Thứ Sáu, 19/06/2020, 10:36 (GMT+7)
.
NHÀ GIÁO ƯU TÚ - TIẾN SĨ PHẠM VĂN KHANH, CHỦ NHIỆM CÂU LẠC BỘ TRÍ THỨC TỈNH TIỀN GIANG:

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát huy đội ngũ trí thức trong tình hình mới

Với vai trò là thành viên của Câu lạc bộ Trí thức tỉnh Tiền Giang, được tiếp cận, nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị (tóm tắt) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X tại Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng bộ tỉnh (dự thảo lần 4), tôi xin được nêu những suy nghĩ và những đóng góp của mình cho Báo cáo.

TS. Phạm Văn Khanh (thứ 6 từ trái qua).
TS. Phạm Văn Khanh (thứ 6 từ trái qua).

1. Về kết quả lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2016 - 2020)

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có chuyển biến tích cực với nhiều thành tựu quan trọng. Kết quả lãnh đạo thực hiện qua dự thảo Báo cáo 5 năm 2016 - 2020 của Tỉnh ủy cho thấy những thành tựu cơ bản như:

+ Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các khu công nghiệp đang được lấp đầy. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh, cân đối giữa xuất và nhập. Vốn đầu tư phát triển của toàn xã hội tăng nhanh. Số doanh nghiệp hoạt động vượt mức chỉ tiêu dự kiến (5.664/5.000 doanh nghiệp). Thu và chi ngân sách nhà nước trên địa bàn đều vượt mức  (#10%).

+ Hệ thống giáo dục từ mầm non đến đại học và đào tạo nghề có cơ cấu hợp lý. Mạng lưới trường học mầm non, phổ thông rộng khắp, đáp ứng yêu cầu học tập của người dân. Tất cả xã, phường đều đạt tiêu chí y tế quốc gia, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 51%, đạt chỉ tiêu. Tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm còn 2,5%. Có 108/172 đơn vị cấp xã, 2 huyện, 3 đô thị hoàn thành xây dựng nông thôn mới…

Mặc dù có những khó khăn do khách quan như thiên tai (hạn, xâm nhập mặn), dịch bệnh (gia cầm, heo, Covid-19) và một số hạn chế từ chủ quan, như quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, phát triển du lịch…, nhưng 5 năm qua, nhìn chung, kinh tế - xã hội đã có bước tăng trưởng, phát triển khá tốt, góp phần nâng cao, cải thiện đáng kể đời sống nhân dân.

Những thành tựu quan trọng nói trên có ý nghĩa tạo tiền đề, nền tảng cho những bước phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo.

2. Về những nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2020 - 2025

Về chủ đề của Đại hội, trang 1 của dự thảo: Chủ đề của Đại hội: “Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; nâng cao niềm tin của Nhân dân; đổi mới, sáng tạo; bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phấn đấu đến năm 2025 Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”. Gọn lại là “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Sáng tạo”.

Mục 3, trang 7 dự thảo của tỉnh: Các chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2020 - 2025 có đoạn ghi: “Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 là 57%...”. Nếu so sánh chỉ tiêu này với kết quả đạt được 5 năm qua của Tiền Giang, so sánh với năng lực đào tạo ngành, nghề của Tiền Giang, so sánh với chỉ tiêu của Trung ương là 70% - dự thảo của Trung ương trang 29, thì chỉ tiêu này còn thấp, kiến nghị có thể nâng lên khoảng 65%.
Mục 4, trang 8 dự thảo của tỉnh: Các khâu đột phá, trong đó tiểu mục 4.1. ghi: “Tập trung đầu tư, hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực, vùng động lực”, tôi thống nhất cao với nội dung của tiểu mục này, nhưng trong thực tế triển khai cần nghiên cứu xác lập về các sản phẩm trái cây chủ lực của Tiền Giang là gì để phát triển đúng hướng.

Ở tiểu mục 4.2. ghi: “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ ở đô thị và nông thôn”, tôi cũng thống nhất cao với các nội dung ghi trong tiểu mục này và xin kiến nghị thêm: Hiện nay giao thông nông thôn đường bộ phần lớn mới chỉ đáp ứng tốt nhu cầu đi lại. Giai đoạn sau cần đáp ứng nhu cầu vận chuyển, giao lưu hàng hóa, dịch vụ đang gia tăng ngày một tốt hơn, góp phấn phát huy hiệu quả các trục, tuyến giao thông trong tỉnh, kết nối nông thôn - đô thị.

Mục 2, trang 8 dự thảo của tỉnh: Phát triển văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông: Phần nói về “Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh” nên có nội dung xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, sử dụng người tài…, như văn kiện dự thảo của Trung ương đã ghi: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới…” - dự thảo văn kiện Trung ương trang 54. Hiện nay, trí thức trong tỉnh có hơn 20.000 người hoạt động trên nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ khác nhau, cần có sự quy tụ, đoàn kết để phát huy.

Mục 4, trang 9 dự thảo của tỉnh: Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, tôi thống nhất cao với dự thảo, đề xuất thêm:

+ Hiện nay, các chợ ở gần nguồn nước là đầu mối xả rác trên diện rộng xuống các sông, kinh, rạch gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (nhất là rác thải nhựa), cần tăng cường quản lý và có công nghệ xử lý rác phù hợp. Nếu chỉ tăng cường kiểm tra vệ sinh môi trường không thôi là không đủ hiệu quả, vì khi đoàn kiểm tra đến thì tất cả rác đã nằm dưới lòng sông không nhìn thấy và sau đó rác sẽ dịch chuyển, phát tán.

+ Cải cách hành chính liên quan đến đất đai còn nhiều nhiêu khê, chậm chạp, nhiều thủ tục bắc cầu nhau thành chuỗi thủ tục tạo ra sự chậm trễ có khi tới cả năm mới xong một vụ thừa kế nhà đất, nên có dịch vụ tư về nhà đất.

Tôi chân thành nêu những đóng góp cho dự thảo Báo cáo như trên với tinh thần gửi đến Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh Tiền Giang trong thời gian tới lời chúc thành công tốt đẹp!

P. MAI (lược ghi)

.
.
.