Thứ Hai, 18/11/2019, 11:35 (GMT+7)
.
KỶ NIỆM 89 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM (18-11-1930 - 18-11-2019)

Nhà lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lâu năm nhất

Ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ban hành Chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh - hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (nay là Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam).

Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội lần thứ III MTTQ Việt Nam,  ngày 14-12-1971 tại Hà Nội.                                                                                                                                  Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội lần thứ III MTTQ Việt Nam, ngày 14-12-1971 tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Suốt 89 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong các giai đoạn cách mạng, MTTQ Việt Nam đã luôn làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng, của dân tộc, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Với cương vị là người lãnh đạo cao nhất và lâu năm nhất của Mặt trận Liên Việt,  MTTQ Việt Nam, Bác Tôn đã cống hiến hết mình vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng.

NGÀY TRUYỀN THỐNG MTTQ VIỆT NAM

Kỷ niệm 89 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, toàn dân khắc sâu lời dạy của Bác Hồ: “Chính sách Mặt trận là chính sách rất quan trọng. Công tác Mặt trận là công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng”.

Sau khi cả nước đã được độc lập, sự thống nhất và toàn vẹn của một quốc gia đòi hỏi hợp nhất 3 tổ chức Mặt trận. Nhằm đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất họp từ ngày 31-1 đến 4-2-1977 tại TP. Hồ Chí Minh đã thống nhất 3 tổ chức Mặt trận ở 2 miền Nam - Bắc nước ta thành một tổ chức Mặt trận Dân tộc thống nhất duy nhất lấy tên là MTTQ Việt Nam.

MTTQ Việt Nam với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống nhất ý chí tất cả các tổ chức của các giai tầng trong xã hội, các cá nhân tiêu biểu của các dân tộc, tôn giáo, tầng lớp, các vị lãnh đạo tiêu biểu cho ý chí đoàn kết của dân tộc, luôn phấn đấu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mục đích phấn đấu của Mặt trận Dân tộc thống nhất là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Tháng 9-1955, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất khai mạc tại Hà Nội và quyết định lấy tên là MTTQ Việt Nam. Tại Đại hội này, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng kêu gọi đồng bào cả nước: “Chúng ta cùng chung một Tổ quốc, cùng có chung hàng nghìn năm lịch sử, đau khổ có nhau, vinh quang có nhau. Điều đó đã gắn liền đồng bào toàn quốc, gắn liền đại biểu chúng ta làm một khối”. Bác đã động viên cả nước ra sức thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết! Thành công, thành công, đại thành công!”.

Nhìn lại lịch sử dân tộc, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam có truyền thống vô cùng vẻ vang, được Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, Mặt trận Dân tộc thống nhất đã không ngừng được củng cố và lớn mạnh, đã tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân thành lực lượng cách mạng to lớn đánh đổ ách thống trị của bọn thực dân, phong kiến, đấu tranh chống đế quốc xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Trong thời kỳ đổi mới, MTTQ Việt Nam luôn thực hiện vai trò là trung tâm đại đoàn kết để khích lệ, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong những năm qua, các cuộc vận động lớn do MTTQ triển khai như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (nay là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh), “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…,  cùng với các phong trào thi đua của các ngành, các cấp đã khơi dậy sức sáng tạo, phát huy nội lực, tăng cường sự đoàn kết, gắn bó từ mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư, đã góp phần quan trọng thực hiện thành công các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước...

BÁC TÔN - NGƯỜI TIÊU BIỂU CHO CHÍNH SÁCH ĐẠI ĐOÀN KẾT

Khoảng tháng 2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đón đồng chí Tôn Đức Thắng (Bác Tôn) ra Hà Nội. Từ đó, Bác Tôn và Bác Hồ luôn sát cánh bên nhau - một hình ảnh tiêu biểu cho tình đoàn kết Bắc - Nam, để cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lo việc nước. Với uy tín lớn trong Đảng, trong nhân dân và phẩm chất cách mạng, đạo đức trong sáng, Bác Tôn đã được giao nhiều trọng trách như: Tổng Thanh tra của Chính phủ, Quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua ái quốc Trung ương, Chủ tịch danh dự Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Liên Việt toàn quốc (1951 - 1955), Hội trưởng Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên Xô...; liên tục là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ khóa II đến lúc qua đời. Hơn 20 năm Bác Tôn liên tục được đại diện các tầng lớp nhân dân suy tôn làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (1955 - 1977) và Chủ tịch danh dự Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho đến ngày Bác Tôn mất (ngày 30-3-1980).

Sau khi thống nhất Hội Liên Việt và Mặt trận Việt Minh thành Mặt trận Liên Việt hoàn tất, đồng chí Tôn Đức Thắng trở thành Chủ tịch Mặt trận Liên Việt. Với tư cách là người đứng đầu Mặt trận Liên Việt từ năm 1951, về đến Hà Nội là Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã cùng với Ủy ban Trung ương Mặt trận Liên Việt bắt tay ngay vào giải quyết những công tác, nhiệm vụ của Mặt trận trong tình hình mới, có nhiều biến đổi, rất có lợi cho việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Kết quả vang dội nhất là Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Đây là chiến thắng kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược, chính là kết quả của sự lớn mạnh không ngừng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Mặt trận Liên Việt.

Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, tại kỳ họp đặc biệt Quốc hội (khóa III, ngày 15-9-1969), Bác Tôn được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước; đồng thời, vẫn kiêm làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, để cùng các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng, Nhà nước, Mặt trận lãnh đạo, tổ chức động viên nhân dân ta kiên cường chiến đấu, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến toàn thắng, thống nhất nước nhà.

Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng đầy gian lao và nguy hiểm, trong đó có nhiều năm liên tục làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, MTTQ Việt Nam và hơn 10 năm làm Chủ tịch nước, Bác Tôn đã để lại cho Đảng ta, Nhà nước ta nhiều bài học sâu sắc, cho nhân dân ta một tấm gương sáng về chuẩn mực sống của một công dân yêu nước. Với cương vị là người lãnh đạo cao nhất và lâu năm nhất của Mặt trận Liên Việt,  MTTQ Việt Nam, Bác Tôn đã cống hiến hết mình vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.