Chủ Nhật, 21/06/2020, 16:04 (GMT+7)
.

Dân Cày - Tờ báo cách mạng đầu tiên ở Mỹ Tho

Báo chí cách mạng ở Mỹ Tho hình thành rất sớm, đầu năm 1929, Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội (còn gọi là Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên) xuất hiện tờ Lao Nông, được xuất bản dưới dạng truyền đơn bỏ túi phát hành bí mật trong tỉnh. Nhưng gây tiếng vang lớn là tờ Dân Cày. Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên ở Mỹ Tho được in ấn, phát hành bí mật ra nhiều tỉnh miền Tây Nam bộ.

Theo hồi ký của ông Thanh Sơn (tức Nguyễn Văn Tây - nguyên Bí thư Xứ ủy Nam kỳ)  vào đầu năm 1929, Kỳ bộ Nam kỳ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội điều ông từ Long Xuyên về Mỹ Tho thay cho đồng chí Nguyễn Ngọc Ba nhận công tác mới ở Sài Gòn. Ông được giao nhiệm vụ bí mật xuất bản báo Dân Cày để tuyên truyền vận động quần chúng 2 tỉnh Mỹ Tho, Bến Tre (*).

Cơ quan báo đóng trong một căn phố trệt gần trường tư thục Nguyễn Văn Ngữ, thị xã Mỹ Tho (khu vực gần cầu Quay - đường Trưng Trắc hiện nay). Đây là nhà ở của thầy giáo Lê Văn Thượng, người học cùng trường với ông Sơn, cũng là hội viên Việt Nam Thanh Niên cách mạng đồng chí hội. Nơi đây đồng thời cũng là nhà in báo và là điểm liên lạc giữa kỳ bộ với các hội viên 2 tỉnh Mỹ Tho và Bến Tre (*).

Theo mô tả của ông Sơn, phòng khách ngôi nhà bố trí một bộ bàn ghế cho ra vẻ nhà của thầy giáo, phía sau nhà đặt chiếc ghế bố xếp với vài chiếc chiếu trải trên sàn cùng một cái thùng gỗ kê làm bàn viết. Tòa soạn chỉ có 2 người làm việc là ông và bà Bảy Triều. Ông Sơn lo việc viết bài, biên tập và in ấn còn bà lo sắp xếp trong ngoài vừa phát hành vừa lo trị sự. Báo hoạt động bí mật nên việc in ấn phải làm ban đêm. Ông Sơn kể, có khi mệt mỏi quá ông lăn ra ngủ đến khi tỉnh dậy thì thấy dụng cụ in ấn đã được rửa ráy, sắp xếp gọn ghẽ, báo được bó thành từng chồng, xếp vào bao theo địa chỉ. Nếu có ai bất ngờ bước vô nhà cũng không phát hiện ra điều gì bất thường.

Mỹ Tho lúc này là đầu mối giao thông nên việc phát hành khá thuận lợi, đường bộ có xe lửa Mỹ Tho - Sài Gòn, đường thủy có các tàu Đồng Thịnh, Đồng Sanh đi Gò Công và xuống tận Rạch Giá, Cà Mau. Chủ nhân 2 chiếc tàu này là những người yêu nước, theo phong trào Đông Du, tình nguyện chở báo đi các nơi. Sau bài viết “Thực dân Pháp biến người thành trâu”, báo gây tiếng vang lớn, số lượng báo phát hành tăng rất nhanh. Lúc đầu mỗi số in khoảng 400 tờ in bằng phương pháp nấu thạch xuxoa in trên giấy manh, chỉ sau vài tuần đã tăng gấp đôi, gấp ba. Báo phát hành không định kỳ, nhưng có rất nhiều độc giả. Chủ trương của báo là không lấy tiền bán báo, vì vậy những người làm báo bấy giờ luôn lo lắng về tài chính. Mặc dù có nhiều đồng chí trong Hội ủng hộ nhưng ông Thanh Sơn vẫn thường xuyên về nhà kiếm cớ xin tiền gia đình để trang trải giấy mực.

Bà Bảy Triều tức là bà Nguyễn Thị Dành (còn gọi là Tám Dành) sinh năm 1899, người làng Bình Hòa Đông, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Đông Hòa, huyện Châu Thành, Tiền Giang).  Năm 1918, bà kết hôn với ông Trần Văn Chiều (thường gọi là Bảy Triều), phụ thân của Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê.

Theo hồi ký của Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê, thuở nhỏ, bà được gia đình cho học chữ tại Trường Nhà Trắng của Giáo hội Thiên Chúa ở Mỹ Tho. Là một phụ nữ cấp tiến, bà rất mê đọc sách báo “quốc sự”.

Năm 1927, bà Dành được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, cùng với người chị chồng là Trần Ngọc Viện lập gánh hát Đồng Nữ Ban hoạt động cách mạng. Được cha mẹ cho 2 lượng vàng và 4 công vườn làm của hồi môn, bà đã mang đi bán để lấy tiền làm chi phí hoạt động. Bà là người có công rất lớn đối với Báo Dân Cày.

Tháng 7-1929, kỳ bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội gặp tổn thất, nhiều cán bộ nòng cốt bị bắt.  Đến giữa tháng 8, An Nam Cộng sản Đảng thành lập, ông Thanh Sơn được kết nạp vào Đảng và được phân công đi Cà Mau công tác rồi sang làm Bí thư Chi bộ vùng Cao Lãnh - Sa Đéc.

Một tư liệu khác cho biết, Ban Biên tập Báo Dân Cày tiếp tục hoạt động ở chùa Sắc Tứ Linh Thứu ở làng Thạnh Phú, Mỹ Tho (nay là xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Tháng 8-1929, Hòa thượng Khánh Hòa xuất bản tờ Pháp Âm. Chính quyền Thực dân Pháp nghi ngờ, chùa bị lục soát, vị Thủ tọa bị truy nã, Hòa thượng Khánh Hòa phải ôm kinh sách đến sở Mật thám giải trình. Tờ Pháp Âm vì thế phải đình bản và chỉ ra được 1 số duy nhất.

Tháng 4-1930, Tỉnh ủy lâm thời Mỹ Tho được thành lập, đến tháng 6-1930 tờ báo của Tỉnh ủy cũng mang tên Dân Cày ra đời tại khu vực Vòng Nhỏ, gần hãng Xáng Mỹ Tho.

Theo Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam của Nguyễn Thành, tờ Dân Cày này do đồng chí Phạm Hùng chỉ đạo. Các đồng chí Nguyễn Thiệu, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho và đồng chí Mai Bạch Ngọc phụ trách biên tập, viết bài. Giữa năm 1932, đồng chí Dân Tôn Tử giữ chức Bí thư Tỉnh ủy phụ trách biên tập báo. Trong Ban Biên tập có các đồng chí Trần Minh Châu, Trần Văn Ưng (thầy giáo Ưng)… Báo Dân Cày có xã luận nói về tình hình và chủ trương của Đảng, trang tin và chuyên trang ca dao, hò vè kêu gọi quần chúng đấu tranh… Việc viết bài và biên tập đều được tiến hành tại nhà ông Chín Khuê và in tại chùa Sắc Tứ. Về sau bộ phận báo chí được bổ sung thêm người và được chia thành nhiều tổ để giữ bí mật. Báo phát hành mỗi số khoảng 40 tờ cho các chi bộ trong tỉnh và gửi đi các tỉnh lân cận, đến tháng 10-1932 thì ngưng xuất bản.

---------------

(*) Nguyễn Thanh Sơn - Trọn đời theo Bác Hồ - Hồi ức của một người con Đồng bằng sông Cửu Long - NXB Trẻ 2005.

NGUYỄN NGỌC PHAN

.
.
.