Chú trọng hơn nữa công tác phát triển đảng viên
Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị (tóm tắt) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang khóa X tại Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng bộ tỉnh (dự thảo lần 4), tôi nhận thấy dự thảo đã khái quát một cách toàn diện, khách quan những kết quả đạt được và những khó khăn, tồn tại trong nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Nhiều thành tựu quan trọng là do có sự đồng thuận của nhân dân và sự lãnh đạo sâu sát, đổi mới, sáng tạo của Đảng bộ tỉnh. Bản thân nhất trí cao với bố cục, phương hướng… mà dự thảo báo cáo đã nêu.
Đối với chủ đề Đại hội, tôi xin đề xuất chọn Phương án 3: “Xây dựng Đảng bộ vững mạnh toàn diện; đổi mới, sáng tạo; nâng cao niềm tin của Nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, xã hội; phấn đấu đến năm 2025, Tiền Giang trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách”, vì đảm bảo đầy đủ nội dung về mặt chủ quan, khách quan và phù hợp với xu thế phát triển. Đồng thời, theo tôi, trước khi vào nội dung báo cáo, văn kiện nên có đánh giá sơ lược về tình hình thực tế, vị trí của tỉnh trong điều kiện các tỉnh lân cận đang có chiều hướng phát triển ngày càng hiện đại, giao thông ngày càng thuận lợi, các yếu tố bên ngoài, bên trong tác động đến sự phát triển của tỉnh so với tình hình của năm 2015. Mỗi mục trong báo cáo nên có các tiểu kết để đánh giá sơ lược từng lĩnh vực đang được đề cập đến.
Ở nội dung phát triển văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, tôi đề xuất nên đánh giá sâu hơn nhu cầu tham gia sử dụng các thiết chế văn hóa; những nét đặc thù của địa phương Tiền Giang, như các lễ hội, ngày truyền thống của tỉnh. Đồng thời, tỉnh cần đánh giá thêm tỷ lệ phổ cập giáo dục, tỷ lệ thu hút và đào tạo trí thức trẻ. Báo cáo cũng cần đánh giá chi tiết hơn về những tác động của thời đại công nghệ 4.0 đối với đời sống, kinh tế, xã hội.
Đối với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhiệm kỳ 2020 - 2025, tôi đề xuất đề ra phương án cụ thể hơn về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, chứ không chỉ thanh tra, kiểm tra, vì ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người, mà những năm gần đây tỉnh ta đã chứng kiến hậu quả từ thiên tai, ô nhiễm môi trường.
Đảng bộ tỉnh nên nghiên cứu, xem xét, quan tâm công tác đào tạo, bố trí sử dụng cán bộ trẻ; tạo điều kiện để thanh, thiếu nhi tham gia đóng góp một số chủ trương, đường lối của Đảng bộ tỉnh. Đồng thời, Đảng bộ tỉnh cũng cần đề ra biện pháp cụ thể hơn để bồi dưỡng thế hệ tương lai của tỉnh nhà gắn với tiếp tục thực hiện Chỉ thị 42 ngày 24-3-2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030; chú trọng hơn nữa công tác phát triển đảng viên, nhất là thanh niên trong các doanh nghiệp, trí thức trẻ, học sinh, sinh viên.
CAO THẮNG (lược ghi)