Thứ Bảy, 13/06/2020, 09:42 (GMT+7)
.

Cống hiến tuổi thanh xuân cho cách mạng

Xã hội đã dành cho nhà báo những đặc ân cao quý, thậm chí tin tưởng, yêu mến, chỗ dựa của người dân lúc đứng trước những khó khăn. Trách nhiệm của người cầm bút phải sống và làm việc sao cho xứng đáng với đặc ân đó. Báo Ấp Bắc của Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho trong kháng chiến chống Mỹ (nay là  tỉnh Tiền Giang) đã thể hiện được điều đó. Các cán bộ, phóng viên, biên tập viên... đã tác nghiệp và thực hiện tốt nhiệm vụ, không những định hướng cho quân và dân ta trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, mà còn giúp nhân dân tăng thêm lòng tin đối với Đảng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Các phóng viên Báo Ấp Bắc thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Các phóng viên Báo Ấp Bắc thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Những nhà báo trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đã trở thành chiến sĩ, không sợ khó, không ngại khổ, không sợ hy sinh, xông pha trước bom đạn của quân thù ở chiến trường, len lỏi cùng sống với nhân dân, với bộ đội để tìm hiểu cuộc sống, tinh thần chiến đấu của quân và dân ta. Đối với họ, được viết về cuộc chiến đấu của bộ đội và đồng bào là niềm tự hào và họ sẵn sàng cầm bút ra chiến trường.

Trong chiến tranh, hành trang của người làm báo chỉ có cái ba lô, khẩu súng, cây viết và trái lựu đạn gài. Nhưng với tinh thần sẵn sàng “tìm việc mà viết, tìm giặc mà đánh”, cánh nhà báo không thể ngồi chờ bộ đội thắng trận trở về mới tới hỏi han, ghi chép. Tất cả phải vào trận như người lính. Một bài báo viết trên chiến trường có cả chiến công và máu của đồng đội mình trong đó.

1. Năm 1965, ở tỉnh Gò Công (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) địch bình định rất ác liệt. Phóng viên Vũ Sương của Báo Ấp Bắc được phân công xuống Gò Công để nắm tình hình, viết bài phản ánh cuộc kháng chiến của quân và dân Gò Công chống địch gom dân lập ấp chiến lược. Đồng chí thâm nhập vào lực lượng bộ đội đang đóng ở căn cứ xã Kiểng Phước, trong lúc đơn vị đang bàn kế hoạch đánh đồn Vàm Láng và thống nhất điều nghiên, lên phương án chọn ngày, giờ sẵn sàng đánh địch. Đồng chí Vũ Sương tâm niệm: “Phải ra trận mạc mới có chất mà viết”. Đêm 28-10-1965, đồng chí Vũ Sương sắp xếp đồ đạc gọn gàng, gồm bộ quần áo bà ba đen, chiếc khăn rằn, cây súng carbine, cây viết và quyển sổ ghi chép, cùng bộ đội ra chiến trường đi tìm “chất liệu” viết bài cho báo. Trận đánh đồn Vàm Láng diễn ra theo kế hoạch. Đại đội 206 địa phương quân Gò Công nổ súng công đồn lúc trời mưa. Trận đánh diệt gọn đồn bảo an cấp đại đội của địch tại Vàm Láng. Trong lúc ta và địch giao tranh ác liệt, đồng chí bị thương gãy chân. Khi rút quân, đồng chí lạc ra thớt cá Vàm Láng, địch phát hiện, chúng bắn đồng chí hy sinh. Ngày hôm ấy trời mưa suốt. Địch để thi thể đồng chí một ngày đêm nằm ngoài lộ. Nhân dân xót xa tìm mọi cách huy động lực lượng vận động thuyết phục địch, sau đó chúng mới chịu để bà con đem đồng chí về chôn cất. Nhà báo Vũ Sương - một cây bút đầy nhiệt huyết, đã yên nghỉ trên đất Gò Công.

2. Tháng 10-1966, Tòa soạn Báo Ấp Bắc vừa chuyển về đóng ở căn cứ xã Hậu Mỹ, huyện Cái Bè. Địch phát hiện, đổ quân mở cuộc càn ở vùng lung Cá Trê. Trong lúc đang tác nghiệp, nhiều phóng viên đã anh dũng hy sinh ở chiến trường hoặc ở căn cứ khi đang làm nhiệm vụ biên tập, in báo. Địch đổ quân càn vào vùng lung Cá Trê thuộc xã Hậu Mỹ, các đồng chí làm báo vào công sự hoặc hầm bí mật để tránh địch lùng sục, bắt bớ. Khi địch đến các nhà dân bỏ trống để tìm hầm của cán bộ cách mạng, chúng phát hiện hầm bí mật của anh em làm báo, đã bắn đồng chí Trần Thọ (Sáu Thọ) hy sinh, là tổn thất lớn cho Báo Ấp Bắc, tờ báo mất đi một nhà điêu khắc tài ba. Được biết, lúc này họa sĩ Châu Hồ ở cùng hầm với đồng chí Trần Thọ, đi lấy tư liệu để chuẩn bị cho tờ báo xuân nên thoát chết.

3. Tối 18-12-1967, tại vùng Đất Sét thuộc xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, nơi Tiểu ban Thông tấn - Báo chí đặt trụ sở, các đồng chí làm báo cùng nhau làm bữa cơm chia tay, để sáng hôm sau mọi người đi xuống chiến trường tác nghiệp. Trong lúc đồng chí Thái Phong đang ngồi thổi lửa, đồng chí Năm Hưởng ngồi phía sau, địch đang bắn pháo về phía xã Mỹ Thiện, bất chợt chúng hướng về phía xã Hòa Khánh, pháo nổ sát bên căn cứ, đồng chí Năm Hưởng bị một mảnh pháo ghim vào giữa trán. Đồng đội quây quần băng bó vết thương. Đồng chí không nói được lời nào, nhìn mọi người mà hai dòng nước mắt hòa với máu chảy dài trên mặt. Gần một giờ sau, đồng chí Năm Hưởng ra đi. Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Mỹ Tho tổ chức truy điệu và chôn cất đồng chí Năm Hưởng xong, cánh nhà báo chia tay nhau đi xuống chiến trường. Chuyến đi này mỗi người gói theo hành trang nặng trĩu tình yêu thương đồng đội, với quyết tâm dùng ngòi bút của mình để lột tả những tội ác của giặc Mỹ đã gây ra cảnh đau thương mất mát cho đồng bào, đồng chí của mình.

4. Trung tuần tháng 4-1968, ở tỉnh Gò  Công, địch liên tiếp mở nhiều cuộc càn quét bao vây căn cứ Bình Xuân hòng tiêu diệt Tiểu đoàn 514B của tỉnh. Đồng chí Tuấn Ngọc, phóng viên Báo Ấp Bắc được phân công xuống tỉnh Gò Công để viết bài cho Báo Ấp Bắc và Tập san Văn nghệ tỉnh Mỹ Tho. Vào buổi chiều của tháng 4-1968, sau chuyến đi thâm nhập Tiểu đoàn 514B về, đồng chí Tuấn Ngọc từ xã Tân Bình Điền (nay là xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông) đang gói hành trang, ba lô, súng đạn và những bài báo mới viết xong, chuẩn bị theo giao liên về căn cứ Báo Ấp Bắc (đang đóng ở huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho), thì có tin địch càn vào xã. Từ xóm nhà đồng bào ngoài đồng trống, đồng chí Tuấn Ngọc cùng đồng đội chạy về hướng biển, nơi có một vạt rừng để tránh cuộc càn của địch. Trên đường đi, đồng chí bị máy bay trinh sát “đầm già” của địch phát hiện, lao xuống bắn rốc-két liên hồi. Đồng chí Tuấn Ngọc hy sinh. Đêm hôm đó, má Tư và đồng bào tại chỗ lặng lẽ, người cho ván, người đóng hòm, cùng nhau làm lễ truy điệu và chôn cất đồng chí Tuấn Ngọc tại nghĩa địa xã Tân Bình Điền, ven biển Gò Công.

5. Cũng trong năm 1968, Tiểu ban Thông tấn - Báo chí được bổ sung thêm đồng chí Đoàn Việt Thủy, phụ trách biên tập. Những tin, bài do đồng chí Việt Thủy biên tập ngắn gọn, cô đọng, súc tích. Phóng viên giai đoạn này tuy ít được đào tạo, nhưng được học kinh nghiệm ở các đồng nghiệp đàn anh về nghiệp vụ và được trải nghiệm qua tác nghiệp ở chiến trường nên những tin, bài ngày càng súc tích, sát thực tế, chất lượng cao. Ngoài làm tốt nhiệm vụ được giao, đồng chí Việt Thủy còn là một cây văn nghệ nữ xuất sắc của đơn vị, được lãnh đạo thương, đồng đội mến. Chỉ gần 1 năm hoạt động trong ngành Báo chí, đồng chí đã để lại trong lòng đồng chí, đồng đội nhiều ấn tượng khó phai. Khoảng giữa năm 1969, sư đoàn 9 ngụy kết hợp với quân địa phương mở trận càn vào căn cứ cách mạng. Trong đợt đầu đi càn, giặc bắn xối xả vào trận địa, đồng chí Việt Thủy bị thương bên cánh tay trái, vết thương khá nặng, đơn vị chuyển về tuyến sau điều trị. Sau đó, địch lại mở nhiều trận càn ác liệt, bao vây căn cứ nhiều ngày, đồng chí Việt Thủy và một nữ y tá bị ngộp trong căn hầm bí mật của một người dân do không đảm bảo an toàn về kỹ thuật. Đến khi địch rút khỏi căn cứ thì 2 người đều hy sinh.

6. Từ giữa năm 1970, tình hình chiến trường có lợi cho cách mạng. Tiểu ban Thông tấn - Báo chí lần lượt bám các xã Long Trung, Long Tiên, Mỹ Long (huyện Cai Lậy Nam). Đội ngũ biên tập viên, phóng viên, cộng tác viên ngày càng đông đảo và có nhiều kinh nghiệm, tạo điều kiện cho Báo Ấp Bắc hoạt động thuận lợi. Ngày 30-6-1970, địch mở cuộc càn vào xã Long Trung. Chúng chia làm 2 cánh: Cánh nổi và cánh chìm. Cánh nổi có xe tăng, tàu biệt kích và bom, pháo; cánh chìm thì bí mật nằm im phục kích. Khi địch càn vô căn cứ, đồng chí Châu Hồ báo với anh em trong Tiểu ban Thông tấn - Báo chí và Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Mỹ Tho: “Nó tới rồi, chạy đi!”. Đồng chí chạy trước, lọt vào ổ phục kích của địch. Chúng nổ súng, đồng chí hy sinh.

HÀ ANH (tổng hợp)

.
.
.