.

TP. Mỹ Tho: Thực hiện hiệu quả các mô hình thuộc nhóm tiện ích phát triển kinh tế - xã hội

Cập nhật: 09:22, 03/09/2024 (GMT+7)

Trong thời gian qua, thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia (Đề án 06) giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, UBND TP. Mỹ Tho đã tăng cường công tác chuyển đổi số, trong đó có việc thực hiện hiệu quả các mô hình thuộc nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế, xã hội (KT-XH).

Các mô hình thuộc nhóm tiện ích phát triển KT-XH được TP. Mỹ Tho thực hiện trong thời gian qua gồm 9 mô hình. Cụ thể như: Khám, chữa bệnh sử dụng thẻ Căn cước và ứng dụng định danh điện tử VNeID (mô hình 5): Trung tâm Y tế thành phố đã xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình, đảm bảo 100% cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn áp dụng khám, chữa bệnh bằng thẻ Căn cước và ứng dụng VNeID; đã trang bị 19 máy quét căn cước; đến nay đạt tỷ lệ 78,47% và trong thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi đến người dân việc sử dụng thẻ Căn cước và ứng dụng VNeID trong khám, chữa bệnh thay thế thẻ bảo hiểm y tế.

Mô hình triển khai tại các điểm công chứng, chứng thực (mô hình 7): Hiện UBND tỉnh đang thực hiện thí điểm tại Phòng Công chứng số 1, sau khi triển khai nhân rộng, Phòng Tư pháp thành phố sẽ chủ trì triển khai thực hiện.

 Thực hiện mô hình khám, chữa bệnh sử dụng thẻ Căn cước tại Trung tâm Y tế TP. Mỹ Tho.
Thực hiện mô hình khám, chữa bệnh sử dụng thẻ Căn cước tại Trung tâm Y tế TP. Mỹ Tho.

Mô hình triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, nhà khách, nhà công vụ (mô hình 8): Công an thành phố chỉ đạo Công an phường, xã tạo tài khoản sử dụng phần mềm ASM cho 100% cơ sở lưu trú trên địa bàn; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cơ sở kinh doanh lưu trú trang bị thiết bị quét mã QR để thông báo lưu trú. Đến nay, đã vận động mua thiết bị quét QR code được 44/137 cơ sở theo phân cấp quản lý, đạt tỷ lệ 32,12%.

Mô hình triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại nhà cho thuê, nhà ở trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp (mô hình 9): Qua rà soát, hiện nay trên địa bàn thành phố có 1.560 nhà cho thuê trọ tháng, nhà cho thuê trọ nguyên căn; Công an thành phố đã chỉ đạo Công an phường, xã phê duyệt tài khoản ASM cho chủ các cơ sở để thực hiện thông báo lưu trú qua VNeID; đến nay được 289/1.560 tài khoản, tỷ lệ 18,53%.

Mô hình triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại cơ sở khám, chữa bệnh (mô hình 10): Công an thành phố đã chỉ đạo Công an phường, xã phối hợp tạo tài khoản ASM để thực hiện thông báo lưu trú cho 100% bệnh viện tuyến tỉnh trên địa bàn thành phố và Trung tâm Y tế thành phố.

Thời gian tới, Trung tâm Y tế thành phố đề xuất UBND thành phố bố trí kinh phí trang bị thiết bị quét QR; đề nghị Công an thành phố hỗ trợ hướng dẫn triển khai cài đặt, thực hiện thông báo lưu trú để đảm bảo quy định của Luật Cư trú.

Mô hình triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự gồm: Cơ sở cầm đồ, cơ sở dịch vụ bảo vệ, dịch vụ thừa phát lại, cơ sở khác (mô hình 15): Qua rà soát, trên địa bàn TP. Mỹ Tho hiện có 93 cơ sở cầm đồ; Công an thành phố đã tuyên truyền, vận động cơ sở trang bị thiết bị xác minh danh tính khách hàng nhưng đến nay chưa có cơ sở đăng ký mua thiết bị.

Trong thời gian tới tiếp tục tuyên truyền, vận động các cơ sở cầm đồ trên địa bàn áp dụng mô hình, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Mô hình triển khai giải pháp xử phạt giao thông và trật tự an toàn xã hội (mô hình 17): Công an thành phố phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông quản lý 111 camera giám sát (có 32 camera thông minh) phục vụ việc xử lý vi phạm an toàn giao thông, truy vết nhanh đối tượng đạt nhiều kết quả tích cực.

Từ ngày 7-8-2023 đến ngày 25-6-2024, qua hệ thống camera giám sát, lực lượng Cảnh sát giao thông đã phát hiện 4.185 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt 1.062 trường hợp với số tiền phạt trên 4,9 tỷ đồng. Ngoài ra, hệ thống camera thông minh còn góp phần đắc lực trong công tác điều tra, xử lý tai nạn giao thông; truy vết nhanh tội phạm. Thời gian tới, Công an thành phố sẽ tiếp tục phát huy tối đa hiệu quả của mô hình này.

Mô hình triển khai cho vay tín chấp đối với công dân, hộ nghèo, người có công (mô hình 19): Tính đến quý II-2024 đã hỗ trợ cho vay 25 hộ nghèo, số tiền 845 triệu đồng và 55 hộ cận nghèo, với số tiền 2,136 tỷ đồng.

Triển khai thực hiện Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 theo Hướng dẫn 1990 ngày 5-9-2023 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Mỹ Tho phối hợp UBND phường, xã rà soát, lập danh mục triển khai các mô hình nuôi bò sinh sản, mua bán nhỏ, bán vé số với số lượng 123 người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo tham gia; góp phần tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên, ổn định cuộc sống.

Hiện đang tiếp tục hướng dẫn các đơn vị: Phường 1, phường 2, phường 4, phường 5, phường Tân Long, xã Mỹ Phong, xã Thới Sơn, xã Đạo Thạnh bổ sung, hoàn thiện hồ sơ thực hiện.

Mô hình thi online tập trung qua nền tảng công nghệ xác thực thẻ Căn cước gắn chíp điện tử (mô hình 20): Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang đang triển khai thí điểm tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu; UBND tỉnh chỉ đạo triển khai mô hình tại các trường THPT, các đơn vị cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ thuộc quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo…

THANH TRƯƠNG - T.H

.
.
.