.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH:

Giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận của Tổ đại biểu HĐND tỉnh

Cập nhật: 10:22, 19/02/2021 (GMT+7)

1.13.4. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra, rà soát, kịp thời tham mưu UBND tỉnh và HĐND tỉnh ban hành văn bản để bãi bỏ, thay thế các văn bản không còn phù hợp với quy định của pháp luật.

Giải trình:

Căn cứ Nghị định 34/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hằng năm Sở Tư pháp đều đề nghị các sở, ban, ngành tỉnh rà soát và cung cấp danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thi hành gửi về Sở Tư pháp tổng hợp, trình UBND tỉnh công bố kịp thời.

1.13.5. Ngày 19-4-2019, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 01 quy định mức chi hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Ngày 9-9-2019, UBND tỉnh ban hành Văn bản 309 hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 01/2019 của HĐND tỉnh. Theo đó, đối với các lớp bồi dưỡng có thời gian trên 5 ngày sử dụng từ nguồn kinh phí đào tạo được bố trí trong dự toán hằng năm của đơn vị, địa phương; các lớp do Trường Chính trị chủ trì tổ chức, toàn bộ chi phí tổ chức lớp (chi tổ chức lớp, chi tiền ăn, hỗ trợ chi phí đi lại cho học viên…) được sử dụng từ nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được bố trí trong dự toán chi ngân sách hằng năm của Trường Chính trị. Tuy nhiên, đến nay các lớp bồi dưỡng, tập huấn được tổ chức trong năm 2020 từ 5 ngày trở lên chưa thực hiện được mặc dù đã tổ chức tổng kết lớp từ rất lâu. Đề nghị UBND tỉnh sớm thực hiện chi hỗ trợ cho các trường hợp trên.

Giải trình:

Thực hiện Nghị quyết 01 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Hướng dẫn 309. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phát sinh nội dung bị chồng chéo về cơ quan có trách nhiệm chi hỗ trợ đối với các lớp có thời gian trên 5 ngày nêu tại điểm b, khoản 2 và tại điểm b, khoản 3, Mục II của Hướng dẫn. Để giải quyết những vướng mắc này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Trường Chính trị tỉnh dự thảo Hướng dẫn thay thế Hướng dẫn 309 của UBND tỉnh.

1.14. Về trật tự an toàn xã hội

1.14.1. Tình hình tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng. Đại biểu cho rằng, các biện pháp cai nghiện ma túy hiện nay không hiệu quả, biện pháp chế tài chưa có tính răn đe; đề nghị các ngành chức năng có giải pháp xử lý hiệu quả hơn. Đồng thời, kiến nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để đảm bảo tính răn đe hơn.

Giải trình:

- Năm 2020, toàn tỉnh đã phát hiện, bắt xử lý 266 vụ, với 306 đối tượng có hành vi tàng trữ, mua bán, vận chuyển… trái phép chất ma túy; trong đó, bắt xử lý về hành vi “Tàng trữ trái phép chất ma túy” 247 vụ với 279 đối tượng (266/247 vụ, chiếm 92,8% số vụ phát hiện), số người sử dụng ma túy, mua ma túy về sử dụng và bán lại cho các con nghiện khác… bị lực lượng Công an bắt, xử lý về tội tàng trữ trái phép chất ma túy rất nhiều trong năm qua.

- Các biện pháp cai nghiện ma túy hiện nay không hiệu quả, biện pháp chế tài chưa có tính răn đe, do một số lý do sau: Các quy định của pháp luật về xử lý đối với người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy còn hạn chế (quy định của pháp luật hiện nay đối với người nghiện đủ 18 tuổi trở lên mới được lập hồ sơ đưa vào Cơ sở Cai nghiện bắt buộc, nhưng thực tế hiện nay người dưới 18 tuổi nghiện ma túy nặng, thậm chí bị “ngáo đá” nhưng không thể lập hồ sơ đưa vào Cơ sở Cai nghiện bắt buộc được. Người sử dụng ma túy khi phát hiện đủ 18 tuổi thì lập hồ sơ quản lý theo Nghị định 111 của Chính phủ tại địa phương, các ngành quản lý, giáo dục số đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn). Đồng thời, thủ tục lập hồ sơ đưa người nghiện vào Cơ sở Cai nghiện bắt buộc còn chưa thống nhất giữa các ngành tại một số địa phương; người nghiện ma túy sau khi cai nghiện bắt buộc về địa phương lại tiếp tục sử dụng ma túy nhưng không được lập hồ sơ đưa vào Cơ sở Cai nghiện bắt buộc, mà phải lập hồ sơ đưa vào quản lý giáo dục tại địa phương, sau đó tối thiểu 45 ngày người đó tiếp tục sử dụng ma túy mới lập hồ sơ chuyển nhiều cơ quan thẩm định, sau cùng đến tòa án cấp huyện ra quyết định đưa đi cai nghiện bắt buộc. Người nghiện ma túy nặng ở trong tỉnh không có hộ khẩu và không đăng ký tạm trú thì theo quy định pháp luật không có chính quyền địa phương nơi nào có trách nhiệm quản lý về cai nghiện ma túy đối với đối tượng đó. Đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, theo quy định hiện nay, chỉ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng là chưa đủ sức răn đe.

- Thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh đề xuất Bộ Công an kiến nghị, đề xuất Trung ương sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản pháp luật khác có liên quan theo hướng đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn công tác phòng, chống ma túy, có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

1.14.2. Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đánh giá “đã kiềm chế, kéo giảm phạm pháp hình sự, các tai nạn, tệ nạn xã hội” là chưa đúng thực tế. Vì hiện nay, các loại tội phạm hình sự, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy, cho vay nặng lãi còn xảy ra nhiều nơi. Đề nghị cần đánh giá lại đúng thực chất và cho biết nguyên nhân vì sao tội phạm về trật tự xã hội, ma túy ngày càng gia tăng?

Giải trình:

- Căn cứ Báo cáo 215 ngày 30-10-2020 của UBND tỉnh về kết quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thì nội dung mà đại biểu cho rằng Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đánh giá “đã kiềm chế, kéo giảm phạm pháp hình sự, các tai nạn, tệ nạn xã hội” là chưa đúng theo báo cáo (trong Báo cáo không có nội dung này).

- Về nguyên nhân tội phạm về trật tự xã hội, ma túy ngày càng gia tăng:

+ UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh tập trung mở nhiều cao điểm tấn công tội phạm và các kế hoạch chuyên đề về xử lý các băng, nhóm thanh, thiếu niên sử dụng hung khí đâm, đánh nhau, gây rối trật tự công cộng; kế hoạch xử lý tội phạm giết người, cố ý gây thương tích, cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản, cho vay nặng lãi, tệ nạn xã hội, ma túy nên nhiều vụ việc về tội phạm đã được phát hiện, ghi nhận.

+ Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện một số địa phương báo cáo không trung thực (Công an tỉnh đã xử lý kỷ luật 4 cán bộ). Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã tác động mạnh đến các đơn vị, Công an địa phương; công tác báo cáo, thống kê được chấn chỉnh, thực hiện nghiêm túc hơn, do đó ghi nhận nhiều vụ tội phạm và vi phạm pháp luật xảy ra, phản ánh cơ bản, thực chất tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.

+ Thực hiện chủ trương bố trí Công an xã chính quy, lực lượng Công an xã đã ghi nhận đầy đủ và xử lý ban đầu nhiều tin báo tố giác về tội phạm nên số liệu tội phạm được ghi nhận tăng. Bên cạnh đó, còn có trường hợp Công an xã chưa nhận thức đầy đủ về vụ, việc nên báo cáo cơ quan Cảnh sát điều tra cấp huyện xử lý, không kiểm tra, xác minh ban đầu một cách đầy đủ.

+ Do chỉ đạo thực hiện quyết liệt, cương quyết xử lý vi phạm trong thực hiện công tác báo cáo, thống kê nên tạo tâm lý lo sợ, kết hợp những yếu kém, hạn chế về năng lực, khả năng phân tích, đánh giá của cán bộ làm công tác báo cáo, thống kê nên nhiều vụ việc báo cáo, thống kê chưa đúng bản chất, tính chất vụ việc.

+ Tình hình sự phát triển nhanh và đa dạng của nền kinh tế thị trường, đời sống văn hóa - xã hội ngày càng nâng cao, từ đó phát sinh nhiều quan hệ xã hội, dẫn đến vấn đề vi phạm về tội phạm trật tự xã hội, ma túy ngày càng nhiều, nhất là việc sử dụng chất ma túy trái phép trong giới trẻ ngày càng tăng cao.

+ Tội phạm ma túy là tội phạm ẩn, nên khi lực lượng Công an làm tốt các biện pháp nghiệp vụ, cũng như mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm về ma túy và người nghiện ma túy; tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm trên các lĩnh vực điểm kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự có dấu hiệu vi phạm pháp luật,… từ đó đã phát hiện, xử lý nhiều đối tượng phạm tội và sử dụng trái phép chất ma túy.

+ Một bộ phận gia đình thiếu sự quan tâm giáo dục, quản lý con em dẫn đến bỏ học, tụ tập ăn chơi, đua đòi, không công ăn việc làm dẫn đến tệ nạn ma túy. Nhận thức của giới trẻ chưa đúng về tệ nạn ma túy như: Không quan tâm về tác hại ma túy, cho rằng sử dụng ma túy tổng hợp (ma túy đá) không bị nghiện, không bị nhiễm HIV...

1.14.3. Đại biểu cho rằng, lực lượng Công an chính quy đào tạo chuyên môn ở một lĩnh vực nhưng khi về xã thực hiện nhiệm vụ phải quản lý nhiều lĩnh vực nên gặp rất nhiều khó khăn. Đề nghị Công an tỉnh tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án và có kế hoạch tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho Công an xã để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.

Giải trình:

Thực hiện Nghị quyết 22 ngày 15-3-2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Luật Công an nhân dân năm 2018 và các văn bản chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, đến nay Công an tỉnh đã hoàn thành việc bố trí ít nhất 5 Công an chính quy/1 xã (đã bố trí 715 đồng chí tại 143 xã, trong đó Trưởng Công xã 143 đồng chí, Phó Trưởng Công an xã 61 đồng chí và Công an viên 511 đồng chí).

Căn cứ Kế hoạch của Bộ Công an về tổ chức bồi dưỡng cán bộ Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, thị trấn giai đoạn 2019- 2020, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã nghiên cứu, phối hợp các học viện, trường Công an nhân dân và đề nghị Cục Đào tạo - Bộ Công an hướng dẫn tổ chức bồi dưỡng cho tất cả cán bộ Công an chính quy được bố trí tại các xã, thị trấn. Theo đề nghị của Công an tỉnh, năm 2019 và năm 2020, Cục Đào tạo - Bộ Công an đồng ý cho Công an tỉnh mở 6 lớp bồi dưỡng cán bộ Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, thị trấn với 728 đồng chí tham gia 15 chuyên đề, tập trung chủ yếu về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã; công tác nghiệp vụ cơ bản; công tác nắm, xử lý tình hình liên quan đến an ninh trật tự; tiếp nhận tin báo, phân loại, xử lý tin báo, tố giác về tội phạm; công tác thông tin báo cáo; công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội; công tác lập hồ sơ quản lý đối tượng; công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; công tác phòng, chống một số tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội ở địa bàn cơ sở…, đến ngày 8-1-2021 hoàn thành việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho 100% cán bộ Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã.

Qua công tác bồi dưỡng, cơ bản trang bị cho lực lượng Công an xã kiến thức pháp luật, nghiệp vụ. Công an tỉnh sẽ tiếp tục đề xuất tổ chức mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn để bổ sung kiến thức về nghiệp vụ cho lực lượng Công an xã và đưa đi đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ Công an.

Thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn để bổ sung kiến thức về nghiệp vụ cho lực lượng Công an xã; đồng thời, rà soát các đồng chí chưa qua đào tạo nghiệp vụ Công an để cân đối đưa đi đào tạo.

(còn tiếp)

.
.
.