Dấu ấn lịch sử của TAND cách mạng tỉnh Mỹ Tho
Trong Hồi ký “Từ đất Tiền Giang” của đồng chí Nguyễn Thị Thập, nguyên thành viên của Hội đồng xử án Tòa án nhân dân (TAND) cách mạng tỉnh Mỹ Tho năm 1940 ghi: “Tòa án có cả thẩm phán của nhân dân để bảo vệ quyền lợi nhân dân, có phái viên của Đảng đến dự (hồi này làm bất cứ việc gì cũng đều có một đồng chí đại diện của Đảng Cộng sản Đông Dương. Treo cờ bao giờ cũng phải có 2 lá: 1 cờ đỏ sao vàng và 1 cờ búa liềm).
Tòa án do nhân dân xử, nhưng biện hộ là đại diện của Đảng. Tuy lúc này không có luật lệ gì cả, nhưng sau khi vạch tội cụ thể, tuyên bố lẽ ra chúng phải đền tội ác, dù mức độ nặng nhẹ có khác nhau, nhưng TAND cách mạng xét thấy họ lầm lạc bởi quyền lợi và cuộc sống ích kỷ, bọn Pháp đã làm đổ máu đồng bào ta nhiều rồi, ta không muốn gây thêm cảnh “cốt nhục tương tàn” làm đau khổ thêm cho gia đình họ…
Đồng chí Lê Văn Giác. Đồng chí Lê Văn Quới. Đồng chí Nguyễn Văn Huân. |
Đồng chí phái viên của Đảng làm biện hộ sư, đồng chí phân tích cho bọn làng lính, nếu họ được tha thì phải hiểu vì sao có sự bao dung của cách mạng và khuyên nhủ họ bằng lời lẽ nhân hậu, dịu dàng:
“Trong hoàn cảnh nước mất, nhà tan, anh em không phải là người phản quốc hay không yêu nước gì, mà vì làm cho nhà nước Pháp thì phải làm theo luật lệ của nó, nếu không nó sẽ bỏ tù hoặc làm khó dễ. Nay cách mạng đã giành được chính quyền, mặc dù giữ được chính quyền lâu hay chỉ năm bảy ngày, một tháng thì chúng ta cũng xứng đáng là người dân Việt Nam không cúi đầu làm nô lệ, mà đã quật khởi đánh bại chúng.
Anh em trước đã lầm lỡ vì không được ai giải thích, giác ngộ, trong quá trình làm việc để kiếm đồng lương lo cho cha mẹ, vợ con, anh em cũng đã làm hại cho cách mạng. Cách mạng bây giờ dù có tạm thời bị thất bại nhưng chắc chắn sau này sẽ thắng lợi, vì đó là nguyện vọng của toàn dân. Bây giờ đã hiểu ra, mà còn làm phản cách mạng thì sau này cách mạng sẽ trừng trị… Hôm nay, xin TAND rộng lượng xét tha cho những anh em này trở về đoàn tụ gia đình họ…
Tất cả bọn chúng đứng nghe cúi đầu, hối hận và xúc động mếu máo khóc. Tòa án lần lượt tuyên án tha bổng tất. Quần chúng vỗ tay hoan hô vang dội. Bọn tề, lính được tha - chúng đã cầm chắc sẽ phải chết - bàng hoàng không thốt nên lời, nhiều tên gục đầu khóc nức nở.
Tất cả bọn chúng đều hứa nếu có trở lại làm cho địch thì cũng chỉ vì miếng cơm chứ không có ý gì chống lại cách mạng. Nếu sai lời thề xin quan lớn thượng Lê Văn Duyệt móc mắt!... Tòa án đã tha mà còn cấp cho mỗi đứa 2, 3 đồng làm lộ phí trở về”.
TAND CÁCH MẠNG TỈNH MỸ THO TRONG CUỘC KHỞI NGHĨA NAM KỲ LÀ TAND CÁCH MẠNG ĐẦU TIÊN CỦA NAM BỘ VÀ CẢ NƯỚC
Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam kỳ, ngày 23-11-1940 Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ đã bùng nổ và lan rộng trên khắp 20 tỉnh của Nam kỳ. Đây là cuộc khởi nghĩa do Đảng lãnh đạo, có quy mô lớn nhất trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Trong nhiều tài liệu chính thống, trong đó có cuốn sách “Lịch sử khởi nghĩa Nam kỳ”, do Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2002 và cuốn “Nam kỳ khởi nghĩa 23 tháng mười một năm 1940”, do Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 1996, đã trình bày khá chi tiết và đầy đủ diễn biến của Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ trên phạm vi 20 tỉnh Nam kỳ (tại thời điểm đó).
Điểm đặc biệt của hai cuốn sách này là đều ghi nhận sự kiện thành lập TAND cách mạng và việc xét xử của Tòa án tại tỉnh Mỹ Tho. Ngoài việc ghi nhận sự kiện này ở tỉnh Mỹ Tho thì không thấy bất cứ một tỉnh nào ở Nam kỳ có sự kiện tương tự được ghi nhận trong sách.
Như vậy, với những tư liệu lịch sử đã nêu, có thể khẳng định rằng, trong Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940, chỉ duy nhất tại tỉnh Mỹ Tho có việc thành lập TAND cách mạng. Bên cạnh đó, một tài liệu khác cũng rất quan trọng là cuốn sách “Nguyễn Thị Thập - người con ưu tú của Nam bộ thành đồng” (Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật năm 2016, trang 247) cũng ghi nhận sự kiện TAND cách mạng được thành lập tại tỉnh Mỹ Tho trong Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ là TAND cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước.
Một câu hỏi đặt ra: Ngoài phạm vi ở Nam kỳ tại thời điểm trước và trong Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ thì còn có nơi nào một TAND cách mạng cấp tỉnh được thành lập cùng với việc thành lập chính quyền cách mạng hay không?
Nhìn lại quá trình lịch sử cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1930 thì trước khi nổ ra Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ chỉ có phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh diễn ra vào những năm 1930 - 1931, nhưng quy mô chỉ giới hạn ở một vài tỉnh (tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh) và hệ thống chính quyền chỉ mới được thành lập ở cấp xã.
Nếu đúng như những gì lịch sử đã ghi nhận thì có thể xem việc thành lập TAND cách mạng tỉnh Mỹ Tho trong Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ là TAND cách mạng đầu tiên của cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng (vì sau đó đến ngày 13-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới ký Sắc lệnh số 33C/SL thành lập Tòa án Quân sự cấp tỉnh ở tại 9 tỉnh trong 3 miền, chứ chưa phải là TAND).
76 năm đã trôi qua, Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ đã lùi vào lịch sử, nhưng cuộc khởi nghĩa đó đã ghi vào lịch sử những trang chói lọi về sự hy sinh bất khuất của đồng bào và chiến sĩ Nam bộ nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng, trong đó có phần đóng góp của những lớp cán bộ đầu tiên của TAND cách mạng tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang).
TAND cách mạng tỉnh Mỹ tho trong Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ tuy hoạt động trong thời gian ngắn ngủi, nhưng đã để lại dấu ấn lịch sử có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần tô thắm thêm truyền thống cách mạng của hệ thống TAND.
TRẦN NGỌC QUANG
(Tỉnh ủy viên, Chánh án TAND tỉnh Tiền Giang)
Bài cuối: Ký ức
về phiên tòa cách mạng năm 1940