.

Nếu mỗi tỉnh giảm 1 vụ TNGT thì ít nhất 63 gia đình không bị mất người thân

Cập nhật: 10:54, 26/08/2022 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long nhấn mạnh chúng ta phải làm thế nào để thật sự kéo giảm tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí, nếu mỗi tỉnh chỉ cần giảm 1 vụ tai nạn giao thông thì ít nhất có 63 gia đình không bị mất người thân; hàng trăm đứa trẻ không bị mất bố mẹ, thất học, hàng trăm gia đình không mất con dâu, con rể. Đây mới là điều quan trọng, cấp thiết nhất mà chúng ta phải thực hiện.

Ngày 25/8, Bộ Công an tổ chức Hội nghị Giao ban thực hiện Kế hoạch 299 của Bộ Công an về cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) và Điện số 76 của Bộ trưởng Bộ Công an để đánh giá thực chất.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Công an. Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu Bộ Công an tới tất cả Công an các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Lực lượng Cảnh sát giao thông phát hiện, xử lý hơn 470 nghìn trường hợp vi phạm, phạt tiền 827 tỷ đồng

Tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông báo cáo kết quả 2 tháng thực hiện kế hoạch cao điểm nêu rõ: Thực hiện kế hoạch, Cục Cảnh sát giao thông đã xây dựng 3 đoàn công tác cùng với các đơn vị chức năng nắm tình hình, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện tại các địa phương.

Bộ Công an đã có Điện số 76 chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chủ động phòng ngừa không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và duy trì tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma tuý…

Lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện, xử lý hơn 470 nghìn trường hợp vi phạm, phạt tiền 827 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn hơn 77 nghìn trường hợp; tạm giữ hơn 100 nghìn phương tiện các loại.

Đã xử lý 61.401 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; 30.263 trường hợp phương tiện vận tải hàng hoá vi phạm cơi nới thành thùng, chở hàng quá khổ, quá tải. Xử lý 58.044 trường hợp vi phạm tốc độ.

Trong 2 tháng cao điểm, đã xảy ra 1.780 vụ tai nạn giao thông, làm chết 955 người, bị thương 1.287 người. So với thời gian trước liền kề, giảm 118 vụ (giảm 6,22%), giảm 83 người chết (giảm 8%), tăng 31 người bị thương (tăng 2,47%); đã xảy ra 6 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm 21 người chết, 22 người bị thương.

“Qua 2 tháng thực hiện kế hoạch, tình hình TTATGT đã có chuyển biến tích cực, đã tập trung xử lý nghiêm các phương tiện chở hàng quá trọng tải, quá khổ, tự ý cải tạo phương tiện giúp cho hoạt động vận tải có nhiều chuyển biến tích cực, được dư luận đồng tình ủng hộ. Có 13 địa  phương tai nạn giao thông giảm cả 3 mặt so với trước thời gian liền kề”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung cho biết.

a
Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông: Qua 2 tháng thực hiện kế hoạch, tình hình TTATGT đã có chuyển biến tích cực.

Nếu mỗi tỉnh giảm 1 vụ TNGT thì ít nhất 63 gia đình không bị mất người thân

Sau khi nghe các ý kiến, phát biểu kết luận chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long đã biểu dương những kết quả công tác mà Cục Cảnh sát giao thông và Công an các đơn vị, địa phương đã thực hiện qua 2 tháng thực hiện kế hoạch cao điểm và hơn 1 tháng thực hiện Điện số 76 của Bộ trưởng; khẳng định bước đầu tạo chuyển biến rất tích cực trong tư duy, nhận thức của cấp uỷ, chính quyền các địa phương, trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Việc xử lý phương tiện quá khổ, quá tải, vi phạm nồng độ cồn,  ma tuý, vi phạm tốc độ…đã được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cũng biểu dương những đơn vị làm tốt, nhắc nhở, rút kinh nghiệm đối với với các đơn vị còn để xảy ra tồn tại, chưa làm quyết liệt; đồng thời nhấn mạnh: “Chúng ta phải làm thế nào để thật sự kéo giảm 3 tiêu chí tai nạn giao thông, nếu mỗi tỉnh chỉ cần giảm 1 vụ tai nạn giao thông thì ít nhất có 63 gia đình không bị mất người thân; hàng trăm đứa trẻ không bị mất bố mẹ, thất học, hàng trăm gia đình không mất con dâu, con rể. Đây mới là điều quan trọng, cấp thiết nhất mà chúng ta phải thực hiện”.

a
Thứ trưởng Nguyễn Văn Long: Công tác đảm bảo an toàn giao thông phải thực chất, không được làm theo kiểu phong trào

Công tác đảm bảo an toàn giao thông phải thực chất, không được làm theo kiểu phong trào

Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh nhiệm vụ đầu tiên của Cảnh sát giao thông là tuyên truyền, giáo dục giúp người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Chính vì vậy, Công an các địa phương cần tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tham gia bảo đảm an toàn giao thông, để cán bộ, công chức gương mẫu, không vi phạm.

“Công tác đảm bảo an toàn giao thông phải thực chất, không được làm theo kiểu phong trào. Lực lượng Công an có đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để thực hiện nhiệm vụ. Chúng ta phải xác định đây là trách nhiệm của chúng ta.

Vì vậy, phải đổi mới tư duy nhận thức của Cảnh sát giao thông; phải xác định chủ thể phục vụ của chúng ta là người dân; xác định người dân là trung tâm và động lực, nguồn lực. Nhiệm vụ của Cảnh sát giao thông là bảo đảm các quyền lợi cho người dân”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.

Thứ trưởng yêu cầu, Đảng ủy Cục Cảnh sát giao thông và Công an các địa phương phải quyết tâm, đồng lòng xây dựng lực lượng Cảnh sát giao thông thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy tinh nhuệ, hiện đại; phát huy hiệu quả, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo đảm an toàn giao thông.

a
Nhiệm vụ của Cảnh sát giao thông là bảo đảm các quyền lợi cho người dân.

Nếu để xảy ra mất an toàn giao thông, Trưởng huyện, Trưởng phòng CSGT phải chịu trách nhiệm

“Các đồng chí Giám đốc, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng huyện… phải cam kết đảm bảo an toàn giao thông, không để xảy ra tình trạng xe quá khổ, quá tải. Nếu để xảy ra mất an toàn thì phải chịu trách nhiệm” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Long chỉ rõ đồng thời yêu cầu Công an các địa phương chưa tham mưu cho cấp ủy, UBND các cấp vào cuộc chỉ đạo các cấp ngành tham gia bảo đảm an toàn giao thông thì phải làm ngay.

Tiếp tục làm tốt công tác điều tra cơ bản, nhất là về cơi nới thành thùng, hoạt động quá khổ, quá tải để xử lý triệt để.

Bộ Công an sẽ xử lý trách nhiệm nếu để tái diễn tình trạng quá khổ, quá tải.  

“Các đơn vị phải bố trí lực lượng Cảnh sát giao thông tuần tra khép kín địa bàn, không co cụm, không bỏ trống địa bàn. Trước mắt trong tháng 9 – khi học sinh đến trường phải tổ chức triển khai tốt bảo đảm an toàn giao thông ở trường học.” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Long yêu cầu.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh mối quan hệ phối hợp chặt chẽ Cảnh sát giao thông và cơ quan điều tra các cấp trong điều tra, xử lý tai nạn giao thông, kiên quyết xử lý các vụ tai nạn giao thông có đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự; tổ chức kiến nghị giải quyết điểm đen trên địa bàn.

“Tất cả kiến nghị về điểm đen phải lập hồ sơ, nếu kiến nghị nhiều lần nhưng ngành giao thông không khắc phục, để xảy ra tai nạn giao thông thì sẽ xử lý trách nhiệm”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.

Thứ trưởng yêu cầu phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền pháp luật về ATGT trong trường học.

“Tôi rất trăn trở, nhiều cháu học sinh, nhiều trẻ nhỏ bị tai nạn giao thông vì đi vào điểm mù của các phương tiện. Lâu nay, chưa ai dạy, tuyên truyền, hướng dẫn cho các cháu biết điều này. Chính vì vậy, chúng ta phải tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cho các cháu biết, phòng tránh.

Các tỉnh phải xây dựng cổng trường an toàn, bố trí cho phụ huynh nơi đưa đón con. Phải xem tính mạng, sức khoẻ của người dân trên hết để đưa ra các giải pháp cụ thể”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nêu rõ.

Đồng thời yêu cầu từng đồng chí lãnh đạo, chỉ huy lực lượng Cảnh sát giao thông phải nghiêm túc, gương mẫu, đi đầu, nêu gương trong từng vị trí công việc; phải chung sức, chung lòng xây dựng Cảnh sát giao thông kỷ cương, gương mẫu, lấy lại hình ảnh cao đẹp, thân thiện của Cảnh sát giao thông.  

Đồng chí Thứ trưởng cũng nhấn mạnh các đơn vị, địa phương phải sử dụng hiệu quả các phương tiện nghiệp vụ mà Bộ Công an đã trang bị, không được để lãng phí; chuẩn bị điều kiện phân cấp đăng ký xe mô tô cho Công an xã; sớm hoàn thành dữ liệu xe chính chủ.

Nghiên cứu tạo điều kiện để người dân rút hồ sơ đăng ký chính chủ thuận lợi nhất, sẽ xử lý nghiêm cán bộ nếu gây khó khăn cho người dân khi rút hồ sơ đăng ký chính chủ; giao Cục Cảnh sát giao thông tiếp tục nghiên cứu bộ quy tắc ứng xử của Cảnh sát giao thông để thực hiện trong toàn lực lượng thời gian tới...

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.