Thủ tướng: "Không đánh đổi môi trường, văn hóa, văn minh xã hội để lấy kinh tế"
Chính phủ cần tiếp thu 4 bài học, 5 nhiệm vụ mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu; không ngừng đổi mới tư duy xây dựng, hoàn thiện và thực thi chính sách pháp luật, giải phóng mọi năng lực sản xuất; đồng thời không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội lấy kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Sáng 31-12, phát biểu tổng kết Hội nghị Chính phủ với các địa phương sau 1,5 ngày diễn ra sôi động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đây là sự kiện lớn với sự tham dự của 14 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, 10 đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, 60 Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy và đông đủ Chủ tịch UBND các địa phương, lãnh đạo các tập đoàn.
Tại Hội nghị, có 36 kiến nghị trực tiếp của 13 tỉnh, thành phố phát biểu và 366 kiến nghị bằng văn bản. “Chúng tôi rất lắng nghe ý kiến của các ngành, địa phương. Đây là những thông tin cần thiết để Chính phủ xử lý những vấn đề đặt ra”, Thủ tướng nói và giao VPCP tổng hợp các ý kiến, báo cáo Thủ tướng để giao nhiệm vụ cho các bộ, có hạn định để trả lời các kiến nghị này.
Điểm lại kết quả năm 2019, Thủ tướng nhắc đến phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị là “toàn diện, vượt mức, rất đáng mừng vì trong bối cảnh quốc tế, khu vực như vậy, chúng ta đã thực hiện tốt hơn, cao hơn năm 2018”, nhất là mang lại kết quả tốt đẹp cho đời sống của nhân dân và tiềm lực đất nước được khơi dậy, chưa bao giờ Việt Nam có một cơ đồ như thế.
Nền tảng cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững
Qua các ý kiến tại Hội nghị, chúng ta thấy có nhiều cách làm, mô hình tốt kể cả ở địa phương, cấp cơ sở. Nói điều này, Thủ tướng muốn nhắn nhủ nếu địa phương nào, cơ sở nào chưa làm tốt việc của mình thì phải làm tốt hơn, phải khắc phục tồn tại, yếu kém để vươn lên. Thủ tướng lấy ví dụ về việc dịch vụ logistic của chúng ta còn cao, một quả xoài xuất khẩu thì khâu dịch vụ logistic chiếm đến 50% giá thành. “Vậy chúng ta phải khắc phục khâu yếu này, không để tình trạng nói nhiều quá mà không hành động”, Thủ tướng bày tỏ.
Hay ví dụ về vấn đề năng lượng, điện lực, Thủ tướng nhắc đến khả năng thiếu điện của Việt Nam thời gian tới, “vậy chủ trương, biện pháp chính sách nào để chủ động trong cung cấp điện. Ý nói là chúng ta đã phát hiện ra vấn đề thì có cách giải quyết vấn đề, chứ không biết rồi, để đó, nói mãi”. “Chúng ta nói khát vọng, đổi mới sáng tạo nhưng đồng thời phải khắc phục nhanh những yếu kém, tồn tại, bất cập được nêu tại Hội nghị này chứ không phải chúng ta cứ nói lý thuyết mãi, còn hành động thì còn nhiều vấn đề cần khắc phục”.
Ngoài thành tích được Đảng, nhân dân đánh giá cao, theo Thủ tướng, cần thấy được những bất cập, tồn tại như giải ngân vốn đầu tư công, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN chậm, vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là không khí, vấn đề rác thải hay một số vấn đề bức xúc của xã hội như ma túy trong thanh thiếu niên, ma túy học đường, văn hóa ứng xử…
Nhắc lại thông điệp về phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, Thủ tướng nêu rõ phải mở rộng thông điệp này, “không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế đã nói rồi nhưng bổ sung thành không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội lấy kinh tế”. Môi trường văn hóa bị ô nhiễm cũng độc hại không kém môi trường không khí. Nền tảng xã hội là bệ phóng và trụ đỡ cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
“Cho nên, tại Hội nghị, chúng ta nhấn mạnh nhiều về kinh tế là đúng, kinh tế phải phát triển mạnh mẽ bởi vì người ta thường nói là có thực mới vực được đạo nhưng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cần quan tâm hơn đến môi trường sống, môi trường văn hóa và văn minh xã hội để cùng phát triển kinh tế mạnh mẽ”. Các trường hợp đạo đức xuống cấp thời gian qua khiến chúng ta đau lòng.
Kinh tế phát triển nhưng đạo đức xã hội tốt đẹp, truyền thống bản sắc dân tộc phải được gìn giữ, hành vi ứng xử của mọi công dân phải văn minh và nhân văn, ngoài ra chúng ta nhấn mạnh kinh tế thị trường định hướng XHCN phải là môi trường tốt cho việc hình thành nên những doanh nhân có tinh thần dân tộc, biết tôn trọng cội nguồn, tuân thủ pháp luật, hòa ý chí của mình vào khát vọng dân tộc về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng. Cho nên, ý Đảng, lòng dân và tinh thần doanh nghiệp cùng với kinh tế, xã hội và môi trường đều là công thức “3 trong 1” của sự phát triển thịnh vượng và bền vững.
Thủ tướng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ cần tiếp thu 4 bài học, 5 nhiệm vụ mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu trong bài phát biểu tại Hội nghị sáng 30-12.
Theo đó, một là phải phải kế thừa và phát huy những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử hơn 30 năm đổi mới và kết quả toàn diện đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay. “Nếu dừng lại, thỏa mãn non thì không bao giờ thành công”.
Thứ hai là tăng cường đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Từ đồng lòng, đoàn kết ấy mà quyết tâm tiến công vào công việc được Đảng, Nhà nước giao.
Thứ ba, tranh thủ sự đồng thuận, đồng tình, ủng hộ, cổ vũ, động viên kịp thời của cán bộ, đảng viên, các đồng chí lão thành, các tầng lớp nhân dân, các cơ quan thông tin báo chí để tạo nên sức mạnh tổng hợp, đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Thứ tư, đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, cùng với kinh tế Nhà nước và kinh tế tập thể trở thành lực lượng nòng cốt để nâng cao năng lực nội sinh. Đó là khoa học công nghệ, là kinh tế số, là phủ sóng 5G, đặc biệt phải có chủ trương, chính sách giải phóng mọi nguồn lực cho phát triển.
Về một số định hướng chỉ đạo, điều hành năm 2020, Thủ tướng gợi ý, không ngừng đổi mới tư duy xây dựng, hoàn thiện và thực thi chính sách pháp luật, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, tạo mọi thuận lợi cho người dân doanh nghiệp. Phải chỉ rõ điểm nào trong văn bản, chính sách còn vướng mắc, kìm hãm sự phát triển chứ không nói chung là thể chế pháp luật tồn tại bất cập.
Khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, giải phóng mọi năng lực sản xuất, tận dụng tốt các tiềm năng thế mạnh, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát triển mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng.
Có cơ chế chính sách, giải pháp cụ thể tạo đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng một cách thực chất, hiệu quả trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh phân cấp gắn với đề cao trách nhiệm và kiểm soát quyền lực, nhất là đối với người đứng đầu và có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm. Thủ tướng cho rằng, có tình trạng một số tỉnh, bộ, ngành không giữ vững kỷ cương kỷ luật, cho nên chủ trương rất nhiều nhưng việc tạo ra những sản phẩm vật chất và tinh thần chưa được bao nhiêu, thậm chí còn kiềm chế.
Không mang quà biếu cấp trên dịp Tết
Các bộ, ngành, địa phương thiết kế cụ thể, triển khai đồng bộ trong phạm vi trách nhiệm mà pháp luật giao để làm rõ những nội dung định hướng phát triển ngành, địa phương mình. Áp dụng phương pháp một luật sửa nhiều luật, một nghị định sửa nhiều nghị định, một thông tư sửa nhiều thông tư.
Thủ tướng lấy ví dụ, với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì vấn đề khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như thế nào, Bộ Công Thương thì phấn đấu cán đích xuất khẩu 300 tỷ USD năm 2020. Với Bộ Giao thông vận tải thì những nút thắt hiện nay đối với các công trình trọng điểm quốc gia tháo gỡ ra sao, “lời hứa về thu phí không dừng phải xử lý dứt điểm”.
Thủ tướng cũng đề cập việc tinh giản biên chế, tiết kiệm chi để nâng lương cho cán bộ, công chức theo đúng lộ trình mà Trung ương đã quy định. “Chúng ta đang nói cuộc đấu tranh chống tham nhũng rất quyết liệt, đồng bộ nhưng chúng ta không nói cải thiện đời sống cán bộ, công chức, viên chức thì chúng ta chưa phải hoàn thành nhiệm vụ trước đội ngũ này”, Thủ tướng nói.
Khi còn gần một tháng nữa là Tết Nguyên đán, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là những ngành có chức năng và các địa phương không để thiếu hàng hóa phục vụ Tết, kể cả thịt lợn, không được để đẩy giá, làm ảnh hưởng đến lạm phát quý I. Lo đảm bảo cho mọi nhà, mọi người đều có Tết, nhất là đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Cần lưu ý đảm bảo an ninh, trật tự an toàn cho người dân trong dịp Tết.
Thủ tướng cũng lưu ý việc thực hiện chủ trương của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ là không tranh thủ dịp Tết này để cấp dưới biếu quà cấp trên. “Tất cả các đồng chí đều phải nêu gương. Tất cả các cấp không chạy ra Hà Nội để mang quà biếu, xe cộ ùn ùn tới các nhà lãnh đạo”.
Thủ tướng yêu cầu hoàn thành sớm các Nghị quyết 01, 02 để ban hành ngay trong ngày đầu năm mới 2020 và ngay sau đó, các bộ, ngành, địa phương có chương trình hành động để triển khai.
(Theo chinhphu.vn)
.