.

Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật: 19:52, 22/04/2022 (GMT+7)

(ABO) Sáng 22-4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 13 ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Nghị quyết 13).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đồng chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Tiền Giang, đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên BCH trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu quốc hội đơn vị Tiền Giang chủ trì cùng các sở, ban ngành tỉnh.
Tại điểm cầu Tiền Giang, đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang chủ trì; cùng các sở, ban, ngành tỉnh tham dự.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Tại điểm cầu Tiền Giang, đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị Tiền Giang chủ trì; cùng các sở, ban, ngành tỉnh tham dự.

Hội nghị nhằm quán triệt sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị cả nước, đặc biệt là vùng ĐBSCL, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 13.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã trình bày những nội dung chủ yếu của Nghị quyết 13. Theo đó, Nghị quyết nhấn mạnh, vùng ĐBSCL là vùng cực Nam của Tổ quốc - một địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có địa chính trị, địa kinh tế và địa quân sự hết sức trọng yếu đối với cả nước. Vùng nằm liền kề tuyến hàng hải Đông - Tây, có đường giao thông hàng hải và hàng không quốc tế quan trọng, với chiều dài hơn 700 km bờ biển, chiếm 23% bờ biển cả nước, khoảng 360.000 km2 vùng biển và thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế.

Vùng ĐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển, là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới. Đồng thời là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước, đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước…Đặc biệt, đây là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, với những nét văn hóa hết sức đặc thù và nền văn minh sông nước độc đáo…

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang.

Nghị quyết 13 đã đề ra 6 quan điểm chỉ đạo quan trọng và mới mẽ. Để tạo chuyển biến có tính đột phá trong việc phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL và khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong thời gian qua, Nghị quyết lần này tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng ĐBSCL về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Yêu cầu phải phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với vị trí, vai trò chiến lược của vùng, coi đây là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các địa phương trong vùng ĐBSCL và cả nước.

Tại hội nghị, các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành đã tham luận, thảo luận với nhiều nội dung chiến lược về quy hoạch, tầm nhìn trong phát triển hạ tầng giao thông, nông nghiệp, kinh tế biển, quốc phòng, an ninh… Đồng thời, đề xuất các kiến nghị để vùng ĐBSCL bức phá và phát triển nhanh, phát triển bền vững.

Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tập trung phân tích, làm rõ, trả lời 3 câu hỏi: Vì sao lúc này Bộ Chính trị lại bàn và ra Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045? Những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của Nghị quyết lần này là gì? Chúng ta cần làm gì và làm như thế nào để thực hiện có kết quả Nghị quyết của Bộ Chính trị, biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu ngay sau hội nghị này, căn cứ vào nghị quyết và kế hoạch của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo, hướng dẫn của các ban đảng Trung ương và các cơ quan cấp trên, các cấp ủy, tổ chức đảng ở Trung ương và các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị của các địa phương trong vùng cần khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 13 gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh.

Ban Cán sự đảng Chính phủ cần ráo riết chỉ đạo, khẩn trương xây dựng, ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 13, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng ĐBSCL. Chương trình hành động phải bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nội dung của Nghị quyết 13, bảo đảm sát hợp với từng địa phương trong vùng và tiểu vùng.

Các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng ĐBSCL cần cụ thể hóa Nghị quyết 13 và Chương trình hành động của Chính phủ bằng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và nguồn lực cụ thể, có tính khả thi cao. Trước mắt, Chính phủ cần tập trung ưu tiên sớm hoàn thiện và ban hành Quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo cơ sở để các địa phương trong vùng xây dựng quy hoạch phát triển của địa phương mình…

Tổng Bí thư mong đợi và tin tưởng rằng cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL nhất định sẽ phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của phong trào "đồng khởi", khí phách anh hùng "thành đồng" Tổ quốc và phẩm chất cao quý, rất tốt đẹp của người miền Tây… nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này, tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL - Vùng đất "9 rồng" theo tinh thần: Cả nước vì ĐBSCL; ĐBSCL vươn lên cùng cả nước và vì cả nước.

THỦY HÀ

 

.
.
.