Phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Danh - UVBCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh tại buổi gặp gỡ cán bộ lãnh đạo, quản lý ngành Y tế của tỉnh
Kính thưa:
Các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Các đồng chí lãnh đạo, quản lý ngành Y tế của tỉnh,
Thưa quý đại biểu và các đồng chí.
Nghề Y là một nghề rất đặc biệt và cao quí trong xã hội. Không có nghề nào lại đi vào đời sống con người một cách sâu sắc và cấp thiết như nghề y, đó là nghề đi liền với sự xuất hiện của con người và chắc chắn sẽ tồn tại cho đến khi không còn sự sống của loài người.
Đã từ lâu, người ta đã coi nghề y là một nghề quan trọng, đặc biệt; một nghề nhân đạo có quan hệ đến đời sống và tính mạng của con người, đến hạnh phúc của từng gia đình, đến tương lai nòi giống, đến sức khỏe và sự cường thịnh của một dân tộc, của toàn xã hội.
Lúc sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn đánh giá rất cao vai trò của những người thầy thuốc trong xã hội. Người đã dạy: “Lương y phải như từ mẫu” và người thầy thuốc trước hết phải là những người luôn đặt yếu tố đạo đức nghề nghiệp lên trên hết.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh thăm hỏi, động viên các thầy thuốc tiếp tục nỗ lực phục vụ sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. |
Trong xã hội, nghề nào cũng cần nêu cao đạo đức nghề nghiệp nhưng riêng với nghề y, đạo đức đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Bởi lẽ Y đức là phẩm chất tốt đẹp, là giá trị cốt lõi của những người làm công tác cứu người. Y đức được biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy phục vụ, hết lòng thương yêu chăm sóc bệnh nhân như chăm lo cho những người thân yêu của mình.
Mặc dù đã trải qua hơn nửa thế kỷ, thế nhưng mỗi lần chúng ta nhắc đến lời dạy của Bác Hồ vẫn thấy đậm tính triết lý sâu xa, tính khoa học, tính xã hội, tính nhân văn sâu sắc và có ý nghĩa thiết thực, đủ để các thế hệ thầy thuốc chúng ta phải suy nghĩ, phải học tập và tu dưỡng, tận tâm hơn nữa với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong hiện tại và cả tương lai, xứng đáng với sự tôn vinh của Đảng, của Nhà nước và của nhân dân.
Bác đã dạy chúng ta “Phải thương yêu người bệnh; người bệnh phó thác tính mạng của họ với các cô, các chú; chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe của đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ y tế cần phải thương yêu chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình; coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn, lương y phải như từ mẫu”.
Thưa các đồng chí,
Trong những năm gần đây, ngành y tế tỉnh nhà đã được đầu tư, xây dựng, đào tạo đội ngũ thầy thuốc có trình độ nghiệp vụ, chuyên môn cao, vững tay nghề, chắc niềm tin, đem lại sự hài lòng cho người dân khi đến các bệnh viện khám và điều trị bệnh; trong đó, Bệnh viện ngàn giường đã xây dựng và chuẩn bị đưa vào sử dụng, có nhiều thầy thuốc ưu tú, thầy thuốc nhân dân, có giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ là giám đốc bệnh viện đa khoa của tỉnh (điều kiện thuận lợi này không phải tỉnh, thành nào cũng có).
Mặt khác, đội ngũ y sỹ, bác sỹ, nhân viên và cán bộ quản lý ngành y tế của tỉnh đã trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt, luôn nỗ lực phấn đấu, không quản ngại khó khăn, gian khổ, tận tụy cống hiến, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ tính mạng, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, mang lại hạnh phúc cho mọi người; tiếp cận nhanh và làm chủ các kỹ thuật y học tiên tiến, góp phần ngăn chặn được các bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh nguy hiểm, không để lây lan diện rộng trong cộng đồng. Các chỉ số sức khỏe của người dân trong tỉnh ngày càng được nâng lên, chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống từng bước được cải thiện.
Đặc biệt, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 chưa từng có tiền lệ trong lịch sử; các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các ngành, lực lượng vũ trang và cả hệ thống chính trị cùng nhân dân đã phải chiến đấu ác liệt với kẻ địch vô hình khi chưa có vũ khí chuyên dụng để chống lại; trong đó, lực lượng chủ lực, tuyến đầu vẫn là đội ngũ y sỹ, bác sỹ, nhân viên ngành y tế.
Ngay từ đầu năm 2020, Tỉnh ủy đã có chủ trương thống nhất việc Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch tiếp nhận 3.965 công dân Việt Nam từ các quốc gia có dịch bệnh trở về cách ly tại địa phương, trong đó có 11 ca dương tính đã được điều trị khỏi. Ngày 3/6/2021, tỉnh xuất hiện ca bệnh đầu tiên trong cộng đồng tại thị xã Cai Lậy, sau đó là chùm ca bệnh ở Văn phòng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, rồi bùng phát thành nhiều ổ dịch tại thành phố Mỹ Tho.
Đến ngày 12/6/2021 (chỉ 9 ngày sau), tỉnh đã ghi nhận 16 ca nhiễm trong cộng đồng; ngay lập tức, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Từ thời điểm này trở đi, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục bùng phát mạnh, vô cùng khốc liệt; số ca nhiễm bệnh tiếp tục tăng nhanh, bình quân mỗi ngày có khoảng 200 ca mắc mới, có thời điểm trên 1.000 ca; số ca tử vong cũng tăng theo, bình quân mỗi ngày có từ 14 đến 15 ca. Đến cuối tháng 10/2022, số ca nhiễm Covid-19 qua xét nghiệm PCR là 36.199 ca, qua test nhanh là 131.289 ca; số ca tử vong là 1.225 ca (tỷ lệ tử vong 0,74%).
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh; Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch đã triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng, chống như thiết lập nhiều khu cách ly, bệnh viện dã chiến; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ, đóng góp các trang thiết bị, vật tư y tế, với quyết tâm và bằng mọi cách phải bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân; thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để không bỏ sót F0, người về từ vùng dịch; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và 5 nguyên tắc (ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch); giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15, số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, thành phố Mỹ Tho thực hiện phong tỏa toàn thành phố để tiến hành tầm soát bệnh trên diện rộng, các địa phương còn lại đồng loạt thực hiện chiến dịch xét nghiệm cộng đồng; tiêm ngừa vắc xin phòng Covid-19,...
Thưa các đồng chí,
Ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện, lây lan nhanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống của người dân, đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên toàn ngành y tế cùng với cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đã chung tay, góp sức tham gia vào cuộc chiến hết sức cam go, vất vả để chống lại đại dịch.
Trong cuộc chiến khốc liệt này, chúng ta đã chứng kiến những nghĩa cử cao đẹp, những đức hy sinh, với trái tim nhiệt huyết, tấm lòng nhân ái tỏa sáng của đội ngũ y sỹ, bác sỹ, của cán bộ và nhân viên ngành y tế. Chúng ta rất xúc động trước hình ảnh cán bộ y tế, bác sĩ, điều dưỡng trong trang phục bảo hộ phủ kín cả người, đêm không ngủ, ngày quên ăn, tận tâm, tận lực với công việc cứu người đã khắc sâu vào tâm trí của người dân khắp các địa phương trong tỉnh.
Gần 500 thầy thuốc trong tỉnh về dự buổi gặp gỡ lãnh đạo tỉnh. |
Những “chiến sĩ áo trắng” đã không ngại hy sinh, gian khổ, gác lại hạnh phúc riêng tư, cuộc sống yên bình, giao lại con thơ, cha mẹ già để đi vào tâm dịch nhiều tháng không về; nhiều y sỹ, bác sĩ, nhân viên y tế trải qua cuộc sống cô lập, vượt qua nỗi sợ hãi, ám ảnh khi chứng kiến những phút giây sinh tử, bản thân đã bị lây nhiễm chéo vẫn sẵn sàng nhận rủi ro về mình để phục vụ, chăm sóc người dân trong các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến, giành lại sự sống cho từng người.
Bên cạnh đó, đội ngũ y tế tuyến cơ sở, tuyến dự phòng cùng lúc phải đối mặt với các dịch bệnh truyền nhiễm khác và phải triển khai, tổ chức chiến dịch tiêm ngừa vắc xin phòng Covid-19 một cách nhanh nhất, an toàn nhất để tạo lá chắn đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân. Tất cả y sỹ, bác sỹ, nhân viên y tế tỉnh nhà thực sự là những “từ mẫu”, không chỉ có một trái tim nhân ái, một tấm lòng nhân hậu mà còn có nghị lực kiên cường, sự chịu đựng bền bỉ, xứng đáng được tôn vinh.
Chúng ta có thể khẳng định, đến thời điểm này, tỉnh ta đã hoàn toàn chuyển sang giai đoạn mới, “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh”, thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh thành công, vừa khôi phục và đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
Thay mặt Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam tỉnh, tôi trân trọng cảm ơn, biểu dương và đánh giá rất cao sự nỗ lực, đóng góp, cống hiến, không ngại khó khăn, không kể hy sinh của các đồng chí trên tuyến đầu chống dịch và bày tỏ sự tin tưởng, trân trọng đối với lực lượng y sỹ, bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên, cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý của ngành y tế đã chung tay cùng chiến thắng đại dịch Covid-9, một thứ giặc vô hình, chưa từng có tiền lệ, mang lại cuộc sống bình thường mới cho nhân dân tỉnh nhà.
Thưa các đồng chí,
Trước bối cảnh hiện nay, khi mà các dịch bệnh ngày càng bùng phát mạnh, nhất là bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, dịch đậu mùa khỉ và dịch bệnh Covid-19 có thể tái phát trở lại nếu chúng ta chủ quan, lơ là, buông lỏng công tác phòng, chống dịch bệnh; dịch bệnh luôn là mối đe dọa đến sức khỏe và tính mạng, đời sống của người dân. Trong lúc tỉnh ta với tiềm năng phát triển trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội còn rất lớn, chúng ta đang chuyển sang trạng thái bình thường mới sau đại dịch Covid-19, với nhu cầu và mong mỏi của nhân dân đa dạng, trước mắt chúng ta còn rất nhiều việc cần phải làm và phấn đấu làm.
Do đó, ngành y tế cần xác định đúng đắn chức năng, nhiệm vụ của mình để góp phần gánh vác cùng với cả hệ thống chính trị, đó là chăm sóc tốt sức khỏe cho mọi người, phòng chống bệnh tật, chẩn đoán và điều trị có hiệu quả cao nhất đối với người bệnh; mỗi y sỹ, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế phải luôn là những tấm gương sáng về sự nỗ lực phấn đấu, rèn luyện vươn lên, hoàn thiện về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp để không chỉ giúp người dân gìn giữ, nâng cao sức khỏe, vượt qua bệnh tật mà còn để lại trong lòng người dân những tình cảm ấm áp, những kỷ niệm khó quên, những suy ngẫm tốt đẹp về tình người, về đạo lý nhân sinh, để mọi nơi, mọi lúc khi nghe thấy đến danh của người thầy thuốc, thấy bóng áo bờ - lu trắng là thấy được hiện thân của tri thức, của danh dự và của nhân cách.
Hãy tiếp tục đến với dân bằng trái tim nhiệt huyết của mình, hãy lắng nghe người dân cần mình những gì, hãy khắc phục mọi khó khăn để điều chỉnh và phục vụ, chăm sóc tốt nhất sức khỏe cho nhân dân như lời Bác Hồ đã dạy “Phải lao mình vào chổ bẩn để làm sạch, phải dấn thân vào chổ đau khổ để làm giảm bớt đau khổ. Lương y phải như từ mẫu”. Đây cũng chính là sự kỳ vọng, niềm tin tưởng, sự mong muốn với tình cảm quý trọng xin được gửi đến y sỹ, bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ, nhân viên ngành y tế tỉnh nhà trong buổi gặp mặt hôm nay.
Tôi mong muốn những người thầy thuốc của tỉnh ta sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa các lĩnh vực y học để tiếp cận với những thành tựu khoa học mới có tính chuyên ngành, sử dụng thành thạo các thiết bị y học hiện đại nhằm chẩn đoán, phát hiện yếu tố gây bệnh, qua đó định bệnh chính xác để điều trị bệnh cứu người, giành lại sự sống cho người bệnh. Phải quyết tâm bám trụ với nghề mà mình đã chọn, nơi mà mình đã từng công tác, cống hiến trong suốt thời gian qua; luôn sẵn sàng là người chiến sĩ tiên phong trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Mỗi chúng ta đều hiểu: Trở thành bác sỹ như mơ ước là một niềm hạnh phúc lớn lao, nhưng công việc ấy đâu phải lúc nào cũng có niềm vui; điều đáng mừng là chúng ta luôn có những người yêu nghề, sẵn sàng chịu vất vả để cứu chữa cho muôn người.
Lãnh đạo ngành y tế, lãnh đạo các bệnh viện, trung tâm y tế và các trạm y tế cơ sở cần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giáo dục và tự giáo dục; đấu tranh chống biểu hiện tiêu cực ở các cơ sở y tế, đây là giải pháp quan trọng để hoàn thiện nhân cách cho người thầy thuốc nói chung và y đức cách mạng cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên ngành y tế nói riêng. Phải thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý, đào tạo, sử dụng cán bộ; tập trung cao nhất công sức, thời gian, ưu tiên mọi nguồn lực, chủ động nắm chắc và dự báo, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh; quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tôi cũng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị, các tổ chức xã hội và nhân dân tiếp tục ủng hộ, chung tay để ngành y tế hoàn thành sứ mạng rất đỗi vinh quang và hết sức nặng nề của mình; cần tiếp tục chăm lo, củng cố, nâng cao năng lực mạng lưới y tế các tuyến, nhất là ở tuyến cơ sở; cần huy động mạnh mẽ nguồn lực từ các thành phần của xã hội để tham gia phát triển y tế... Đó cũng chính là cách thể hiện sự tri ân có ý nghĩa nhất đối với các thầy thuốc, những người đã, đang và sẽ tiếp tục hết lòng vì người bệnh, vì sự nghiệp chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và vì giống nòi của dân tộc Việt Nam chúng ta. Đầu tư cho ngành y tế, đầu tư cho sức khỏe con người, chính là đầu tư cho sự phát triển bền vững.
Tôi xin mượn mấy câu thơ sau đây để kết thúc phần phát biểu của mình:
“Giữ vững niềm tin chớ vấn vương,
Đề cao y đức hãy khiêm nhường.
Xua tan tiếng xấu trong tâm tưởng,
Chứng tỏ lòng ngay trước mật đường.
Nghiệp sáng hồng chuyên do tu dưỡng,
Mẹ hiền thánh thiện bởi tình thương.
Vì dân tận tụy - niềm vui sướng,
Đời mãi tôn “Thầy” tỏa ngát hương”.
Xin chúc các vị đại biểu, các đồng chí tham dự buổi họp mặt luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và luôn thành công với nghề cao quý mà mình đã chọn. Thông qua các đồng chí, cho tôi gửi lời cảm ơn và lời chúc tốt đẹp nhất đến gia đình của các đồng chí, những người luôn động viên, hỗ trợ, cổ vũ, ủng hộ tinh thần cho các đồng chí an tâm làm nhiệm vụ, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho nhân dân.
Xin trân trọng cảm ơn.