

Theo lời chú Phụng kể, năm 1975 chú và cô Chung cưới nhau, dù được cha mẹ cho đất canh tác, vợ chồng chịu khó lao động, nhưng do trồng lúa thu nhập không cao, rồi những đứa con lần lượt ra đời, có giai đoạn chú và cô vừa làm lúa vừa chăn nuôi heo, gà, làm lụng vất vả bao năm nhưng vẫn không khá lên được. Đến năm 2010, phong trào chuyển đổi cây trồng được khuyến khích, thay cho những diện tích lúa kém hiệu quả, cô chú mạnh dạn chuyển 1,5 ha đất lúa sang trồng thanh long ruột đỏ.

Vợ chồng chú Phụng bên ngôi nhà khang trang.
Vợ chồng chú Phụng bên ngôi nhà khang trang.

Chia sẻ với chúng tôi về quyết định táo bạo này, chú Phụng nói: “Năm 2010, tôi chuyển toàn bộ diện tích đất lúa sang trồng thanh long ruột đỏ, nhiều người nói tôi “bị khùng”, vì chưa có kinh nghiệm, cũng không biết thị trường tiêu thụ trái thanh long như thế nào…  Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, ông bà ta đã rút ra kinh nghiệm “có gan làm giàu”, nên tôi “liều một phen”. Thật ra, trước khi đưa ra quyết định này, vợ chồng tôi đã cố công tìm tòi, thấy có triển vọng mới làm, đã đầu tư cho vườn thanh long ruột đỏ…”. 

Theo chú Phụng tính toán, chi phí đầu tư ban đầu cho 1,5 ha thanh long ruột đỏ khoảng trên 300 triệu đồng, trong đó nặng vốn nhất là đắp ụ, đầu tư xây cột trụ và vốn mua cây giống. “Thời điểm đó, thanh long ruột trắng thì nhiều, có người kêu cho cây giống, nhưng thanh long ruột đỏ thì phải nhờ người quen đi tìm mua cây giống chất lượng với giá rất cao, đã quyết thì làm cho kỳ được” - chú Phụng chia sẻ.

Giải thích về quyết định có phần mạo hiểm của chồng mình về việc chuyển đổi cây trồng, cô Kim Chung chia sẻ: “Ông bà mình dạy “Thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn”. Từ khi cưới nhau đến nay đã 45 năm, dường như cô và chú luôn có cùng quan điểm, chú suy nghĩ và tính toán gì thì ý cô cũng gần giống như thế. Chú rất chịu khó, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, vất vả lắm mới kiếm được đồng tiền, nên làm gì cũng tìm hiểu, tính toán cẩn thận, nên cô đã ủng hộ”.

Dù trải qua nhiều khó khăn và không ít lần thất bại trong chăn nuôi, làm vườn, nhưng theo cô Chung, “bí quyết” để cô và chú chung sống hạnh phúc 45 năm qua là do “chồng giận thì vợ bớt lời”, san sẻ công việc cho nhau, cùng quan tâm chăm sóc, dạy bảo con cái…

Với mảnh vườn cha mẹ để lại, cộng thêm đất vợ chồng tích lũy tiền mua được, cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật, siêng năng lao động…,  trung bình mỗi năm vợ chồng chú Phụng thu về gần 1 tỷ đồng từ vườn thanh long, kinh tế khá giả, xây dựng cơ ngơi khang trang, 2 con đều được học hành đến nơi đến chốn và có công ăn việc làm ổn định…

Không chỉ xây dựng gia đình hạnh phúc, làm kinh tế giỏi, vợ chồng chú Phụng còn gương mẫu đi đầu trong các phong trào ở địa phương, chung tay xây dựng nông thôn mới. Chú Phụng chia sẻ: “Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, nên tôi và gia đình luôn ý thức trách nhiệm của mình đối với gia đình và xã hội…”.

Anh Trần Văn Thái, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ấp Long Hòa A, xã Đạo Thạnh, cho biết: “Gia đình chú Phụng là gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền. Điều đáng trân trọng là, chú luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước do xã phát động. Cụ thể như, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, chú không chỉ đóng góp 100 triệu đồng, mà còn hiến 200 m2 đất làm đường liên 3 xã tại Tổ 18, ấp Long Hòa A để mở rộng đường từ 3 m lên 3,5 m; tặng nhiều cây, con giống cho những hoàn cảnh khó khăn để phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống…”.

HOÀI THU

.
.
.