Thứ Tư, 13/05/2015, 07:46 (GMT+7)
.

Hội thảo khoa học về giá trị tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh

Sáng 12-5, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Khu di tích chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề ''Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh''.

Hội thảo là một hoạt động thiết thực kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã ''làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta.''

Với những cống hiến to lớn đối với dân tộc và nhân loại, đã có bao danh hiệu cao quý dành tặng cho con người vĩ đại Hồ Chí Minh nhưng trong ký ức nhân loại, Hồ Chí Minh trước hết là một nhà nhân văn chủ nghĩa cho dù Người không để lại một trước tác nào bàn riêng về chủ nghĩa nhân văn.

Chủ nghĩa nhân văn là nội dung cốt lõi trong tư tưởng và nhân cách Hồ Chí Minh, là nhân tố làm nên sự vĩ đại của Người.

Hơn 40 bài tham luận của các học giả và các nhà nghiên cứu được gửi tới và trình bày tại Hội thảo có nội dung rất phong phú, đề cập đến các khía cạnh khác nhau trong tư tưởng nhân văn, chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh như ý nghĩa, giá trị trong tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh; Cơ sở hình thành tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh; Nội dung biểu hiện trong chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh; tính nhân văn trong các tư tưởng chính trị, kinh tế, văn hóa, luật pháp, ngoại giao, môi trường của Hồ Chí Minh… và cách ứng xử đầy tình nghĩa của Hồ Chí Minh đối với các tầng lớp nhân dân.

Các tham luận tập trung làm rõ những đặc điểm trong chủ nghĩa nhân văn, tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh; Giá trị vận dụng tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã trao đổi, thảo luận tập trung làm rõ những nội dung, những bình diện khác nhau trong chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh như tư tưởng dân chủ, tư tưởng về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, tư tưởng chính trị, tư tưởng ngoại giao, tư tưởng kinh tế…

Nghiên cứu những đặc trưng cơ bản của Chủ nghĩa nhân văn trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh, tiến sỹ Doãn Thị Chín (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nêu rõ, một trong những vấn đề chi phối toàn bộ hệ thống tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh chính là chủ nghĩa nhân văn. Đây là ngọn nguồn, cơ sở, nền tảng quy định toàn bộ mục đích sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người.

Chủ nghĩa nhân văn được biểu hiện trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh không chỉ biểu hiện ở tình yêu thương con người, thương yêu nhân dân hết sức rộng lớn và sâu sắc, mà còn biểu hiện ở việc chăm lo, bồi dưỡng, sử dụng phát huy sức mạnh của con người, của nhân dân và giải phóng con người, mang lại hạnh phúc cho con người.

Chủ nghĩa nhân văn trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh là chủ nghĩa nhân văn khoa học, hiện thực và cách mạng. Có thể nói, chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là chủ nghĩa nhân văn hành động nhằm giải phóng và phát triển con người, là tinh thần vô cùng to lớn của Đảng, dân tộc ta, mãi mãi là nguồn sáng bất tận soi rọi vào mỗi tâm hồn con người Việt Nam, hướng cho mọi người đến với chân, thiện, mỹ của cuộc sống.

Những nét đặc đặc sắc của chủ nghĩa nhân văn trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh thống nhất hữu cơ với nhau, tác động, bổ sung cho nhau, cùng nhau làm nên nét riêng chỉ có trong chủ nghĩa nhân văn của Người, có giá trị hết sức to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta.

Giáo sư - Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, là nhà tư tưởng Mácxít sáng tạo, Hồ Chí Minh chẳng những là người thiết kế lý luận về dân chủ mà còn nêu gương mẫu mực thực hành dân chủ trong Đảng, trong Nhà nước, trong xã hội.

Người để lại những bài học lớn về ứng xử với con người, với công việc, với tổ chức và đoàn thể theo những chuẩn mực dân chủ, sâu sắc và tinh tế, trọng dân và trọng pháp, trọng chân lý và đạo lý, vị tha-nhân ái-khoan dung, sống vì dân, hành động vì dân, tạo thành một triết lý sống từ thân dân và chính tâm của truyền thống đến dân chủ và đạo đức cách mạng thời hiện đại.

Dân chủ và văn hóa dân chủ là một trong những giá trị đặc sắc của di sản Hồ Chí Minh, nhìn từ góc nhìn chủ nghĩa nhân văn. Thực hành dân chủ, nhất là thực hành dân chủ trong Đảng để xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch vững mạnh là một trong những thực hành tiêu biểu của Hồ Chí Minh.

Tiếp cận văn hóa đạo đức nhân văn Hồ Chí Minh từ Khu Di tích Phủ Chủ tịch, Thạc sĩ Nguyễn Anh Minh, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch khẳng định, văn hóa đạo đức nhân văn Hồ Chí Minh được biểu hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau từ tình thương yêu con người, yêu thương đồng bào, đồng chí; sự bao dung độ lượng đối với từng con người; sự hy sinh bản thân mình vì mọi người, cho đến tình yêu thiên nhiên và thái độ ứng xử của Người đối với thiên nhiên môi trường sống…

Tất cả những yếu tố đó đã tạo nên một biểu tượng cao đẹp trong đạo của đức nhân văn Hồ Chí Minh với đầy đủ ý nghĩa của nó và đã được thể hiện sâu sắc trong những năm tháng Người ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch và được kết tinh trong các di sản vật thể và phi vật thể của Người để lại.

Đây là những giá trị vô giá về nhân cách, phẩm giá, về chuẩn mực ý thức, chuẩn mực đạo đức và là những bài học sâu sắc, thiết thực về lối sống, phong cách sống, đạo lý làm người đối với mọi tầng lớp nhân dân.

Với quan điểm ''Tri để hành,'' Hội thảo làm rõ nội dung vận dụng Chủ nghĩa nhân văn, tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh trong thực tiễn đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước; Giải quyết những vấn đề cấp thiết trong đời sống đất nước như vấn đề dân chủ, công tác xây dựng Đảng, việc thực thi chính sách xã hội… để đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như quan hệ giữa những con người có thể thấm nhuần tinh thần nhân văn cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

(Theo http://www.vietnamplus.vn/hoi-thao-khoa-hoc-ve-gia-tri-tu-tuong-nhan-van-ho-chi-minh/322172.vnp)

.
.
.