Bài cuối - Hướng đến mục tiêu cao quý nhất là vì con người
Bài 3 - Tập trung phát triển hạ tầng
Bài 2 - Đầu tư lớn cho tam nông
Bài 1 - Tiền Giang không ngừng nỗ lực vươn lên
Kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin trong tiến trình xây dựng xã hội mới, Đảng ta đã khẳng định: Nguồn lực quý báu nhất, có vai trò quyết định nhất là con người Việt Nam; nhân tố con người chính là nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam. Đối với một nước chủ động lựa chọn và kiên trì con đường phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa như Việt Nam, sự phát triển, tăng trưởng kinh tế là vì con người, hướng đến con người, phải vì con người, cho con người, tạo môi trường thuận lợi để con người có cuộc sống hạnh phúc, có sức khỏe và cơ hội phát huy mọi năng lực sáng tạo. Với quan điểm này, mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều chú trọng đến việc chăm lo bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người.
Trong những năm gần đây, Tiền Giang là một trong những địa phương có mức tăng trưởng kinh tế đứng ở tốp đầu của các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực; các chính sách về an sinh xã hội luôn được quan tâm thực hiện, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Mặt khác, những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của địa phương luôn được giữ gìn, phát huy; diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng văn minh, phát triển; hoạt động đối ngoại luôn được mở rộng, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác trong khu vực và quốc tế…
ĐẦU TƯ LỚN CHO GIÁO DỤC
Để phát triển toàn diện con người, mọi hoạt động của hệ thống giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) tỉnh nhà đều hướng vào việc xây dựng, phát triển con người Việt Nam có thế giới quan khoa học, trí tuệ và đạo đức; gắn với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân, nâng cao trí lực và kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, của kinh tế tri thức và xã hội học tập, của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với những quan điểm của Đảng, chủ trương của Tỉnh ủy về phát huy nhân tố con người trong suốt chặng đường phát triển của tỉnh đã phát huy hiệu quả và đạt được nhiều thành tựu to lớn.
Giáo dục luôn là lĩnh vực được quan tâm đầu tư lớn của Tiền Giang. Ảnh: DUY SƠN |
Cụ thể, sau ngày đất nước thống nhất, ngành GD-ĐT tỉnh nhà đã có nhiều nỗ lực trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cho thế hệ hôm nay và mai sau. Đầu tư cho giáo dục là một trong những lĩnh vực ưu tiên xuyên suốt của tỉnh mấy mươi năm qua. Đầu tư cho giáo dục bắt đầu từ việc cải thiện cơ sở vật chất trường lớp, tạo điều kiện cho học sinh được học hành trong điều kiện tốt hơn. Những mái trường tre lá tạm bợ, xiêu vẹo ngày nào dần được thay bằng những ngôi trường khang trang, tiện nghi; những lớp học 3 ca không còn nữa.
Theo số liệu từ Sở GD-ĐT Tiền Giang, hệ thống giáo dục từ mầm non đến giáo dục phổ thông đã được xây dựng và phát triển rộng khắp các địa bàn xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, với trên 560 trường, trong đó có hơn 50% đạt chuẩn quốc gia. Tất cả các địa phương trong tỉnh đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục mức độ 3. Cùng với đầu tư trường lớp, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, việc đầu tư nguồn nhân lực cho ngành Giáo dục cũng được tỉnh quan tâm, hiện giáo viên của tỉnh đều có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định của Bộ GD-ĐT. Đội ngũ giáo viên, cán bộ ngành Giáo dục đã không ngừng đổi mới tư duy, đổi mới phương pháp và phong cách làm việc, góp phần nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục.
Quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất để học sinh được đến lớp, tỉnh đã không ngừng lãnh đạo, chỉ đạo ngành GD-ĐT tỉnh nhà từng bước đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy theo hướng chuẩn hóa, hiện đại nhằm nâng cao chất lượng dạy học, đào tạo nhiều thế hệ có năng lực, chuyên môn giỏi, đạo đức tốt, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và cho đất nước. Chất lượng giáo dục của tỉnh nhà từng bước được nâng lên, thể hiện qua kết quả xếp loại hạnh kiểm và học lực của học sinh năm sau tốt hơn năm trước và học sinh Tiền Giang liên tục đạt thành tích cao trong các cuộc thi cấp khu vực, toàn quốc và quốc tế.
CHĂM SÓC SỨC KHỎE TOÀN DIỆN
Thực hiện phương châm đa dạng hóa các hoạt động, xã hội hóa công tác y tế, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân của tỉnh đã tiến một bước dài, bao gồm hệ thống cơ sở y tế công lập và y tế tư nhân, phục vụ nhân dân với chất lượng ngày càng cao, hiệu quả và công bằng.
Trong điều trị, “Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện” của Bộ Y tế đã được các bệnh viện thực hiện tốt và ngày càng đạt những chỉ số cao, hướng đến sự hài lòng của bệnh nhân. Năm 2020, 100% bệnh viện trong tỉnh đều đạt tiêu chí chất lượng bệnh viện theo quy định của Bộ Y tế và giữ vững tiêu chí mức 3. Công tác khám, chữa bệnh (KCB) được nâng chất, công suất sử dụng giường bệnh bình quân của các cơ sở điều trị đạt trên 100%. Đề án Bệnh viện/khoa vệ tinh triển khai tại Tiền Giang tiếp tục phát huy hiệu quả về việc ứng dụng các kỹ thuật cao phục vụ người dân.
Tiền Giang đang dần thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân. Tim mạch can thiệp là kỹ thuật y học hiện đại đã được thực hiện tại Tiền Giang. |
Thực hiện Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2014 - 2020 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, hiện đã hạ đến mức cho phép tình trạng quá tải trong một số cơ sở KCB. Toàn tỉnh ước có trên 91,% dân số tham gia bảo hiểm y tế; có 23,32 giường bệnh và 7 bác sĩ/vạn dân. Đặc biệt, mạng lưới y tế trong tỉnh phát triển mạnh mẽ, với 11 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa; 11 chi cục và trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh; 11 trung tâm y tế; 13 phòng khám thuộc trung tâm y tế và 173 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Việc xã hội hóa công tác y tế của tỉnh ngày càng phát triển bền vững, thu hút được sự quan tâm đầu tư của xã hội, đem lại cho người dân cơ hội chọn lựa để được chăm sóc sức khỏe. Trước đây, nhiều bệnh trong tỉnh phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị, thì nay đã có thể điều trị tốt tại bệnh viện tuyến tỉnh, như phẫu thuật chấn thương sọ não, chấn thương cột sống; phẫu thuật cứu sống bệnh nhân thủng tim, tim mạch can thiệp...
Bên cạnh công tác KCB bằng Tây y, hệ thống mạng lưới cơ sở KCB bằng y học cổ truyền phát triển mạnh mẽ. Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh thực hiện tốt việc chữa bệnh bằng phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc. Tổng số bệnh nhân điều trị bệnh bằng Đông y năm 2020 trên 4 triệu lượt người. Theo BS Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế, bên cạnh những thành tựu trong công tác điều trị, ở hệ dự phòng, công tác phòng, chống dịch bệnh được tỉnh thực hiện tốt.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh (nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, góp phần to lớn thực hiện đạt chỉ tiêu các chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế, như khống chế, không để dịch bệnh lớn và bệnh dịch mới xảy ra trên địa bàn tỉnh; khống chế và loại trừ bệnh phong, loại trừ uốn ván sơ sinh; không xảy ra các loại dịch bệnh mới như: Cúm A H7N9, nhiễm virus Ebola, nhiễm Mers-CoV, virus Zika và đặc biệt là không để Covid-19 lây lan trong cộng đồng... Các chương trình mục tiêu y tế - dân số đều thực hiện đạt chỉ tiêu, liên tục duy trì tỷ suất tử vong bà mẹ trong tỉnh là 0/100.000 dân. Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm được quan tâm thực hiện, toàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm > 50 người mắc.
KHÔNG QUÊN NGƯỜI YẾU THẾ
Tháng 10-2017, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 12 và tháng 2-2018 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 61 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Trên cơ sở đó, các sở, ngành và UBND các huyện, thành, thị đã tổ chức triển khai quán triệt trong nội bộ đơn vị và xây dựng kế hoạch thực hiện của đơn vị mình gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành; phân công các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện các công việc, nhiệm vụ cụ thể.
Qua đó đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, công chức, viên chức và người lao động về tiêu chí tiếp cận đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của mỗi đơn vị; khơi dậy ý chí chủ động hỗ trợ giúp đỡ người nghèo. Các ngành, các địa phương đã xác định việc gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với giảm nghèo bền vững là trách nhiệm của ngành, địa phương mình, trên cơ sở phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị.
Tất cả hộ nghèo, người yếu thế trong xã hội đều nhận được sự quan tâm chăm sóc, được tiếp cận và hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ, từ chăm sóc y tế, nhà ở, tạo sinh kế… để vươn lên thoát nghèo bền vững. Phong trào “Vì người nghèo” thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng. Nhiều mô hình hay, việc làm nhân ái vì người nghèo được nhân rộng khắp tỉnh như: Vườn cây nghĩa tình, Hủ gạo tình thương, Nhà đại đoàn kết, Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo…
Hiện nay, Tiền Giang không còn hộ thiếu đói, tỷ lệ hộ nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều của tỉnh liên tục giảm theo từng năm. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2020 toàn tỉnh giảm được 19.870 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 5,87% (đầu năm 2016) xuống còn 1,87% (cuối năm 2020). Riêng huyện Tân Phú Đông giảm từ 42,47% hộ nghèo (năm 2016) xuống còn 8,08% (năm 2020). Điều đặc biệt quan trọng trong công tác giảm nghèo của tỉnh là sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh được tăng cường, với chủ trương hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững, có căn cơ. Từ đó chất lượng giảm nghèo của Tiền Giang đạt cao và tỷ lệ hộ nghèo tái nghèo rất thấp.
THỦY HÀ