Thứ Sáu, 26/06/2020, 21:47 (GMT+7)
.

Xã Phước Trung đẩy mạnh công tác giảm nghèo

(ABO) Phước Trung (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) từng là xã khó khăn có mức thu nhập thấp, nhưng nhờ áp dụng các mô hình kinh tế trong trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu nên đời sống người dân ngày càng được cải thiện, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã.

Nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những nội dung quan trọng được Đảng và chính quyền xã Phước Trung tập trung thực hiện trong thời gian qua, đặc biệt là khi xã xây dựng nông thôn mới.

Để góp phần thực hiện được mục tiêu này, trên địa bàn xã đã thành lập 1 hợp tác xã và 4 tổ hợp tác trong nhiều lĩnh vực nông nghiệp, với khoảng 100 thành viên. Các mô hình kinh tế tập thể này đã góp phần tạo tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân. Bên cạnh đó, trên địa bàn xã đã và đang mở rộng thêm các mô hình kinh tế, hỗ trợ người dân sản xuất, tạo thêm thu nhập như trồng rau màu, đan lát… Từ đó, thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn xã Phước Trung đến nay nâng lên đạt 50 triệu đồng/người, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2017.

Chị Lê Thị Thu Hiền cải thiện kinh tế gia đình nhờ việc hỗ trợ vốn chăn nuôi dê.
Chị Lê Thị Thu Hiền cải thiện kinh tế gia đình nhờ được hỗ trợ vốn chăn nuôi dê.

Biến đổi khí hậu trong những năm gần đây diễn ra ngày càng phức tạp, đặc biệt là tình trạng hạn, mặn xảy ra gay gắt đã ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người dân trong xã. Để hỗ trợ người dân, chính quyền xã đã triển khai một số mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cạn trên đất lúa cho thu nhập cao như: Cây bắp, bầu, mướp… nhằm tăng năng suất và thu nhập. Với những mô hình trồng trọt và chăn nuôi, những phương pháp, kinh nghiệm được triển khai và phát huy hiệu quả đã giúp cho nhiều hộ dân xã Phước Trung vươn lên thoát nghèo, tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể cho người dân trong xã.

Chị Lê Thị Thanh Thảo (ấp Nghĩa Trí, xã Phước Trung) chia sẻ: "Gia đình lúc trước ở nhà lá, không có đủ điều kiện để xây nhà. Gia đình tôi đã được Ủy ban nhân dân (UBND) xã hỗ trợ vay vốn để mua dê giống. Bên cạnh đó, xã cũng tạo điều kiện cho gia đình dự các lớp tập huấn về các mô hình kinh tế, giúp nuôi dê đạt hiệu quả. Hiện tại, gia đình nuôi khoảng 10 con dê, trong đó có 3 con dê cái sinh sản và 7 con dê con chuẩn bị xuất chuồng. “Trừ đi các khoản chi phí, thu nhập bình quân của gia đình tôi khi nuôi dê lấy thịt đạt khoảng 30 triệu đồng/lứa, giúp gia đình trang trải cho cuộc sống hiện tại, có thể nuôi các con ăn học, xây nhà và thoát nghèo”.

Đề cập đến các mô hình kinh tế, giúp người dân thoát nghèo, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Trung Lê Thiện Nhơn cho biết: “Xã đã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các mô hình kinh tế tập thể, xây dựng nhiều mô hình Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi. Theo đó, xã đã thực hiện 24 mô hình trình diễn: Kỹ thuật sản xuất lúa sạch, trồng bắp, mô hình nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi ếch, nuôi bò, dê…; tổ chức 108 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất, với hơn 3.024 lượt người tham dự; phối hợp tổ chức 11 lớp dạy nghề cho hơn 300 lao động tham gia học tập; xây dựng được 7 dự án giảm nghèo bền vững trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi như: Dự án Nuôi bò sinh sản, Dự án Nuôi bò thương phẩm, Dự án Nuôi dê thương phẩm, Dự án Nuôi dê sinh sản, Dự án Trồng lúa chất lượng cao… Qua đó đã góp phần giúp người dân nắm bắt được kỹ thuật mới, áp dụng vào quá trình sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân”.

Kết quả cụ thể mà xã Phước Trung đạt được qua việc tạo ra các mô hình kinh tế là tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã đã giảm mạnh. Nếu như cuối năm 2017, toàn xã có 338/2.684 hộ thuộc diện nghèo, chiếm tỷ lệ hơn 12%, đến năm 2020 số hộ nghèo trên địa bàn xã chỉ còn 72/2.698 hộ, chỉ còn chiếm hơn 2,6%. Từ đó cho thấy, chính quyền xã cùng với nhân dân đã cùng chung tay vượt khó, vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, nhờ thu nhập được cải thiện, nhà ở của người dân cũng thay đổi rõ nét. Ngoài ra, chính quyền xã đã vận động nhà hảo tâm xa gần, vận động thu Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa để hỗ trợ cho những người nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn xã. Nhờ vậy, hiện nay trên địa bàn xã không còn hộ gia đình ở nhà tạm, dột nát. Đến nay, xã Phước Trung có 2.716 căn nhà đạt chuẩn của Bộ Xây dựng, đạt tỷ lệ hơn 72%, tăng hơn 4% so với năm 2017… Những kết quả mà xã Phước Trung đạt được thời gian qua cũng là một trong những dấu son nổi bật trong chặng đường xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới. 

NGỌC AN

 

 

.
.
.