Thứ Ba, 21/05/2024, 11:25 (GMT+7)
.

Giao xe gắn máy cho trẻ vị thành niên sử dụng: Sai lầm của cha mẹ

Hiện nay, nhiều em học sinh dù chưa đến tuổi trưởng thành nhưng vẫn được người lớn trong nhà giao xe máy từ 50cm3 trở lên làm phương tiện di chuyển. Từ sự dễ dãi này, không ít tai nạn thương tâm do các em lái xe cẩu thả gây ra.

a
Lực lượng CSGT TPHCM lập biên bản vi phạm đối với nam sinh vi phạm giao thông

Con gây tai nạn, cha mẹ bị khởi tố

Mới đây, Công an TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế ) bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Hoàng Thị Kim Lan (sinh năm 1978, ngụ tỉnh Thừa Thiên Huế ) về hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, dẫn tới gây tai nạn. Trước đó, vào tháng 8-2023, bà Lan giao xe máy cho con trai là Nguyễn Văn Quang Huy (sinh năm 2005, thời điểm này Huy chưa có giấy phép lái xe) tham gia giao thông. Khi Huy lái xe tới đường Minh Mạng (phường Thủy Xuân, TP Huế ) thì gây ra tai nạn giao thông làm 1 người chết, 1 người bị thương. Huy cũng bị đa chấn thương, vỡ phức tạp vùng sọ…, phải nhập viện cấp cứu. Cơ quan công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Huy

Tháng 3-2024, TAND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đưa ra xét xử bị cáo Rơ Ma Pil (sinh năm 1986, ngụ xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) về hành vi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Theo đó, năm 2021, Pil giao xe máy có dung tích xi lanh 109cm3 của mình cho con trai là Rơ Mah Tinh (sinh tháng 10-2006, thời điểm đó chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô trên 50cm3 , chưa có giấy phép lái xe) đi lại hàng ngày. Tháng 10-2023, sau khi uống rượu, Tinh lái xe máy chở 2 người khác, lưu thông trên đường liên xã, theo hướng xã Ia Lâu đi xã Ia Ga (huyện Chư Prông), tông vào xe máy do Rơ Mah Tuyên (cùng trú xã Ia Lâu) điều khiển hướng ngược lại. Vụ tai nạn khiến 4 người trên 2 xe máy tử vong...

Trong phiên xét xử, bà Pil nói rằng không nghĩ tới việc giao xe cho con khi con chưa đủ tuổi chạy xe phân khối lớn, chưa có giấy phép lái xe là vi phạm pháp luật. Hàng ngày, bà vẫn giao xe cho con đi lại nhằm giúp đỡ công việc làm rẫy và chở nông sản, hoa màu cho gia đình. Cho đến khi vụ tai nạn xảy ra, bà mới thảng thốt nhận ra sai lầm của mình.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Nhiều năm qua, tại TPHCM, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) cùng nhà trường, cơ quan chức năng liên tục tổ chức ký cam kết, tuyên truyền từ đầu năm học về Luật Giao thông đường bộ tới học sinh, phụ huynh. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện, phù hợp với các cấp học, hình thành thói quen tham gia giao thông an toàn cho học sinh; ngăn chặn, hạn chế và làm giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và tai nạn giao thông liên quan đến học sinh. Đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của nhà trường trong công tác quản lý, giáo dục đối với học sinh.

Tuy nhiên, tình trạng học sinh chưa đủ tuổi chạy xe máy đi học và nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh vẫn diễn ra. Dẫn chứng, năm 2023, trên địa bàn quận Bình Thạnh xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh làm 2 người chết, 11 người bị thương. Tháng 1-2024, tại quận Bình Thạnh cũng xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông liên quan học sinh khiến 1 người chết, 6 người bị thương. Lãnh đạo Đội Tuần tra dẫn đoàn (Phòng CSGT, Công an TPHCM) cho biết, khi bị thổi phạt, các em đều lấy lý do cha mẹ bận không đưa đón được, nhà xa… Một số học sinh đi xe máy thấy CSGT thì tăng ga hoặc quay ngược lại bỏ chạy, rất nguy hiểm và có nguy cơ gây tai nạn giao thông. Nhiều em khi bị CSGT chặn lại đã không biết xe mình chạy là bao nhiêu phân khối. Các trường hợp học sinh chưa đủ tuổi lái xe, không có bằng lái đều bị CSGT lập biên bản niêm phong, tạm giữ xe 7 ngày...

Lãnh đạo Phòng CSGT, Công an TPHCM thông tin, thời gian qua, CSGT đã thổi phạt, lập biên bản hàng loạt trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm luật giao thông. Trong đó, nhiều nhất là lỗi học sinh chưa đủ tuổi nhưng vẫn chạy xe máy. Từ ngày 15-12-2023 đến ngày 7-5-2024, lực lượng CSGT TPHCM đã lập biên bản gần 3.100 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm. Tất cả các trường hợp học sinh vi phạm đều được CSGT gửi thông báo về trường để đánh giá, xếp loại hạnh kiểm. Bên cạnh đó, phụ huynh giao xe máy cho con chạy đến trường cũng bị lập biên bản vì giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Phòng CSGT, Công an TPHCM cho biết thêm, các đội/trạm của đơn vị tổ chức các buổi ký kết giao ước đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho học sinh các trường THPT, THCS và các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Đồng thời, tổ chức các buổi tuyên truyền giúp các em học sinh nắm vững quy định của Luật Giao thông đường bộ, xây dựng văn hóa giao thông, hạn chế tai nạn giao thông liên quan đến học sinh. Nhiều cán bộ, chiến sĩ CSGT túc trực tại các ngôi trường phát tờ rơi tuyên truyền tới tận tay các em học sinh và phụ huynh.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3 . Với học sinh từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe máy sẽ áp dụng hình thức xử phạt hành chính nhẹ nhất là cảnh cáo. Từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị phạt tiền từ 400.000-600.000 đồng. Với phụ huynh là chủ xe mô tô, xe máy giao xe cho con em là học sinh chưa đủ tuổi điều khiển giao thông cũng bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng; nếu phụ huynh giao xe cho con em là học sinh chưa đủ tuổi lái xe gây tai nạn làm chết người sẽ bị phạt tù đến 7 năm tù hoặc phạt tiền đến 30 triệu đồng.

Theo sggp.org.vn

 


 

 

.
.
.