.
KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ NGUYỄN THỊ MINH KHAI (30-9-1910 - 30-9-2020)

Người nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung, bất khuất của dân tộc

Cập nhật: 23:44, 29/09/2020 (GMT+7)

 (ABO) Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo khó, khắc nghiệt nhưng tình yêu quê hương, đất nước của con người Xứ Nghệ đã hình thành tính cách và tâm hồn đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí đầy chông gai, gian khổ, nhưng cũng hết sức vẻ vang. Đồng chí luôn phấn đấu không biết mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, sự nghiệp giải phóng phụ nữ, một lòng phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, vẹn nguyên tình cảm vợ chồng, tình mẫu tử thiêng liêng, giữ vững niềm tin cách mạng và khí tiết, phẩm chất đạo đức của người chiến sĩ cộng sản.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ngày 30-9-1910, tại xã Vịnh Yên, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. Đồng chí là một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều đóng góp trong thời kỳ vận động thành lập Đảng.

Tuy cuộc đời và sự nghiệp ngắn ngủi nhưng đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã kịp hoàn thành nhiều công việc quan trọng của Đảng và nhân dân giao phó, để lại một tấm gương sáng về lòng yêu nước, kiên trung, bất khuất vì độc lập cho Tổ quốc, vì tự do cho nhân dân. Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng cao quý của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được khắc ghi cho muôn đời sau.

NỮ ĐẢNG VIÊN THUỘC LỚP ĐẦU TIÊN CỦA ĐẢNG

Được học Quốc ngữ từ nhỏ, sau đó được học với thầy giáo Trần Phú (người sau này là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương), chứng kiến cảnh lầm than của quê hương và được chính thầy giáo Trần Phú giác ngộ, năm 16 tuổi Vịnh đã dấn thân vào con đường cách mạng, năm 1927 tham gia Đảng Tân Việt, từ đây lấy bí danh mới là Minh Khai. Trong thời gian này, đồng chí tích cực tham gia các phong trào đấu tranh tại quê hương, vận động phụ nữ tham gia bãi khóa, biểu tình đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu, truy điệu cụ Phan Chu Trinh.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - một trong những cán bộ kiên cường lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân tham gia cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, tháng 11-1940.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - một trong những cán bộ kiên cường lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân tham gia cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, tháng 11-1940.

Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đồng chí trở thành đảng viên lớp đầu tiên của Đảng và được phân công phụ trách công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ, huấn luyện đảng viên ở khu vực Trường Thi, Bến Thủy và tổ chức Hội Phụ nữ Giải phóng. Tháng 3-1930, đồng chí được cử sang Hương Cảng (Trung Quốc), công tác ở Văn phòng chi nhánh Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, nhận nhiệm vụ liên lạc với các tổ chức cách mạng Việt Nam ở trong nước.

Tại đây, đồng chí  được gặp đồng chí Lý Thụy, tức đồng chí Nguyễn Ái Quốc và đồng chí Hồ Tùng Mậu… Đồng chí Lý Thụy đã trực tiếp giảng giải cho đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai những nguyên lý căn bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và được truyền lại những kinh nghiệm hoạt động bí mật. Từ năm 1931 - 1933, đồng chí bị bọn mật thám Anh ở Hương Cảng bắt giam, rồi chuyển giao cho chính quyền Quảng Châu cầm tù. Ra tù, đồng chí tìm bắt liên lạc với tổ chức Đảng và đến Thượng Hải công tác trong Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và đồng chí N.K.Crúpxcaia (vợ của đồng chí Lênin) tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và đồng chí N.K.Crúpxcaia (vợ của đồng chí Lênin) tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII.

Từ ngày 25-7 đến 21-8-1935, đồng chí là đại biểu chính thức tham dự và phát biểu tham luận tại Đại hội VII Quốc tế Cộng sản ở Mát-xcơ-va. Trong 2 năm 1935 - 1936, đồng chí tham gia khóa học ngắn hạn tại Trường Đại học Phương Đông.

BÍ THƯ THÀNH ỦY SÀI GÒN - CHỢ LỚN Ở TUỔI 29

Về nước, hoạt động tại Xứ ủy Nam kỳ, tham gia lãnh đạo phong trào dân chủ giai đoạn 1936 - 1939 với bí danh Năm Bắc và được Xứ ủy Nam kỳ cử đồng chí  Nguyễn Thị Minh Khai, Xứ ủy viên giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn vào đầu năm 1939, lúc đó đồng chí mới 29 tuổi và kiêm chỉ đạo trực tiếp Nhà máy Đóng tàu Ba Son và Công ty Hỏa xa Sài Gòn. Nhiệm vụ đặt ra nặng nề hơn khi giữa năm này, nguy cơ phát xít Nhật đang lăm le chiếm Đông Dương, Đảng ta chủ trương mở rộng Mặt trận Nhân dân Đông Dương. Tại Sài Gòn, nữ Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Minh Khai càng dồn bao tâm lực, vừa viết bài đấu tranh trên báo chí, vừa cùng các tổ chức Đảng tranh luận thẳng thắn với chúng, vạch trần âm mưu của bọn chống phá cách mạng, đội lốt đảng chui vào phá hoại Đảng bộ Sài Gòn.

Hai nhà lãnh đạo Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai.
Hai nhà lãnh đạo Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai.

Một điều không may cho Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn và Xứ ủy Nam kỳ là bọn mật thám Pháp đã theo dõi từng bước đi của các cán bộ chủ chốt Thành ủy và các cán bộ của Xứ ủy. Mờ sáng ngày 30-7-1940, trong vai một nữ nông dân tay xách làn trái cây, chân đi đôi guốc gỗ, mặc áo dài đen, đồng chí đi thong thả đến địa điểm mới của Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn ở bến Bình Đông.

Không ngờ, từ tín hiệu nhà có cửa phố vẫn khép hờ một bên, còn một bên đóng rất chặt: Dấu hiệu an toàn, nhưng khi bước qua ngưỡng cửa, đồng chí mới biết cơ sở đã bị lộ và bị mật thám Pháp bắt giữ. Trong tù, biết đồng chí là nhân vật quan trọng, chúng giam đồng chí vào căn phòng có chiếc sọ người giữa nhà, dùng đủ cực hình để tra tấn nhưng đồng chí quyết không khai. Tra tấn bằng mọi cách vẫn không khai thác được gì, thực dân Pháp giam đồng chí vào nhà giam Phú Mỹ, Sài Gòn. Đồng chí lại tiếp tục cùng chị em phụ nữ trong khám đấu tranh.

Lúc bấy giờ, đồng chí Lê Hồng Phong và các lãnh đạo chủ chốt của Đảng ta: Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần... đã sa vào tay thực dân Pháp. Mật thám Pháp tổ chức một cuộc đối chất vào cuối năm 1940, cho đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai gặp đồng chí Lê Hồng Phong hòng tìm ra mối quan hệ giữa hai người, nhằm kết án tử hình Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Song để giữ bí mật, hai người vẫn tỏ ra bình thản như chưa quen bao giờ. Thất bại, chúng tiếp tục đày Tổng Bí thư Lê Hồng Phong ra nhà tù Côn Đảo.

Sự tra tấn hết sức dã man, tàn bạo của kẻ thù không khuất phục được ý chí của người cộng sản bất khuất, kiên trung, một lòng trung thành với Đảng, với cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai. Đồng chí lấy đũa chấm máu mình ở vết thương viết lên tường xà lim:

“Càng đánh, càng treo, càng kiên quyết
Dù kìm dù kẹp chẳng sai lời
Hy sinh phấn đấu vì nhiệm vụ
Triệt để thực hành chết mới thôi...”.

Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tại phường Quang Trung, thành phố Vinh.
Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tại phường Quang Trung, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An.

Vì vậy, thực dân Pháp đã kết án tử hình và đưa đồng chí cùng các lãnh tụ trung kiên của Đảng ta: Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến... ra xử bắn tại ngã tư Giếng Nước trường bắn Bà Điểm (Hóc Môn - Gia Định) vào sáng ngày 28-8-1941. Trước khi bọn thi hành án cởi trói, cởi khăn bịt mắt, đồng chí vẫn bình thản diễn thuyết cả 5 phút cho đồng bào và nói cả tiếng Pháp cho những người lính Pháp biết việc chính nghĩa của những người Cộng sản Việt Nam đang làm. Và đồng chí đã mãi mãi ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân Bà Điểm, của bà con Hóc Môn, Sài Gòn - Gia Định và đồng bào cả nước.

HỒNG LÊ
    (tổng hợp)


 

.
.
.