.
KỶ NIỆM 91 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA ĐẢNG (15-10-1930 - 15-10-2021)

Công tác dân vận góp phần quan trọng vào kết quả phòng, chống dịch Covid-19 trên cả nước

Cập nhật: 13:37, 15/10/2021 (GMT+7)

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự Thật, số ra ngày 15-10-1949. Nội dung bài báo được coi là “Cương lĩnh công tác dân vận” của Đảng. Chính vì vậy, vào tháng 10-1999, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận” và trên cơ sở sự ra đời của hệ thống Ban chuyên môn về các giới vận động của Đảng, theo đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã đồng ý lấy ngày 15-10-1930 là ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và quyết định lấy ngày 15-10 hằng năm là “Ngày Dân vận” của cả nước để cùng nhau học tập và thực hiện những lời Bác Hồ dạy về công tác dân vận.

SỨC SỐNG CỦA TÁC PHẨM “DÂN VẬN” VẪN TƯƠI NGUYÊN GIÁ TRỊ

Bước vào năm 1949, thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang trong giai đoạn cầm cự, chuẩn bị bước vào những chiến dịch lớn trong cuộc trường kỳ kháng chiến anh dũng của dân tộc. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết nhiều bài báo đăng trên Báo Sự Thật, Báo Cứu Quốc, Báo Quân du kích… để hiệu triệu, kêu gọi toàn dân cứu nước; trong đó, tác phẩm “Dân vận”, 612 từ, đăng trên Báo Sự Thật, số ra ngày 15-10-1949, với bút danh “X.Y.Z”.

 

Bài báo là sự kết tinh được thể hiện một cách toàn diện, hoàn chỉnh, cô đọng, khúc chiết, dễ hiểu, dễ nhớ về những vấn đề cốt lõi nhất trong công tác dân vận của Đảng, như mối quan hệ giữa dân chủ và dân vận; quan điểm, nguyên tắc tiến hành công tác dân vận; trách nhiệm vận động quần chúng của cả hệ thống chính trị; phương pháp vận động quần chúng và những phẩm chất cần có đối với cán bộ dân vận...

Ngay phần mở đầu, Bác viết: “Vấn đề Dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại”. Lời nhận định của Người cho đến nay vẫn tươi nguyên giá trị lịch sử, vì trên thực tế, có không ít cán bộ ở các địa phương chưa hiểu đúng và chưa thực hiện đúng, thực hiện chưa tốt công tác dân vận.

Người khẳng định 4 vấn đề cốt lõi của công tác dân vận: Nước ta là nước dân chủ; dân vận là gì?; ai phụ trách dân vận?; dân vận phải thế nào?. Với cách đặt câu hỏi và trả lời ngắn gọn, nhưng Người đã đề cập một cách toàn diện những nguyên lý cơ bản nhất trong công tác dân vận của Đảng.

Kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng, 22 năm Ngày “Dân vận” của cả nước giữa lúc cả nước đang tích cực triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thực hiện các mục tiêu phòng, chống dịch bệnh Covid-19, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, ghi nhớ và thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, hơn lúc nào hết, các cấp, các ngành, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân phát huy cao độ tinh thần yêu nước, khát vọng vươn lên, tạo khí thế mới, quyết tâm mới, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, ra sức thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, vì sự phát triển phồn vinh của đất nước, vì cuộc sống an toàn, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn: Trước hết, cán bộ, đảng viên phải quan tâm và ra sức làm tốt công tác dân vận; phải tiếp tục chăm lo xây dựng tổ chức, bộ máy nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tận tụy, trung thành, hết lòng vì nhân dân.

Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận, nhất là cán bộ tham mưu cấp chiến lược là việc hệ trọng. Cán bộ chính quyền hay cán bộ đoàn thể đều phải cùng nhau bàn tính kỹ càng, chia sẻ công việc cụ thể, rõ ràng và thực hiện tốt công việc của mình, vì nhân dân, vì Đảng.

CÔNG TÁC DÂN VẬN GÓP PHẦN QUAN TRỌNG VÀO KẾT QUẢ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TRÊN CẢ NƯỚC

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Tư tưởng đó xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Bác Hồ, của Đảng ta.

Nhờ làm tốt công tác dân vận, nhiều hoạt động an sinh xã hội đã được triển khai thực hiện rộng rãi. Trong ảnh: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang tổ chức Phiên chợ nghĩa tình Quân - Dân, hỗ trợ quà cho các gia đình chính sách và gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Mỹ Tho. Ảnh: THANH LÂM
Nhờ làm tốt công tác dân vận, nhiều hoạt động an sinh xã hội đã được triển khai thực hiện rộng rãi. Trong ảnh: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang tổ chức Phiên chợ nghĩa tình Quân - Dân, hỗ trợ quà cho các gia đình chính sách và gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Mỹ Tho. Ảnh: THANH LÂM

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác dân vận đã phát huy vai trò và góp phần quan trọng vào kết quả phòng, chống dịch trên cả nước. Khối Dân vận, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội trên cả nước đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng, chống dịch; thực hiện tốt chỉ đạo của các cấp chính quyền, triển khai mạnh mẽ các biện pháp.

Từ đó, cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt hoạt động an sinh xã hội, chung tay, chia sẻ với cộng đồng, quyết tâm đẩy lùi đại dịch. Và, trong thời điểm này, chúng ta tiếp tục được chứng kiến một Việt Nam chung sức, đồng lòng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát sao và kịp thời của Ðảng, Chính phủ. Mỗi địa phương, tổ chức, cá nhân đều có những cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế để nỗ lực cùng nhau vượt qua và quyết tâm chiến thắng đại dịch.

Trong Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với tập thể lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ban Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, tổ chức có liên quan tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; phát huy vai trò nòng cốt, tham gia lực lượng xung kích; huy động sức mạnh đoàn kết của nhân dân, nỗ lực và quyết tâm phòng, chống dịch...

Người dân ấp 4, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy gói bánh tét hỗ trợ người dân TP. Hồ Chí Minh trong đại dịch. Ảnh: QUẾ NGÂN
Người dân ấp 4, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy gói bánh tét hỗ trợ người dân TP. Hồ Chí Minh trong đại dịch. Ảnh: QUẾ NGÂN

Theo đó, Ủy ban MTTQ tỉnh Tiền Giang đã có Thư kêu gọi toàn thể các cơ quan, đơn vị, tổ chức; các doanh nhân, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang; các tầng lớp nhân dân... phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc “tương thân, tương ái”, “nhường cơm sẻ áo”, tiếp tục ủng hộ kinh phí, trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm....

Kết quả, tính đến ngày 30-9, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh Tiền Giang đã tiếp nhận số tiền đóng góp ủng hộ Quỹ phòng, chống Covid-19 trên 54 tỷ đồng (trong đó cấp tỉnh 47 tỷ đồng, cấp huyện gần 7 tỷ đồng). Ngoài ra, Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên còn vận động các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm ủng hộ nhu yếu phẩm cho người dân trong khu vực cách ly, phong tỏa gặp khó khăn với trị giá trên 87 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam chi nhánh Tiền Giang (Techcombank) ủng hộ 5 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam chi nhánh Tiền Giang (Techcombank) ủng hộ 5 tỷ đồng. Ảnh: PHƯƠNG MAI

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.