Phát huy truyền thống "Tuyệt đối trung thành, đoàn kết, sáng tạo, tận tụy, chu đáo, giữ vững nguyên tắc"
Thực hiện chủ trương của Khu ủy Khu 8, cuối tháng 8-1954, Tỉnh ủy Mỹ Tho và Gò Công (nay là Tỉnh ủy Tiền Giang) được thành lập. Lúc bấy giờ, Văn phòng Tỉnh ủy cũng được thành lập để phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy.
Với niềm tin và phấn khởi trước thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và những thành quả đạt được trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, chúng ta càng trân trọng, tự hào về sự đóng góp to lớn của Văn phòng các cấp ủy, trong đó có Văn phòng Tỉnh ủy Tiền Giang qua các thời kỳ .
Các cá nhân có nhiều đóng góp cho Văn phòng cấp ủy được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn phòng cấp ủy” tại buổi Họp mặt kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống Văn phòng cấp ủy. |
GIAI ĐOẠN 1954 - 1960: PHƯƠNG CHÂM HOẠT ĐỘNG LÀ TUYỆT ĐỐI BÍ MẬT
Thời kỳ này, lực lượng giao liên, nhất là giao liên công khai và cán bộ phụ trách căn cứ là bộ phận rất quan trọng. Việc sử dụng văn bản, công văn từ Văn phòng Tỉnh ủy chuyển đi các nơi, ngoài đường cơ yếu, còn viết “bạch chỉ” chuyển đi bằng giao liên công khai từ tỉnh lên khu và từ tỉnh xuống huyện, xã. Việc chọn địa điểm ăn, ở cho những người làm công tác này cũng phải hết sức bí mật.
Lịch sử ra đời và phát triển của Văn phòng cấp ủy luôn gắn liền với lịch sử và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ Hội nghị lịch sử tháng 10-1930, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tổ chức họp lần thứ nhất tại Hương Cảng (Trung Quốc) để thông qua Cương lĩnh, Điều lệ Đảng và ban hành các nghị quyết về các nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng; đồng thời, quyết định thành lập các bộ phận chuyên môn giúp việc và tham mưu cho Trung ương Đảng, trong đó có bộ máy Văn phòng cấp ủy. Từ sự kiện này, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định lấy ngày 18-10-1930 làm ngày truyền thống nhằm ghi nhận sự trưởng thành và phát triển của cán bộ, đảng viên, nhân viên làm công tác Văn phòng cấp ủy trong cả nước. |
Thường trực Tỉnh ủy bố trí bộ phận cơ yếu và điện đài rất bí mật, giúp việc báo cáo và nhận sự chỉ đạo của cấp trên phải đảm bảo vừa thuận lợi vừa nhanh chóng. Trong điều kiện hoạt động rất khó khăn, bí mật, phải ở trong dân, nhưng vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Tháng 10-1954, Thường trực Tỉnh ủy và Văn phòng Tỉnh ủy Mỹ Tho từ kinh Năm Ngàn, xã Tân Ninh (nay thuộc huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) chuyển về căn cứ xã Long Hưng, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho.
Phương châm hoạt động của Văn phòng Tỉnh ủy lúc bấy giờ là tuyệt đối bí mật; ăn, ở công khai hợp pháp; công việc của ai người đó biết, làm việc trong nhà dân, xong việc sẽ tham gia lao động cùng gia đình với danh nghĩa bà con, họ hàng để tránh tai mắt địch. Trong quan hệ làm việc, giao tài liệu, thư từ bằng nhiều hình thức nghi trang như: Đi câu cá, bắt cua, cắt cỏ, bán hàng dạo… Những gia đình bố trí cho Thường trực Tỉnh ủy và Văn phòng Tỉnh ủy đều là những gia đình cốt cán của cách mạng. Nhờ vậy, căn cứ Tỉnh ủy Mỹ Tho đóng ở xã Long Hưng được an toàn từ tháng 10-1954 đến tháng 3-1957…
GIAI ĐOẠN 1960 - 1964: PHỤC VỤ CẤP ỦY CHỈ ĐẠO PHONG TRÀO NỔI DẬY, CHUYỂN VÙNG
Đầu tháng 1-1960, Tỉnh ủy Mỹ Tho tổ chức hội nghị triển khai dời căn cứ về xã Tân Hòa Đông, Văn phòng Tỉnh ủy được bổ sung đủ các bộ phận: Văn thư, cơ yếu, điện đài, bảo vệ, tài chính, giao liên công khai... Đồng chí Cao Văn Đức (Ba Đê) tiếp tục giữ chức vụ Chánh Văn phòng Tỉnh ủy. Để chuẩn bị cho phong trào Đồng Khởi, Văn phòng Tỉnh ủy tập trung đánh máy ngày đêm; điện đài, cơ yếu làm việc liên tục, bảo đảm sự chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy và giữ mối liên hệ với Khu ủy.
Tháng 2-1961, Tỉnh ủy chuyển căn cứ từ xã Tân Hòa Đông ra xã Hưng Thạnh, nhiệm vụ chủ yếu của Văn phòng Tỉnh ủy là phục vụ cấp ủy chỉ đạo phong trào nổi dậy, chuyển vùng, giành quyền làm chủ, đi đôi với củng cố vùng giải phóng. Sang năm 1962, ở Vùng 20 tháng 7 (gồm 8 xã giải phóng phía Nam lộ 4 của huyện Cai Lậy và huyện Châu Thành), Văn phòng Tỉnh ủy bị địch tổ chức nhiều cuộc càn quét dữ dội, chà xát ác liệt…
GIAI ĐOẠN 1965 - 1975: KIÊN CƯỜNG BÁM TRỤ ĐÁNH ĐỊCH CÀN QUÉT
Từ năm 1965 - 1967, Văn phòng Tỉnh ủy dời về đóng ở xã Hậu Mỹ (quận Cái Bè), tập trung phục vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể, mặt trận và các lực lượng chính trị, vũ trang, binh vận, cả nông thôn và thành thị ra sức phát triển lực lượng, liên tục tấn công địch, mở mảng chuyển vùng, ngăn chặn và đánh bại âm mưu “bình định” và “tìm diệt” của địch.
Đầu năm 1968, Văn phòng Tỉnh ủy từ căn cứ ở kinh Cùng, rạch Đập, xã Thanh Hưng, quận Cái Bè chuyển về xã Điềm Hy, quận Châu Thành, gần mặt trận chính là TP. Mỹ Tho, phục vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tấn công địch Xuân Mậu Thân 1968, theo dõi liên lạc nhận tin, nắm tình hình diễn biến khắp các chiến trường trong tỉnh.
Sau Mậu Thân 1968, địch phản kích ác liệt, điều kiện ăn, ở gặp nhiều khó khăn, đồng chí Ba Đê, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, được Tỉnh ủy điều động sang công tác khác rồi hy sinh, một số đồng chí khác lên làm Chánh Văn phòng cũng hy sinh hoặc bệnh chết. Văn phòng Tỉnh ủy phải di chuyển nhiều nơi, sau đó bám trụ tại các xã Long Tiên, Thanh Hòa, quận Cai Lậy; rồi dời đến xã Bàn Long, quận Châu Thành.
Trong thời gian này, Văn phòng Tỉnh ủy tập trung phục vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các lực lượng bám trụ; đồng thời, ra sức tấn công bẻ gãy kế hoạch “bình định” của địch, giữ vững và phát triển lực lượng, chuẩn bị cho đợt tổng tiến công năm 1972. Giai đoạn này rất ác liệt, nhất là ở căn cứ xã Long Tiên. Văn phòng Tỉnh ủy đã kiên cường bám trụ đánh địch càn quét. Đáng kể nhất là Đội Bảo vệ đánh địch lấn chiếm dài ngày, gây cho địch nhiều tổn thất, bảo vệ căn cứ của Tỉnh ủy được an toàn.
Giữa năm 1972, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy tổ chức thêm bộ phận nghiên cứu tổng hợp, giúp Tỉnh ủy nắm, phân tích tình hình nhanh và chính xác. Từ tháng 1-1973 đến cuối tháng 2-1975, Văn phòng Tỉnh ủy chuyển từ xã Long Tiên (quận Cai Lậy) về xã Bình Trưng (quận Châu Thành) tiếp tục phục vụ sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, tập trung đánh bại các cuộc hành quân lấn chiếm của địch, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng, tạo điều kiện cho chiến trường Khu 8 giành thắng lợi.
Thời kỳ này, đồng chí Tư Thanh, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy được Khu ủy điều động về trên; đồng chí Ba Bá được điều về làm Tỉnh đội phó; đồng chí Nguyễn Trường Kỳ thay Quyền Chánh Văn phòng Tỉnh ủy.
Tháng 3-1975 đến ngày 30-4-1975, Văn phòng Tỉnh ủy tập trung lo công việc chuyên môn: Đánh máy, in tài liệu, giữ vững chế độ trực liên lạc thường xuyên, nhận chỉ đạo của Khu ủy, nắm tình hình diễn biến các mặt trận trong tỉnh; anh chị em giao liên truyền đạt mệnh lệnh của Tỉnh ủy xuống các huyện, xã và lực lượng vũ trang liên tục, một số đồng chí xuống cơ sở phát động quần chúng tham gia chiến đấu.
Ngày 30-4-1975, TP. Mỹ Tho do các lực lượng Khu 8 và thành phố tiếp quản, Văn phòng Tỉnh ủy dời từ các xã Tân Phú, Mỹ Hạnh Đông ra thị trấn Cai Lậy. Đầu năm 1976, sau khi giải thể Khu, hợp nhất tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy chuyển về địa bàn TP. Mỹ Tho cho đến nay.
GIAI ĐOẠN TỪ 1976 ĐẾN NAY: THÀNH LẬP VĂN PHÒNG TỈNH ỦY
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, tháng 2-1976, Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Tiền Giang được thành lập, đồng chí Lê Văn Phẩm (Chín Hải) làm Bí thư Tỉnh ủy. Văn phòng Tỉnh ủy cũng được thành lập, đồng chí Nguyễn Kha được chỉ định làm Chánh Văn phòng. Cán bộ, nhân viên được tập hợp từ Văn phòng Khu ủy Khu 8, Văn phòng Tỉnh ủy Mỹ Tho, Văn phòng Tỉnh ủy Gò Công được 64 đồng chí, có 5 tổ gồm: Tổ Nghiên cứu tổng hợp, Tổ Hành chánh văn thư, Tổ Tài chính quản trị, Tổ Cơ yếu và lái xe.
Điểm nổi bật trong hoạt động của Văn phòng Tỉnh ủy thời gian qua là phối hợp với các ban, ngành soạn thảo các văn kiện cho đại hội đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ; triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương; ban hành các văn bản phục vụ Tỉnh ủy chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; tham mưu soạn thảo chương trình làm việc của Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh hằng quý, năm và cho cả nhiệm kỳ.
Trân trọng giữ gìn, phát huy những thành quả đã đạt được của các thế hệ cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy qua các thời kỳ là trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức Văn phòng Tỉnh ủy ngày hôm nay. Bởi đó là cội nguồn, là sức mạnh, những tấm gương sáng ngời để các thế hệ đi sau tiếp nối chặng đường của những người đi trước, tiếp tục phục vụ Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
HỒNG LÊ (tổng hợp)