.

Tiền Giang: Đột phá để nâng cao hiệu quả và tính minh bạch

Cập nhật: 10:28, 21/08/2024 (GMT+7)

Trong bối cảnh cải cách hành chính (CCHC) đang được chú trọng và triển khai mạnh mẽ tại nhiều địa phương, tỉnh Tiền Giang cũng đã có những bước đi đột phá nhằm nâng cao hiệu quả và minh bạch trong công tác quản lý hành chính nhà nước.

Nhiều văn bản, kế hoạch được ban hành trong nửa đầu năm 2024 cho thấy quyết tâm mạnh mẽ trong việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và kiểm soát các quy trình hành chính của Tiền Giang.

HƯỚNG ĐẾN PHỤC VỤ HIỆU QUẢ

Thời gian qua, công tác CCHC luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh Tiền Giang đặc biệt quan tâm. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định CCHC là 1 trong 3 khâu đột phá. Để cụ thể hóa nghị quyết này, Tỉnh ủy Tiền Giang đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề về CCHC và chuyển đổi số đến năm 2025. Những nghị quyết này thể hiện rõ quyết tâm chính trị mạnh mẽ của tỉnh nhằm hướng đến phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn, ngày một hiệu quả hơn.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh trao tặng Bằng khen cho các tập thể đã có thành thích xuất sắc trong thực hiện chuyên đề thi đua “Đẩy mạnh CCHC” năm 2023.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh trao tặng Bằng khen cho các tập thể đã có thành thích xuất sắc trong thực hiện chuyên đề thi đua “Đẩy mạnh CCHC” năm 2023.

Từ đầu năm đến nay, công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh Tiền Giang đã thực hiện đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cùng các nghị định hướng dẫn. Tại Kỳ họp thứ 11 của HĐND tỉnh khóa X, HĐND tỉnh đã thông qua 12 nghị quyết quy phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực như y tế, tài chính, tư pháp, tài nguyên và môi trường...

UBND tỉnh cũng đã ban hành 30 quyết định quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nông nghiệp, nội vụ, thông tin và truyền thông…

Để nâng cao hiệu quả công tác cải cách chế độ công vụ, tỉnh đã quán triệt và chỉ đạo tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính. Cụ thể, tỉnh sẽ xem xét thay thế hoặc điều chuyển cán bộ, công chức có năng lực yếu, không dám làm việc, né tránh trách nhiệm hoặc làm việc cầm chừng, gây trì trệ cho công tác của cơ quan, đơn vị. Trong trường hợp gây ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị, những cá nhân và tập thể liên quan sẽ phải kiểm điểm và bị xử lý theo đúng quy định.

Tỉnh kiên quyết không để xảy ra tình trạng chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp. Định kỳ hằng tháng, tỉnh đều tổ chức kiểm tra công vụ và văn hóa công sở.

Bên cạnh đó, về công tác xây dựng và phát triển chính quyền số, hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã tiếp nhận và xử lý hơn 1,1 triệu văn bản, trong đó hơn 95% văn bản được ký số và đảm bảo giá trị pháp lý theo quy định.

Đáng chú ý, 100% cơ sở y tế và cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt. TTHC được công bố công khai đúng theo quy định, với tổng số hiện có là 1.787 thủ tục, bao gồm 1.480 thủ tục cấp tỉnh, 217 thủ tục cấp huyện và 90 thủ tục cấp xã. Trong đó, có 86 thủ tục (chiếm 4,81%) cung cấp thông tin trực tuyến, 486 thủ tục (chiếm 27,2%) là dịch vụ công trực tuyến một phần và 1.215 thủ tục (chiếm 67,99%) là dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

6 tháng đầu năm 2024, tổng số hồ sơ cập nhật vào phần mềm một cửa điện tử 281.821 hồ sơ; trong đó, 278.617 hồ sơ đã giải quyết, 3.204 hồ sơ đang giải quyết. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước hạn 89,47% (249.278/278.617 hồ sơ), đúng hạn 9,3% (25.924/278.617 hồ sơ) và trễ hạn 1,23% (3.415/278.617 hồ sơ).

VƯỢT KHÓ ĐỂ ĐẠT MỤC TIÊU

Chỉ số CCHC và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tại tỉnh Tiền Giang, mặc dù có sự cải thiện, nhưng vẫn ở mức thấp và chưa đạt được mục tiêu mà Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy đã đề ra. Cụ thể, đến năm 2025, mục tiêu là Tiền Giang sẽ nằm trong tốp 30 tỉnh, thành, nhưng hiện tại đang xếp ở vị trí 50.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh thăm, nắm tình hình hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tiền Giang.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh thăm, nắm tình hình hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Trong lĩnh vực kinh tế số, tỷ trọng này trong GRDP hiện chỉ đạt 6,68%, còn thấp so với mục tiêu 15%. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chương trình hỗ trợ chuyển đổi số (SMEdx) chỉ đạt 27,26%, cách xa mục tiêu đặt ra là 90%.

Việc giảm tỷ trọng chi ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt yêu cầu. Số lượng đối tượng hưởng chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt mới chỉ đạt 21,51%, thấp hơn so với tổng số đối tượng thuộc diện chi trả.

Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn tỉnh hiện đạt 52,45%, tăng 8,12% so với 6 tháng đầu năm 2023, vượt 2,45% so với yêu cầu tại Nghị quyết 02 của Chính phủ, nhưng vẫn chưa đạt mức yêu cầu 80% theo chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Dù đã số hóa kết quả giải quyết TTHC, nhưng chưa có giá trị tái sử dụng. Phần lớn người dân ở cấp xã vẫn gặp khó khăn khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, do hạn chế trong khả năng tiếp cận công nghệ thông tin, đặc biệt là đối tượng người lao động phổ thông vùng nông thôn. Nhiều người dân vẫn chưa có tài khoản thanh toán trực tuyến và không sử dụng được Internet Banking.

Những khó khăn trong công tác triển khai có thể được quy về các nguyên nhân chủ quan và khách quan, bao gồm: Khả năng tiếp cận công nghệ thông tin của người lao động vùng nông thôn còn hạn chế, thiếu tài khoản thanh toán trực tuyến, công tác tuyên truyền chưa đa dạng và phong phú, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin chưa đồng bộ, nguồn nhân lực và trang thiết bị phục vụ cho công tác số hóa còn hạn chế.

Nguồn nhân lực chuyên trách về chuyển đổi số, đặc biệt là an toàn thông tin còn thiếu; hầu hết cán bộ công nghệ thông tin tại các cơ quan đều kiêm nhiệm nhiều công việc khác; chưa có chính sách thu hút nhân lực công nghệ thông tin có trình độ cao. Việc đăng ký sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên các thiết bị di động và máy tính còn nhiều thao tác phức tạp, làm giảm tính thuận tiện.

Môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại là kết quả của quá trình CCHC (ảnh chụp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công và kiểm soát TTHC tỉnh Tiền Giang).
Môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại là kết quả của quá trình CCHC (ảnh chụp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công và kiểm soát TTHC tỉnh Tiền Giang).

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác CCHC và thực hiện thành công Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, trong những tháng cuối năm 2024, ngoài các nhiệm vụ thường xuyên, tỉnh Tiền Giang tiếp tục quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và khẳng định quyết tâm “đã nói là làm, đã làm là có kết quả”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”.

Mục tiêu là thực hiện các nhiệm vụ CCHC nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp về dịch vụ của các cơ quan nhà nước, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước. Đồng thời, đẩy mạnh và đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động người dân và doanh nghiệp thực hiện giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm sử dụng tối đa các tiện ích của chính quyền số. Đồng thời, tiếp tục số hóa hồ sơ TTHC và từng bước nâng cao tỷ lệ thanh toán điện tử.

Cùng với đó, tỉnh cũng rà soát, sắp xếp, kiện toàn và tinh gọn đầu mối bên trong, nhằm giảm thiểu các đầu mối trực thuộc, giảm bớt trung gian, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động; thực hiện phân cấp, phân quyền một cách mạnh mẽ và hợp lý giữa các cấp chính quyền.

Đồng thời, kiên trì thực hiện nhiệm vụ tinh giản biên chế theo lộ trình và tăng cường các giải pháp đào tạo, bồi dưỡng nhằm cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, kiên quyết đánh giá cán bộ dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ để nâng cao chất lượng tham mưu và hiệu quả làm việc.

Tiền Giang sẽ tiếp tục kiểm tra, thanh tra công vụ và văn hóa công sở, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm và kỷ luật hành chính của cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị và địa phương, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

HÀ NAM - LÊ MINH - T.T

.
.
.