.

UBND tỉnh Tiền Giang trả lời kiến nghị của cư tri về lĩnh vực Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Giao thông

Cập nhật: 15:13, 15/08/2023 (GMT+7)

Thực hiện đề nghị của Thường trực HĐND tỉnh tại Công văn 26 ngày 13-3-2023 về việc đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh Khóa X, UBND tỉnh trả lời các nội dung cụ thể như sau:

- Cử tri xã Mỹ Phước Tây (TX. Cai Lậy) phản ánh người nông dân sạ giống lúa hạt dài nhưng khi thu hoạch lúa thì giá thu mua thấp, không ổn định, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người nông dân. Đề nghị ngành chức năng xem xét, có chế độ hỗ trợ cho người dân trồng lúa.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Hiện tỉnh chưa có chính sách để hỗ trợ trực tiếp cho người dân trồng lúa hạt dài trong các thời điểm giá thu mua thấp, không ổn định. Giá bán nông sản nói chung và giá bán lúa nói riêng cao hay thấp là phụ thuộc rất lớn vào thị trường, do thị trường quyết định. Để hạn chế tình trạng giá lúa thấp, không ổn định như trên các địa phương cần hướng dẫn người dân tiếp cận các chính sách sau:

+ Nghị quyết 07 ngày 12-7-2019 của HĐND tỉnh Tiền Giang quy định về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

+ Nghị quyết 04 ngày 17-9-2021 của HĐND tỉnh về phân bổ nguồn kinh phí hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

+ Nghị quyết 02 ngày 10-7-2020 của HĐND tỉnh về Quy định nội dung chi, mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang...

Vận dụng các chính sách nêu trên, các địa phương có thể tuyên truyền vận động người dân trồng lúa tham gia liên kết sản xuất - tiêu thụ theo hợp đồng, với giá thu mua được ký kết, đảm bảo đầu ra và lợi nhuận cho người dân. Đồng thời tăng cường chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới để người dân áp dụng vào sản xuất nhằm giúp giảm chi phí đầu tư, cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.

- Cử tri huyện Tân Phước phản ánh hiện nay trên địa bàn huyện có diện tích trồng cây khóm trên 15.500 ha; lượng khóm thu hoạch thường xuyên cung cấp cho các vùng lân cận. Nhưng khi vào mùa thu hoạch thì khóm trái bị rớt giá thậm chí đầu ra gặp khó khăn. Đề nghị UBND tỉnh có giải pháp mời gọi đầu tư phát triển nhà máy chế biến sản phẩm khóm tại huyện Tân Phước.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp với các sở, ngành triển khai các dự án thu hút, mời gọi các nhà đầu tư đến Tiền Giang đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng các nhà máy chế biến, kho bảo quản nông sản; hỗ trợ chính sách liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Đến nay, đã có trên 50 doanh nghiệp thu mua, sơ chế chế biến khóm, trong đó có trên 10 cơ sở sản xuất các sản phẩm chế biến từ khóm như: Kẹo khóm, khóm sấy, puree, nước ép khóm… (Công ty cổ phần rau quả Tiền Giang, HTX Tân Phước, Công ty TNHH Nacom, Công ty TNHH TMDV Bắc Mỹ Thuận và một số cơ sở sản xuất kẹo khóm, nước khóm trên địa bàn huyện Tân Phước).

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông sản, trong đó chú trọng mở rộng tiêu thụ thị trường trong nước; triển khai chính sách hỗ trợ kết nối tiêu thụ, thương mại và ứng dụng công nghệ chế biến sâu, góp phần tăng tỷ trọng chế biến nhằm ổn định giá cả nông sản cho người dân.

- Cử tri trong tỉnh phản ánh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra trên địa bàn các huyện, thành, thị từ năm 2021 đến nay, địa phương đã lập biên bản tiêu hủy, nhưng đến nay người nuôi heo bị tiêu hủy chưa được nhận tiền hỗ trợ. Đề nghị Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết có hỗ trợ cho người chăn nuôi bị tiêu hủy từ năm 2021 đến nay hay không? Nếu có thì mức hỗ trợ như thế nào và thời gian nào thực hiện hỗ trợ.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Tiền Giang chưa thực hiện hỗ trợ cho 328 hộ và trên 500 tấn heo đã tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn Châu Phi vì chính sách hỗ trợ đã hết hiệu lực từ ngày 1-1-2021 (hỗ trợ theo Quyết định 2254 ngày 30-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ).

Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã nhiều lần kiến nghị Trung ương hướng dẫn cơ chế hỗ trợ người nuôi bị thiệt hại. Ngày 10-7-2023, Bộ NN&PTNT đã có Công văn 4480 phúc đáp kiến nghị của tỉnh. Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT thì Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT chủ trì xây dựng Nghị định quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật trình Chính phủ trong quý IV năm 2023. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đang lấy ý kiến các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp góp ý dự thảo văn bản hướng dẫn thực hiện hỗ trợ trợ phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi và viêm da nổi cục theo quy định hiện hành. Sau khi có ý kiến của các bộ, Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thiện việc hướng dẫn để các tỉnh thực hiện.

VỀ LĨNH VỰC GIAO THÔNG

- Cử tri xã An Thái Trung (huyện Cái Bè) phản ánh đường Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trong quá trình thi công làm nhà dân bị rạn nứt, cơ quan chức năng đã đi khảo sát trên 1 năm nay nhưng chưa được giải quyết. Đề nghị ngành chức năng làm việc với chủ đầu tư và đơn vị thi công sớm xem xét, giải quyết cho người dân.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Trong quá trình triển khai thi công dự án, doanh nghiệp dự án đã phối hợp với đơn vị bảo hiểm, đơn vị giám định và các bên liên quan tiến hành khảo sát, đánh giá mức độ thiệt hại và tiến hành bồi thường cho tất cả các hộ dân có công trình bị ảnh hưởng trong quá trình thi công dự án. Quá trình chi trả bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng đều được lập hồ sơ và quản lý hồ sơ chặt chẽ.

Xác định đây là vấn đề quan trọng nhằm đảm bảo lợi ích cho các hộ dân bị ảnh hưởng, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tiếp tục theo dõi, phối hợp, đôn đốc doanh nghiệp dự án yêu cầu đơn vị bảo hiểm khẩn trương thực hiện chi trả đối với các hộ bị ảnh hưởng theo quy định hiện hành.

- Cử tri thị trấn Bình Phú (huyện Cai Lậy) phản ánh khi thi công đường Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thì tuyến đường dưới cầu cao tốc (đoạn từ khu phố Bình Sơn qua khu phố Bình Thới, thị trấn Bình Phú) bị hư hỏng nặng. Cử tri đã nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục. Đề nghị ngành chức năng làm việc với chủ đầu tư và đơn vị thi công sớm sửa chữa tuyến đường trên.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải làm việc với doanh nghiệp dự án, yêu cầu nhà thầu thi công khẩn trương tiến hành sửa chữa, khắc phục, dự kiến đến cuối tháng 8-2023 sẽ hoàn thành.

- Cử tri xã Bình Đức (huyện Châu Thành) đề nghị UBND tỉnh sớm triển khai hỗ trợ kinh phí đền bù cho người dân trên địa bàn huyện Châu Thành bị ảnh hưởng do công trình cầu Rạch Miễu 2 để người dân sớm mua đất ổn định chỗ ở mới.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, xã Bình Đức có tổng cộng 157 hộ gia đình bị ảnh hưởng, tiến độ thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng đến nay như sau:

+ Đã thực hiện chi trả cho 13 hộ bị ảnh hưởng mồ mả.

+ Có tổng cộng 37 hộ gia đình thuộc phạm vi tách phương án bồi thường đoạn từ ngã ba đường huyện 34 (đường vào Trại rắn Đồng Tâm) có lý trình tại Km 04+260 đến Km 04+360, với số tiền là 78,080 tỷ đồng, để xử lý nền đất yếu. Hiện tại, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh đang thực hiện các thủ tục, hồ sơ để trình Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Châu Thành xem xét, thẩm định trước khi trình UBND huyện Châu Thành phê duyệt phương án bồi thường. Dự kiến chi trả trong tháng 8-2023.

+ Số hộ còn lại sẽ được chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và bố trí vốn giải phóng mặt bằng cho chủ đầu tư tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre, đoạn qua địa bàn tỉnh Tiền Giang (Sở Tài nguyên và Môi trường).

- Cử tri xã Hòa Khánh (huyện Cái Bè) phản ánh tuyến đường cặp sông Trà Lọt đến Miếu Hà Dương Thủy Thần bị xuống cấp nặng. Đề nghị UBND tỉnh sớm có kế hoạch nâng cấp mở rộng tuyến đường này nhằm góp phần phát triển khu du lịch tâm linh Miếu Hà Dương Thủy Thần.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Đoạn đường giao thông nông thôn từ sông Tiền (đường huyện 75) đến cầu Trà Lọt (đường tỉnh 864) có tổng chiều dài 1,2 km thuộc hệ thống đường thôn, xóm, mặt đường kết cấu là đan rộng 1,2 m được đầu tư cách đây hơn 15 năm từ nguồn vốn Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Hiện nay đã xuống cấp, gây khó khăn cho việc lưu thông, Miếu Hà Dương Thủy Thần tọa lạc ấp Hòa Lược, xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè nằm cặp tuyến đường giao thông nông thôn này. UBND tỉnh giao UBND huyện Cái Bè chỉ đạo UBND xã Hòa Khánh xem xét có kế hoạch đầu tư nâng cấp, mở rộng đoạn đường giao thông nông thôn này .

Về lâu dài, UBND huyện Cái Bè giao Phòng Kinh tế và Hạ tầng khảo sát, khái toán đề xuất UBND huyện xem xét kết nối vào đường tỉnh 864 nhằm góp phần phát triển khu du lịch tâm linh Miếu Hà Dương Thủy Thần.

- Cử tri xã Mỹ Long (huyện Cai Lậy) đề nghị UBND tỉnh quan tâm có kế hoạch sớm nâng cấp, mở rộng mặt đường tuyến tỉnh lộ 874B và đầu tư hệ thống thoát nước 2 bên đường (đoạn từ giáp xã Nhị Quý đến xã Mỹ Long) để đảm bảo cho việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân, nhất là vào mùa mưa, tạo điều kiện cho xã xây dựng nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới; sớm khảo sát, đầu tư 2 cống hở nằm trên đường tỉnh 874B vì hiện tại trên tuyến đường này có 2 cầu bị xuống cấp, hư hỏng nặng (cầu 4 tàu, cầu 4 bầu), thuộc ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Long; xem xét nâng cấp, duy tu đường dẫn lên cầu chợ Mỹ Long, vì hiện tại mặt đường thấp, nước ngập dẫn đến đường bị xuống cấp, làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Về nâng cấp, mở rộng mặt đường và đầu tư hệ thống thoát nước 2 bên đường (đoạn từ giáp xã Nhị Quý đến xã Mỹ Long): Trong năm 2022, tỉnh đã đầu tư nâng cấp mở rộng mặt đường đường tỉnh 874B đoạn từ Quốc lộ 1 đến UBND xã Nhị Quý kết hợp xây dựng hệ thống thoát nước dọc 2 bên đường cho một số đoạn tuyến qua khu vực đông dân cư thường xuyên bị ứ đọng nước. Đối với đoạn từ giáp xã Nhị Quý đến xã Mỹ Long, UBND tỉnh ghi nhận và giao Sở Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND huyện Cai Lậy kiểm tra thực tế hiện trường để nghiên cứu, đề xuất thực hiện.

Về đầu tư cống hở tại vị trí 2 cầu (cầu 4 tàu và cầu 4 bầu): UBND tỉnh giao UBND huyện Cai Lậy chỉ đạo các phòng, ban trực thuộc phối hợp với UBND xã Mỹ Long sớm khảo sát, đánh giá sự cần thiết, tính khả thi, đề xuất quy mô báo cáo UBND huyện xem xét cho chủ trương thực hiện.

Về nâng cấp, duy tu đường dẫn lên cầu Chợ Mỹ Long: UBND tỉnh giao UBND huyện Cai Lậy chỉ đạo các phòng, ban trực thuộc kiểm tra, khắc phục theo thẩm quyền phân cấp quản lý.

- Cử tri xã Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy) tiếp tục kiến nghị các ngành chức năng sớm đầu tư xây dựng cầu bắc qua kinh Nguyễn Văn Tiếp, vì đây là nhu cầu cấp thiết nhằm phục vụ việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân. Vấn đề này cử tri nhiều lần kiến nghị nhưng chưa thực hiện.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Hiện tại dự án cầu qua kinh Nguyễn Văn Tiếp chưa có sự thống nhất giữa các sở, ngành tỉnh và UBND huyện Cai Lậy về vị trí đầu tư xây dựng, nên chưa triển khai công tác lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án. UBND tỉnh đã giao các sở, ngành tỉnh phối hợp cùng UBND huyện Cai Lậy tiếp tục nghiên cứu lựa chọn vị trí phù hợp, thuận lợi và tối ưu nhất theo định hướng phát triển để thực hiện dự án nhằm phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư, báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định. 

(Còn tiếp)

 

.
.
.