Thứ Sáu, 26/12/2014, 13:42 (GMT+7)
.

Nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Triển khai thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH ngày 20-4-2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XI về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Quyết định 41/QĐ-TU ngày 24-11-2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị trong tỉnh Tiền Giang đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp trong tỉnh tập trung triển khai thực hiện, qua đó đã tạo được sự chuyển biến mới có ý nghĩa tích cực:

Đa số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ; tích cực đấu tranh ngăn ngừa suy thoái về đạo đức, lối sống; thực hiện cải cách thủ tục hành chính; phát huy quyền làm chủ của nhân dân; động viên phong trào thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân hưởng ứng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn chung, trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở vẫn còn nhiều mặt hạn chế:

Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhận thức chưa sâu sắc chủ trương của Đảng và Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; có nơi quyền làm chủ của nhân dân chưa được tôn trọng, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” chưa được thực hiện đầy đủ; một số nơi xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở chưa sát với thực tế nên chưa thu hút được đông đảo nhân dân tham gia và việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tệ quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền, gây phiền hà cho nhân dân chưa thực hiện nghiêm minh.

Vấn đề bức xúc hiện nay là phải hoàn thiện cơ chế và có giải pháp phù hợp để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nhân dân đóng góp ý kiến, thực hiện phản biện xã hội và giám sát công việc của Đảng và Nhà nước.

Xây dựng Quy chế dân chủ ở cơ sở phải căn cứ vào chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc điểm, tập tục, truyền thống, đời sống văn hóa của nhân dân để xây dựng quy chế dân chủ cho phù hợp, sát thực tế, mang tính khả thi, được nhân dân đồng tình và thực hiện đạt hiệu quả cao; đồng thời phát huy tốt dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp ở cơ sở để nhân dân trực tiếp tham gia bàn bạc, quyết định những công việc quan trọng; gắn với quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân; bảo đảm an ninh trật tự xã hội; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, sửa đổi cơ chế, chính sách không còn phù hợp và tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước trong tình hình mới.

Cấp ủy, chính quyền cơ sở tăng cường giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về chính trị, đạo đức, lối sống, xây dựng phong cách dân vận “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, tận tâm phục vụ nhân dân; thực hiện đầy đủ trách nhiệm cung cấp thông tin cho nhân dân và công khai để nhân dân biết; xây dựng quy chế tiếp công dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình trong nội bộ, trước nhân dân, nghe nhân dân đóng góp phê bình cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức đối thoại trả lời những thắc mắc của nhân dân, giải quyết kịp thời đơn (thư) khiếu nại của công dân đúng pháp luật.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận cấp xã cần phối hợp chặt chẽ với HĐND cùng cấp thực hiện nhiệm vụ giám sát, phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng chính quyền. Nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình thông qua đại biểu dân cử, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng động và thực hiện quyền giám sát trực tiếp thông qua quyền khiếu nại của mình với cơ quan có thẩm quyền hoặc kiến nghị với MTTQ và các đoàn thể mà mình là hội viên để tổ chức xem xét và bảo vệ quyền lợi cho mình theo quy định của pháp luật.

Xây dựng và nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở xã, phường, thị trấn là mục tiêu và là động lực quan trọng nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội, thống nhất ý Đảng - lòng dân, góp phần tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, động viên nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, là nhân tố quyết định đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

TRẦN BÌNH

.
.
.