Thứ Ba, 21/07/2020, 09:53 (GMT+7)
.
DẤU ẤN ĐẢNG BỘ HUYỆN CAI LẬY NHIỆM KỲ 2015 - 2020:

Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững

ws
Đời sống nông dân huyện Cai Lậy khấm khá hơn nhờ trồng lúa chất lượng cao, nhất là được tham gia mô hình Cánh đồng lớn. Ảnh: HẠNH NGA

Xa quê một vài năm trở về, ai cũng ngỡ ngàng trước những đổi thay trên quê hương huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Đã qua rồi cái thời mưa bùn, nước ngập; thay vào đó là những con đường nhựa, đường đan thẳng tắp ở mọi nơi. Ven đường là những ngôi nhà dân khang trang, những công trình phúc lợi quy mô, có hoa thơm dẫn lối. Cuộc sống người dân đi lên từng ngày…

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cai Lậy tập trung triển khai, quán triệt, tổ chức thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ huyện trong bối cảnh đất nước, tỉnh và huyện có nhiều thuận lợi và không ít khó khăn, thách thức. Nhưng với quyết tâm chính trị cao, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân tích cực thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết đã đề ra, chủ động khắc phục khó khăn, huy động mọi nguồn lực, nhiều chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt, đưa kinh tế - xã hội địa phương tiếp tục phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng lên.

NÔNG THÔN THAY ĐỔI VỀ CHẤT

Điểm nổi bật của việc xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Cai Lậy là quy hoạch khác với sự phát triển tùy tiện trước đây, các vấn đề liên quan đến sản xuất, chuyển đổi ngành nghề được tập trung giải quyết, góp phần nâng cao đời sống người dân; hạ tầng nông thôn được thực hiện bài bản, hiện đại hơn.

Mục tiêu xây dựng NTM không chỉ xây dựng các công trình điện, đường, trường, trạm, mà cái chính là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Mọi việc làm đều phải hướng vào mục tiêu này, trong đó nông dân phải là chủ thể. Tăng thu nhập cho nông dân và chuyển đổi cơ cấu lao động là những tiêu chí trọng tâm, mang tính cốt lõi của Chương trình xây dựng NTM ở huyện Cai Lậy.

Sau khi chia tách địa giới hành chính, huyện Cai Lậy có gần 26.000 ha diện tích tự nhiên, với 16 đơn vị hành chính cấp xã. Về cơ bản, Cai Lậy là huyện thuần nông với 2 vùng chuyên canh là vườn cây ăn trái ở phía Nam và vùng chuyên canh lúa ở khu vực phía Bắc Quốc lộ 1.

Xác định kinh tế chính của huyện là nông nghiệp, do đó trong quy hoạch xây dựng, phát triển, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát triển nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa mô hình sản xuất, định hướng nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, nâng hiệu quả và sức cạnh tranh, gắn sản xuất với chế biến và xuất khẩu thông qua việc duy trì và nhân rộng các mô hình đạt chuẩn GlobalGAP, VietGAP trong sản xuất nông nghiệp. Hiện toàn huyện có trên 8.000 ha lúa, tập trung ở các xã phía Bắc Quốc lộ 1, diện tích gieo trồng bình quân 24.800 ha/năm (đạt 105,7% chỉ tiêu Nghị quyết). Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, năng suất lúa của huyện không ngừng tăng cao.

Theo kết quả thống kê của ngành Nông nghiệp, năng suất lúa của huyện tăng hơn 64 tạ/ha/năm. Đời sống nông dân khấm khá hơn nhờ những giống lúa chất lượng cao, nhất là được  tham gia mô hình Cánh đồng lớn.

Trong khi đó, ở 10 xã khu vực phía Nam Quốc lộ 1 của huyện, vườn cây ăn trái chuyên canh sum sê đơm hoa kết quả. Trong 5 năm qua, toàn huyện đã cải tạo nhiều diện tích vườn tạp, chuyển đổi các giống có chất lượng thấp sang các giống giá trị kinh tế cao. Huyện có trên 15.000 ha cây ăn trái cho sản lượng gần 226.900 tấn, trong đó diện tích trồng cây sầu riêng trên 9.000 ha, chiếm 60,35% diện tích cây ăn trái toàn huyện.

Nhờ áp dụng kỹ thuật rải vụ, sầu riêng cho trái quanh năm, giúp nhà vườn bán giá cao, tăng lợi nhuận, giúp giảm áp lực giảm giá đối với sầu riêng khi vào chính vụ. Đặc biệt, nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Cai Lậy” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy Chứng nhận, đã giúp nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh, giúp nông dân các xã Nam lộ của huyện nâng cao mức sống, đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện rõ nét. 

Song song đó, huyện đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, giao thông nông thôn, điện, nước sạch, trường học, trạm y tế, vệ sinh môi trường... theo tiêu chí NTM. Huyện xác định xây dựng NTM chính là một cách thức để thúc đẩy sự phát triển, góp phần quan trọng đưa đời sống nhân dân lên mức cao hơn.

Huyện thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Cụ thể, đến nay toàn huyện có 10/15 xã đạt chuẩn NTM, đạt 142,86% chỉ tiêu Nghị quyết. Các thiết chế văn hóa, hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, công trình phúc lợi ở các xã NTM được đầu tư xây dựng ngày càng nhiều, bảo đảm theo chuẩn NTM, tác động tích cực đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể.

Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, được bà con nông dân trong huyện quan tâm thực hiện, tự nguyện đóng góp công sức, tiền của để nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, các công trình công cộng, tích cực phát triển sản xuất, tăng thu nhập…

Một thực tế mà ngay cả những người khắt khe, khó tính nhất cũng phải thừa nhận rằng: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã làm thay đổi cảnh quan, diện mạo của vùng quê huyện Cai Lậy, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng lên, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt.

Kết quả xây dựng NTM ở huyện Cai Lậy là minh chứng cho sự quyết tâm, nỗ lực lớn của toàn huyện, nhằm nâng cao một cách thực chất đời sống vật chất và tinh thần nhân dân trong huyện. Trong nhiệm kỳ qua, toàn huyện có 1.970 hộ thoát nghèo, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 2,09%.

5 năm qua, huyện Cai Lậy phát triển diện tích vườn chuyên canh cây ăn trái ở các xã phía Nam Quốc lộ 1 theo quy hoạch; trong đó có trên 9.000 ha trồng cây sầu riêng trong tổng số 15.000 ha vườn cây ăn trái.
5 năm qua, huyện Cai Lậy phát triển diện tích vườn chuyên canh cây ăn trái ở các xã phía Nam Quốc lộ 1 theo quy hoạch; trong đó có trên 9.000 ha trồng cây sầu riêng trong tổng số 15.000 ha vườn cây ăn trái.

KHẲNG ĐỊNH HƯỚNG ĐI ĐÚNG

Với sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, 5 năm qua, kinh tế - xã hội của huyện Cai Lậy tiếp tục phát triển; đời sống nhân dân được cải thiện, nâng lên; quốc phòng và an ninh được giữ vững; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng; dân chủ xã hội chủ nghĩa và đoàn kết toàn dân được phát huy; công tác chính sách, an sinh xã hội được chăm lo tốt hơn.

Từ hướng đi đúng, 5 năm qua, Đảng bộ huyện Cai Lậy đã lãnh đạo thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị địa phương, 5 năm liền huyện đều được nhận Cờ thi đua xuất sắc của tỉnh.

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cai Lậy đã lãnh đạo thực hiện đạt
và vượt các chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết nhiệm kỳ 2015 - 2020:

- Giá trị sản xuất năm 2020 (giá so sánh năm 2010) ước thực hiện 12.747.400 triệu đồng, tăng 44,71% so năm 2015 (năm 2015 là 8.808.568 triệu đồng), đạt 105,7% chỉ tiêu Nghị quyết. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất 7,08%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết (Nghị quyết tăng 6,5%/năm); trong đó khu vực nông - ngư nghiệp tăng 5,93%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết (Nghị quyết tăng 4,8%/năm); khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 27,33%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết (Nghị quyết tăng 13,4%/năm); khu vực dịch vụ tăng 11,4%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết (Nghị quyết tăng 9,6%/năm).
- Thu nhập bình quân đầu người 51,54 triệu đồng/người/năm, tăng 20,6% so nhiệm kỳ trước.
- Thu ngân sách từ kinh tế địa phương ước thực hiện gần 399 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Nghị quyết (Nghị quyết 290 - 300 tỷ đồng). Tổng chi ngân sách địa phương gần 3.141 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Nghị quyết (Nghị quyết 1.758 tỷ đồng).
- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 11.958 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Nghị quyết (Nghị quyết 11.742 tỷ đồng).
- Giải quyết việc làm bình quân mỗi năm 1.613 lao động, vượt chỉ tiêu Nghị quyết (Nghị quyết 1.395 lao động).
- Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 2,09%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết (Nghị quyết dưới 5,95%).
- Xây dựng NTM: Có 10/15 xã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM, vượt chỉ tiêu Nghị quyết (Nghị quyết 7 xã).
- Tỷ lệ huy động học sinh ra lớp trong độ tuổi hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu.
- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nhẹ cân 9,01% (Nghị quyết dưới 9,5%).
- Số bác sĩ/1vạn dân là 3,05 bác sĩ (Nghị quyết trên 3 bác sĩ).  
- Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 98,34%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết (Nghị quyết 97%).
- Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 100%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết (Nghị quyết 99,96%).
- Tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế 16/16 xã, đạt chỉ tiêu Nghị quyết.
- Tỷ lệ tuyển quân hằng năm đạt 100%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết.
- Kết nạp 484 đảng viên mới, vượt chỉ tiêu Nghị quyết (Nghị quyết 400 đảng viên).
- Tỷ lệ đảng viên “Hoàn thành nhiệm vụ” trở lên đạt 99,35%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết (Nghị quyết 98%).
- Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên đạt 97,03%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết (Nghị quyết 85%).

Trong phát triển các thành phần kinh tế, công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn huyện được quan tâm, kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong nhiệm kỳ, đã thành lập mới 121 doanh nghiệp và 2.122 hộ kinh doanh; so với nhiệm kỳ 2010 - 2015, tỷ lệ phát triển doanh nghiệp tăng 30,1%, tỷ lệ phát triển hộ kinh doanh tăng 9,9%.

Toàn huyện hiện có 278 doanh nghiệp, 16 hợp tác xã, 52 tổ hợp tác; sau khi được củng cố và chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã có bước chuyển biến tích cực.

Về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, huyện tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, phát triển kết cấu hạ tầng, cải thiện đời sống người dân, tập trung vào các lĩnh vực: Giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch...

Trong nhiệm kỳ, huyện xây dựng 579 công trình, với tổng vốn đầu tư 889,73 tỷ đồng; trong đó, hoàn thành 2 công trình trọng điểm là Dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu Trung tâm hành chính và Dự án Khu tái định cư (trong Khu Trung tâm hành chính), đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện trong giai đoạn mới. 

Chương trình Xúc tiến đầu tư tập trung theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện, bám sát Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện thực hiện Nghị quyết 10 ngày 5-4-2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Trong đó, ưu tiên mời gọi đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như: Nhà máy nước Hiệp Đức, Trạm dừng nghỉ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Công viên nghĩa trang huyện Cai Lậy, Trường Mầm non Bình Phú.

Công tác đầu tư và phát triển đô thị Bình Phú được quan tâm triển khai thực hiện, đến nay đã hoàn tất thủ tục trình cấp có thẩm quyền quyết định thành lập thị trấn Bình Phú. Ngoài ra, huyện đang hoàn chỉnh quy hoạch chung đô thị Long Trung, Mỹ Thành Nam...

5 BÀI HỌC KINH NGHIỆM ĐƯỢC RÚT RA

Từ thành tựu lãnh đạo phát triển toàn diện địa phương, kinh nghiệm được đúc kết qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cai Lậy chính là sự đoàn kết, thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ chung là phát triển huyện một cách bền vững, trong đó có 5 bài học kinh nghiệm được rút ra:

Thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện luôn xem trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; bám sát Cương lĩnh, Điều lệ và các nghị quyết, quy định của Đảng, nhất là những nhiệm vụ trọng tâm về công tác xây dựng Đảng; nắm chắc tình hình, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện cho phù hợp với thực tế.

Thứ hai, sự quản lý, điều hành năng động của chính quyền các cấp, tạo động lực để triển khai thực hiện có kết quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội; chú trọng thực hiện tốt công tác dân vận của chính quyền đi đôi với đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; phát huy vai trò tích cực của nhân dân trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Thứ ba, các cấp ủy luôn chủ động, tích cực trong chỉ đạo, với quyết tâm chính trị cao, mạnh dạn tổ chức thực hiện với bước đi chắc chắn, thận trọng, không chủ quan, nóng vội; kết hợp chặt chẽ, đồng bộ, toàn diện các mặt của công tác xây dựng Đảng.

Thứ tư, trong tổ chức thực hiện giữ đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết, thống nhất, phát huy tốt vai trò nêu gương và tinh thần trách nhiệm của cán bộ chủ chốt các cấp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm; nhân rộng những điển hình tiên tiến, cách làm hay trong hoạt động thực tiễn.

Thứ năm, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; có tư duy đổi mới, sáng tạo, phong cách làm việc khoa học, có trách nhiệm với công việc; xem trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và kỹ năng nghiệp vụ, chuyên môn cho cán bộ, công chức, viên chức theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm.

THỦY HÀ

.
.
.