Thứ Sáu, 09/09/2016, 15:22 (GMT+7)
.

Mô hình TAND cách mạng: Sự sáng tạo của Tỉnh ủy Mỹ Tho

Ngày 23-11-1940, lịch sử dân tộc Việt Nam ghi thêm một trang sử hiển hách trong quá trình chống ngoại xâm giành độc lập. Đó là Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, nhằm lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp, giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân.

Cuộc khởi nghĩa được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia với tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất. Trong cuộc khởi nghĩa này, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Mỹ Tho đã phát huy cao độ lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, nổi dậy giành quyền làm chủ một vùng nông thôn rộng lớn, thành lập được chính quyền cách mạng nhân dân theo thể chế dân chủ cộng hòa.

Đình Long Hưng ngày nay.
Đình Long Hưng ngày nay.

Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 (tháng 11-1939), Đảng ta đánh giá một cách toàn diện vấn đề dân tộc, nhận rõ mâu thuẫn chủ yếu là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với bọn đế quốc xâm lược và tay sai. Đảng quyết định giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương nhằm đoàn kết các dân tộc, các giai cấp, các tầng lớp nhân dân trên cơ sở liên minh công - nông. Đó là tiền đề, là cơ sở chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa và thiết lập chính quyền theo thể chế dân chủ cộng hòa.

Trong cuộc khởi nghĩa năm 1940 ở Mỹ Tho xuất hiện Quốc hiệu “Việt Nam dân chủ cộng hòa quốc” ở đình Long Hưng (quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho), trụ sở của Ủy ban khởi nghĩa và Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh Mỹ Tho. Cùng với sự xuất hiện của Quốc hiệu Việt Nam dân chủ cộng hòa quốc, thiết chế dân chủ cộng hòa cũng được thể nghiệm ở Mỹ Tho.

Trong 22 ngày thực sự làm chủ (từ ngày 23-11 đến 14-12-1940), sau đó duy trì thêm 27 ngày nữa (từ ngày 15-12-1940 cho đến 12-1-1941), Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh Mỹ Tho thực hiện được một số việc có ý nghĩa lịch sử như: Thành lập được chính quyền nhân dân cấp tỉnh, quận, xã; thành lập được Tòa án nhân dân tỉnh; thực thi một số chính sách:

Tuyên bố xóa bỏ các thứ thuế vô lý, xóa bỏ các khoản nợ của nông dân thiếu địa chủ, tịch thu lúa của địa chủ chia dân nghèo, giáo dục và khoan hồng người lầm đường lạc lối biết hối cải...  Chế độ dân chủ cộng hòa không còn là mô hình trên lý thuyết, mà trở thành hiện thực trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Ngày 23-11-1940, cùng với việc thành lập chính quyền cách mạng lâm thời tỉnh Mỹ Tho, Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho cũng được thành lập tại đình Long Hưng (nhân dân gọi là Miễu Chánh). Đây là lần đầu tiên ở Nam kỳ, cũng là lần đầu tiên ở nước ta, Tòa án nhân dân cách mạng cấp tỉnh được thành lập.

Như vậy, ngay từ đầu, những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở tỉnh Mỹ Tho biết thực hiện quyền tư pháp, mà chủ yếu là quyền xét xử là một trong những chức năng quan trọng của chính quyền cách mạng và được giao cho Tòa án nhân dân thực hiện. Do vậy, Tòa án nhân dân cách mạng có vị trí rất quan trọng trong bộ máy Nhà nước dân chủ cộng hòa mới hình thành.

Hội đồng Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho gồm các đồng chí: Nguyễn Hữu Thường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Quân sự tỉnh Mỹ Tho; đồng chí Lê Văn Quới, Quận ủy viên Châu Thành; đồng chí Lê Văn Giác, Bí thư Chi bộ xã Long Hưng, quận Châu Thành; đồng chí Đặng Văn Hiệp, đồng chí Trương Văn Ty... Đồng chí Nguyễn Thị Thập, Thường trực Ủy ban lãnh đạo khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho là phái viên của Tỉnh ủy Mỹ Tho làm nhiệm vụ biện hộ trong Hội đồng.

Trụ sở Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho đóng tại đình Long Hưng. Khi quân Pháp ném bom các xã Vĩnh Kim, Long Hưng, Tam Hiệp, Thân Cửu Nghĩa, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh và Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho tổ chức cuộc họp bất thường, nhận định: Tình hình sẽ diễn biến hết sức gay go, phức tạp và khó khăn hơn. Vì vậy, chúng ta cần thực hiện một số việc cấp bách như sau:

1. Phải tiến hành xét xử ngay và xử cho hết tù nhân mà chúng ta bắt được trong cuộc khởi nghĩa gồm bọn phản động, các cai đồn ở Cầu Đúc, Tân Hiệp, Tân Hương, Tân Lý, Xoài Hột, Vĩnh Kim, Bình Trưng, Kinh 12 (Mỹ Hạnh Trung), Ba Dừa... Vì ở đây bom đạn của quân Pháp tấn công sẽ gây nguy hiểm cho họ, cho dù họ có thể thoát được cũng đem lòng oán hận cách mạng.

2. Mọi kho thóc, lương thực và trâu bò của địa chủ mà cách mạng tịch thu cùng với tài sản quần chúng đem biếu cho cách mạng phải đem “chẩn bần” (cứu tế) và thành lập Ủy ban chẩn bần phân phối lương thực, tiền bạc cho dân nghèo.

3. Chuẩn bị rút lui vào hoạt động bí mật, cất giấu mọi vật dụng cần thiết để khi Trung ương có lệnh chuẩn bị khởi nghĩa lần thứ hai thì sẵn sàng nổi dậy.

Ngày 29-11-1940, phiên tòa đầu tiên xét xử bọn tay sai được tiến hành tại đình Long Hưng. Để bảo vệ phiên tòa, Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh phân công người phụ trách bảo vệ và lực lượng dân quân (thường gọi là lực lượng du kích) phòng ngừa địch tấn công bất ngờ giải cứu bọn tay sai.

Tội phạm xét xử được chia làm 2 loại: Một là, hội tề, bọn phản động gian ác, từng bắt bớ và giết hại những người cách mạng. Hai là, bọn cai đội, lính đồn được lực lượng khởi nghĩa kêu gọi đầu hàng mà vẫn ngoan cố chống cự.

Tại phiên tòa có thẩm phán của nhân dân để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, phái viên của Đảng Cộng sản cũng đến dự. Nơi xử án luôn luôn có treo hai lá cờ gồm 1 lá cờ đỏ sao vàng và 1 lá cờ đỏ búa liềm.

Trong các phiên xét xử luôn có biện hộ là đại diện của Đảng Cộng sản tham dự. Thực chất các phiên tòa xét xử là hình thức tuyên truyền, giáo dục cách mạng sinh động bằng sự việc, con người cụ thể nên có tác dụng sâu sắc, thấm thía về tình người, tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc đối với mọi người tham dự.

Các phiên tòa xét xử tại đình Long Hưng chỉ xử cảnh cáo những tên ác ôn như: Hương quản Sâm ở xã Long Định và cai Trí (Bùi Văn Trí) ta bắt tại đồn Thạnh Phú; còn lại là răn đe, khuyên nhủ rồi khoan hồng. Những tên được tòa tha bổng, khi ra về đều hứa trước tòa và nhân dân rằng sẽ không bao giờ làm tổn hại đến cách mạng.

Hội đồng xét xử còn tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động ở các xã thuộc quận Châu Thành và quận Cai Lậy. Tòa án khu vực xã Bình Trưng, quận Châu Thành tổ chức xét xử tên cai Vi ở đồn Vĩnh Kim. Khi cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta nổ ra, tên cai Vi chạy trốn về thị xã Mỹ Tho, sau đó hắn giả dạng dân thường trở lại thám thính vùng Vĩnh Kim thì bị nhân dân phát hiện, bắt giữ.

Hội đồng Tòa án khu vực do đồng chí Trang Văn Tỷ, Bí thư Chi bộ xã Vĩnh Kim làm chủ tọa. Phiên xử án này, có gần 1.000 người tham dự, gồm các tầng lớp nhân dân của các xã: Bình Trưng, Bàn Long và Vĩnh Kim. Phiên tòa xử tên cai Vi thật sự là cuộc mít tinh có quy mô lớn để tuyên truyền chính sách “Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương” và phổ biến chính sách ruộng đất sau khi chính quyền về tay nhân dân.

Sau đó đến phần xét xử tên cai Vi. Tên này đi lính cho Pháp, khi nhân dân ta đứng lên khởi nghĩa, ở Vĩnh Kim chính quyền cách mạng về tay nhân dân, vậy mà hắn còn cam tâm làm tay sai cho quân Pháp, trà trộn trở về với mục đích làm hại lực lượng cách mạng. Toàn thể nhân dân tham dự phiên tòa đồng tình kết án xử tử tên cai Vi.

Nhiều đối tượng phản động, chống phá cách mạng bị cảnh cáo nghiêm khắc qua các phiên xét xử công khai với sự tham dự của đông đảo quần chúng nhân dân. Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho cảm hóa các đối tượng lầm đường lạc lối, như cai Trí ở xã Long Hưng, bếp Khương (Lê Văn Khương) ở đồn Tam Hiệp.

Hội đồng Tòa án luận tội cai Trí, bếp Khương về hành vi đi lính, làm tay sai cho giặc Pháp áp bức nhân dân ta. Hành động của họ là sai trái, nhưng xét nguyên nhân sâu xa là do quân Pháp xâm lược, họ cũng chỉ là nạn nhân và là công cụ của bọn cướp nước, nên tòa án vận dụng chính sách khoan hồng của cách mạng mà tuyên bố cảnh cáo.

Các bị cáo cũng nhận thức được tội lỗi của mình đối với nhân dân nên được nhân dân tha chết. Trong 3 đêm làm việc khẩn trương, nghiêm túc (từ ngày 29-11 đến 1-12-1940), Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho xét xử khoảng 10 phiên, trong các phiên xét xử, nhân dân và đồng chí “Bào chữa viên” đều thống nhất xin Hội đồng xét xử tha chết cho các bị cáo và được Hội đồng chấp thuận.

Việc làm của Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho đã để lại trong nhân dân dấu ấn sâu sắc về tính nhân văn của cách mạng. Hầu hết bị cáo chẳng những không cộng sự với giặc, mà còn tích cực ủng hộ cách mạng trong đấu tranh giành độc lập và 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ sau này.

Hội đồng Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho căn cứ vào chính sách cụ thể của Xứ ủy Nam kỳ đề ra trong cuộc khởi nghĩa: “Khoan hồng với người lầm lạc. Bảo vệ quyền lợi nhân dân. Tôn trọng tự do tín ngưỡng. Hủy bỏ các khế ước giao kèo có tính chất áp bức bóc lột. Tịch thu địa bạ của bọn địa chủ phản động để luận tội và kết án...”.

Hoạt động xét xử công khai của Tòa án nhân dân có sự tham dự của đông đảo quần chúng và lần đầu tiên nhân dân trực tiếp tham gia luận tội thể hiện tính dân chủ của cách mạng. Các phiên tòa diễn ra như buổi huấn luyện chính trị, có tác dụng tốt và ảnh hưởng lâu dài đến các giai đoạn cách mạng sau này.

Chỉ 49 ngày làm chủ vừa thực thi các chính sách của Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho vừa chiến đấu bảo vệ chính quyền cách mạng, nhân dân ta tự mình thực hiện quyền tự do, bình đẳng, đoàn kết và hành động dưới sự quản lý của chính quyền cách mạng, như tham gia phá kho lúa của địa chủ chia cho dân nghèo, tham gia luận tội trong các phiên tòa xét xử bọn ác ôn…

Chính những việc tự mình làm và những thành tựu đạt được đã để lại dấu ấn sâu đậm của một thời kỳ hào hùng trong cuộc khởi nghĩa, của hơn một tháng thực hiện thiết chế dân chủ cộng hòa với nhân dân, một chính quyền dân chủ chủ trương đoàn kết dân tộc, khoan dung, kiên quyết chống giặc ngoại xâm, giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân; thể hiện sức mạnh của cách mạng, của chân lý, của niềm tin tất thắng. 

Với Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng ta, bởi các sáng tạo có giá trị đặc sắc, đặc biệt về nghệ thuật lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, thành lập tòa án nhân dân để đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng giành được.

Với vị trí đặc biệt ấy, có thể nói, Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 là một mốc son chói lọi trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, là một trong những cánh én báo hiệu mùa xuân cho dân tộc ta.

Kết quả của Cuộc khởi nghĩa năm 1940 ở tỉnh Mỹ Tho để lại rất to lớn và có ý nghĩa lịch sử, đó là thành lập được chính quyền nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho theo thể chế dân chủ cộng hòa và thành lập được Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho.

Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho thật sự đã trở thành chỗ dựa vững chắc của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người; đồng thời là công cụ hữu hiệu bảo vệ chính quyền cách mạng và thể chế dân chủ cộng hòa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm có hành vi chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Tòa án nhân dân cách mạng là biểu tượng của công lý, là nơi công dân gửi gắm niềm tin: Bất kỳ hành vi xâm phạm nào đối với quyền lợi Quốc gia, dân tộc cũng bị xử lý nghiêm minh; bất kỳ quyền hoặc lợi ích hợp pháp nào của con người, của công dân bị xâm phạm đều được cách mạng kiên quyết bảo vệ.

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TIỀN GIANG

.
.
.