Thứ Ba, 20/07/2021, 08:55 (GMT+7)
.

Mùa mưa bão năm 2021: Chủ động các biện pháp phòng, chống thiên tai

Đến nay, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (gọi tắt là Ban Chỉ huy) các cấp đã triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại trong mùa mưa bão năm 2021.

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Tiền Giang, từ nay đến hết năm 2021 còn khoảng 10 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông; trong đó, có khoảng 4 - 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Lũ tại thượng nguồn sông Cửu Long năm nay ít có khả năng xuất hiện lũ sớm. Vùng đầu nguồn sông Tiền tại Tân Châu, mực nước cao nhất năm khả năng xuất hiện vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn mức báo động II (4 m).

Ban Chỉ huy tỉnh đã lập kế hoạch kiểm tra, rà soát các công trình đê điều để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão 2021  (trong ảnh: Một đoạn đê biển Gò Công).                                                                                                                                           Ảnh: TUẤN LÂM
Ban Chỉ huy tỉnh đã lập kế hoạch kiểm tra, rà soát các công trình đê điều để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão 2021 (trong ảnh: Một đoạn đê biển Gò Công). Ảnh: TUẤN LÂM

Trước dự báo tình hình bão, lũ năm nay, Ban Chỉ huy tỉnh đã triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2021 trên địa bàn tỉnh với nhiều giải pháp cụ thể để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả, nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo đó, các huyện, thị khu vực phía Đông kiểm tra toàn bộ hệ thống đê điều, các công trình ngăn mặn, xây dựng kế hoạch duy tu, sửa chữa, nâng cấp nhằm đảm bảo chống nước biển dâng do bão, áp thấp nhiệt đới hoặc triều cường; đồng thời, xây dựng phương án hộ đê tương ứng với từng tuyến, từng khu vực trọng điểm theo phương châm “4 tại chỗ” sát với điều kiện thực tế của địa phương. 

Cùng với đó, Ban Chỉ huy tỉnh cũng đã lập kế hoạch kiểm tra, rà soát các công trình đê điều, đường giao thông, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, hệ thống điện, thông tin liên lạc, trường học, y tế; đồng thời, rà soát quy hoạch bố trí dân cư, đặc biệt là các khu vực ngoài đê, khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai để đảm bảo kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội và giảm thiểu rủi ro thiên tai ở các huyện vùng biển.

Công tác đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm, đặc biệt là công trình phòng, chống thiên tai, bảo vệ sản xuất, tài sản và tính mạng người dân như công trình giảm sóng, gây bồi chống xói lở, suy thoái nhằm khôi phục rừng phòng hộ ven biển Gò Công cũng được Ban Chỉ huy tỉnh chú trọng thực hiện.

Dự báo, các tháng giữa mùa mưa có tổng lượng mưa mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm. 2 tháng cuối mùa mưa có tổng lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm; trong đó tháng 10 có mưa nhiều nhất trong mùa mưa năm nay, sẽ gây bất lợi cho sản xuất. Mùa mưa năm 2021 trên địa bàn tỉnh sẽ kết thúc vào đầu tháng 11, ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm.

Bên cạnh các kế hoạch, giải pháp của tỉnh, Ban Chỉ huy các địa phương cũng đã triển khai các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Cụ thể, huyện Gò Công Đông đã kiện toàn Ban Chỉ huy huyện và các xã, thị trấn để thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ PCTT&TKCN. Cùng với đó, Ban Chỉ huy huyện cũng kiến nghị Ban Chỉ huy tỉnh hỗ trợ đầu tư hạ tầng khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão rạch Long Uông.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quí cho biết, Phòng phối hợp với Chi cục Thủy lợi, Hạt Quản lý đê, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang thường xuyên kiểm tra đê, cống ngăn mặn để có kế hoạch tu sửa kịp thời, vận hành hợp lý hệ thống Dự án Ngọt hóa Gò Công đáp ứng cho nhu cầu sản xuất và nước sinh hoạt cho người dân trong mọi tình huống.

Còn đối với khu vực phía Tây, Ban Chỉ huy tỉnh đã triển khai kế hoạch khảo sát hiện trạng, hoàn chỉnh các tuyến bờ bao, đê bao còn thấp để bảo vệ vụ lúa hè thu; đồng thời, tiếp tục triển khai thi công gia cố, nâng cấp các tuyến để bao xung yếu, các trạm bơm điện ở những ô bao mới hình thành… để bảo vệ các diện tích hoa màu và cây ăn trái.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Nguyễn Đức Thịnh cho biết, bên cạnh các biện pháp do Ban Chỉ huy các cấp đề ra, các địa phương cần luôn quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả). Cùng với đó, các địa phương cũng cần huy động mọi nguồn lực từ cộng đồng nhằm phát huy tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong công tác PCTT&TKCN trên địa bàn tỉnh.

CAO THẮNG

.
.
.