Khẳng định tầm vóc, ý nghĩa to lớn của Chiến thắng Ấp Bắc
Kỷ niệm 60 năm Ngày Chiến thắng Ấp Bắc (2-1-1963 - 2-1-2023), thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng với chủ đề: “Chiến thắng Ấp Bắc - Tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”.
Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự cho biết: “Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 80 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Quốc phòng, tỉnh Tiền Giang; lãnh đạo các cơ quan Trung ương và địa phương; các quân khu, binh chủng, các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, các nhân chứng lịch sử, tướng lĩnh, sĩ quan quân đội, các nhà khoa học... Mỗi tham luận gửi đến Hội thảo đều là kết quả nghiên cứu độc lập, luận giải từng nội dung cụ thể, góp phần làm sáng tỏ, sâu sắc nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn”. Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên đã tổng kết 4 nội dung chính và sự thành công của Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo. |
ĐÁNH DẤU BƯỚC TRƯỞNG THÀNH MỚI CỦA QUÂN GIẢI PHÓNG MIỀN NAM
Thứ nhất, Chiến thắng Ấp Bắc là minh chứng khẳng định chủ trương chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sáng tạo của Đảng, trực tiếp là Khu ủy Khu 8 và Tỉnh ủy Mỹ Tho.
Trong những năm 1959 - 1960, thực hiện chủ trương chuyển hướng chiến lược của Đảng đối với cách mạng Việt Nam ở miền Nam, nhân dân miền Nam đã vùng lên mạnh mẽ, tiến hành phong trào Đồng khởi, giáng một đòn nặng nề vào chính sách xâm lược thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ, làm lung lay tận gốc chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm; đồng thời, chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, từ đấu tranh chính trị là chủ yếu sang kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang.
Để đối phó với phong trào cách mạng dâng cao, giữa năm 1961, chính quyền Tổng thống Mỹ John F. Kennedy quyết định triển khai chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam Việt Nam. Về công thức, chiến lược chiến tranh này được tiến hành bằng quân đội tay sai, dưới sự chỉ huy của hệ thống cố vấn Mỹ, dựa vào vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ.
Dựa vào nguồn viện trợ kinh tế, quân sự và chỉ đạo của Mỹ, quân đội Sài Gòn phát triển nhanh về quy mô lực lượng, được huấn luyện chiến thuật tân kỳ “Trực thăng vận”, “Thiết xa vận”, liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng, ráo riết dồn dân lập ấp chiến lược, coi ấp chiến lược là “quốc sách” có vai trò quyết định đến thành công của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Quân khu 9 và tỉnh Tiền Giang chủ trì Hội thảo. |
Trước âm mưu và hành động leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ trong những năm 1961 - 1962, Đảng Lao động Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương chuyển cách mạng miền Nam từ khởi nghĩa từng phần phát triển lên chiến tranh cách mạng, kết hợp đấu tranh quân sự và chính trị song song, đánh địch bằng ba mũi giáp công (quân sự, chính trị, bình vận) trên cả ba vùng chiến lược (rừng núi, nông thôn đồng bằng, đô thị), phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân để đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ và tay sai.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam thảo luận và đề ra các biện pháp toàn diện, trong đó nhấn mạnh 3 công tác trọng tâm nhằm trực tiếp đánh vào những âm mưu nguy hiểm nhất của địch: Một là, tích cực đẩy mạnh phong trào đấu tranh toàn diện, đều khắp, làm thất bại kế hoạch bình định; hai là, ra sức xây dựng, mở rộng căn cứ địa vững mạnh; ba là, tích cực xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân để đủ sức chặn đứng và đập tan các cuộc hành quân càn quét. Trung ương Cục nhấn mạnh: Trong thời gian đầu, mũi nhọn đấu tranh của ta tập trung vào nhiệm vụ chống càn quét và phá ấp chiến lược, làm thất bại chính sách bình định, giành dân của địch.
Trên chiến trường Khu 8, địch tập trung quân chủ lực và địa phương, ráo riết mở các cuộc càn quét, sử dụng biện pháp chiến thuật “Trực thăng vận”, “Thiết xa vận”, đánh phá ác liệt vào các vùng giải phóng (trong đó có tỉnh Mỹ Tho), gây cho cách mạng nhiều tổn thất. Trong khi đối phó với thủ đoạn đánh phá, càn quét của địch, lực lượng vũ trang cách mạng còn nhiều lúng túng, nảy sinh tâm lý e ngại, tránh đánh càn.
Trước tình hình đó và căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu nhiều lần họp bàn quán triệt Nghị quyết cấp trên; đồng thời, đề ra những biện pháp chống càn, phá ấp chiến lược, đối phó với các chiến thuật “Trực thăng vận”, “Thiết xa vận” của địch.
Thượng tướng, Tiến sĩ Lê Huy Vịnh phát biểu tại Hội thảo. |
Đặc biệt, tại Hội nghị cán bộ gồm đại biểu đại diện các tỉnh ủy, chỉ huy quân sự các tỉnh quân khu (11-1962), Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 8 chỉ rõ: Lực lượng vũ trang quân khu, tỉnh, huyện, du kích xã phải bằng mọi cách bám trụ trên những địa bàn trọng yếu được chuẩn bị trước, kiên quyết đứng lại đánh càn; có phương án, kế hoạch hiệp đồng chiến đấu giữa hai lực lượng (quân sự, chính trị), ba mũi (quân sự, chính trị, binh vận), ba thứ quân (chủ lực, địa phương, du kích) tạo sức mạnh tổng hợp chiến đấu chống càn. Chủ trương đó được Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Quân sự tỉnh Mỹ Tho quán triệt và triển khai ngay cho bộ đội, các ngành, các cấp để tổ chức thực hiện.
Có thể khẳng định: Chủ trương chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sáng tạo của Đảng, trực tiếp là Khu ủy Khu 8 và Tỉnh ủy Mỹ Tho là nhân tố quyết định thắng lợi của trận Ấp Bắc.
Thứ hai, thắng lợi trong trận Ấp Bắc đánh dấu bước trưởng thành của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Nhiều tham luận đã khẳng định: Trong bước chuyển biến chiến lược của cách mạng miền Nam, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất các lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam vào ngày 15-2-1961.
Đây là một sự kiện quan trọng, làm cơ sở để tăng cường lực lượng, đẩy mạnh đấu tranh vũ trang, đáp ứng yêu cầu mới của cuộc chiến tranh. Sau khi thành lập, Quân giải phóng miền Nam phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, phát huy tốt vai trò nòng cốt, phối hợp chặt chẽ cùng với nhân dân miền Nam kiên quyết đẩy mạnh tiến công địch, lập nhiều chiến công, trong đó Chiến thắng Ấp Bắc đầu năm 1963 là cột mốc đánh dấu bước trưởng thành mới.
Tiến hành cuộc càn vào Ấp Bắc, dưới sự tham gia chỉ huy của cố vấn quân sự Mỹ, quân đội Sài Gòn huy động hơn 2.000 binh lính, thuộc các đơn vị chủ lực tinh nhuệ gồm nhiều binh chủng (bộ binh, biệt động quân, lính dù), một số tiểu đoàn bảo an cùng nhiều phương tiện hiện đại (xe bọc thép lội nước, tàu chiến, trực thăng chở quân, trực thăng vũ trang, máy bay khu trục và ném bom, máy bay trinh sát, vận tải), pháo binh, súng cối.
Nếu so sánh tương quan lực lượng một cách đơn thuần thì khi bước vào trận chiến, tình thế của Quân giải phóng rất khó khăn. Bởi vì, đây là trận đánh quân đội Sài Gòn chủ động tiến công; trận đánh diễn ra trong một địa bàn hẹp, trống trải, bốn bề là kinh rạch và đường lộ, thuận lợi cho quân Sài Gòn thực hiện thế hợp vây; quân địch chiếm ưu thế hơn hẳn ta về lực lượng (tỷ lệ 6/1), lại áp đảo về vũ khí trang bị.
Đồng chí Nguyễn Trung Trực, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Tiền Giang trình bày tham luận. |
Thực tế chiến đấu, quân Sài Gòn sử dụng hỏa lực dày đặc của hàng chục khẩu pháo hạng nặng, cối 106,7mm, bom, rốc két, na pan... của phi cơ, trong khi Quân giải phóng chỉ có một đại liên, 1 súng cối 60mm, còn lại là súng trường, vài khẩu trung liên, một số “tromblon” (phễu gắn đầu súng trường, dùng đạn mã tử để phóng lựu đạn) và thủ pháo, lựu đạn. Trận càn bắt đầu từ 5 giờ sáng và diễn ra suốt cả ngày. Quân Sài Gòn chia thành nhiều mũi, bằng đường bộ, đường thủy và đường không mở 5 đợt tiến công vào Ấp Bắc…
Tuy nhiên, do được chuẩn bị kỹ về tư tưởng và bố trí sẵn trận địa, lực lượng vũ trang Quân giải phóng đã phối hợp chặt chẽ với nhân dân địa phương, kiên cường bám trụ, bẻ gãy 5 đợt tiến công của địch, loại khỏi vòng chiến đấu 450 địch, bắn rơi 7 máy bay trực thăng, bắn hỏng 3 xe M.113 và 1 tàu chiến địch.
Đây là lần đầu tiên trên địa hình đồng bằng, Quân giải phóng miền Nam với lực lượng cấp tiểu đoàn đã trụ bám, đánh bại cuộc hành quân của địch với quân số đông hơn gấp nhiều lần, có sức cơ động cao và sự chi viện hỏa lực lớn. Lực lượng ta hy sinh 21 người (trong đó có 4 dân thường), bị thương 39 người (trong đó có 8 dân thường), sau đó rút lui bảo toàn lực lượng, trước khi Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm tăng cường quân đội và hỏa lực mở đợt tiến công mới.
Với hiệu suất chiến đấu cao, trận Ấp Bắc đã đánh dấu bước trưởng thành mới của Quân giải phóng miền Nam, tiêu biểu như: Xây dựng được quyết tâm chiến đấu chống càn, tinh thần quyết chiến quyết thắng; công tác chuẩn bị, tổ chức phối hợp, hiệp đồng chu đáo, chặt chẽ giữa các lực lượng trên địa bàn tác chiến trực diện chủ yếu với lực lượng tác chiến địa bàn có liên quan; trình độ tổ chức lãnh đạo, chỉ huy linh hoạt, vững chắc; trình độ và khả năng vận dụng kỹ - chiến thuật của bộ đội được nâng lên, mang lại hiệu quả rõ rệt; công tác nghi binh, giữ bí mật trong quá trình chuẩn bị, thực hành chiến đấu và rút lui bảo toàn được lực lượng... Những nét nổi bật trên đây chính là yếu tố quan trọng góp phần làm nên thắng lợi của trận Ấp Bắc.
Thứ ba, Chiến thắng Ấp Bắc có vị trí, ý nghĩa quan trọng, để lại những kinh nghiệm và bài học quý, làm cơ sở cho việc vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Trên cơ sở trình bày những tác động, ảnh hưởng, sự lan tỏa mạnh mẽ tinh thần, ý chí, quyết tâm cũng như quá trình tổ chức chiến đấu, đồng thời đặt Chiến thắng Ấp Bắc trong tiến trình lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiều tham luận đã tập trung phân tích, nêu bật tầm vóc, ý nghĩa chiến lược và đúc rút những kinh nghiệm và bài học có giá trị từ sự kiện đặc biệt này.
Thật vậy, thắng lợi trong trận Ấp Bắc không chỉ có ý nghĩa về chiến thuật mà còn có ý nghĩa quan trọng về chiến lược. Lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta đánh bại các chiến thuật tân kỳ “Trực thăng vận”, “Thiết xa vận” của quân đội Sài Gòn, đánh dấu sự phát triển về chất của cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam; chứng minh quân và dân ta hoàn toàn có khả năng đánh bại các chiến thuật chiến tranh hiện đại của Mỹ và chính quyền, quân đội Sài Gòn.
Đặc biệt, Chiến thắng Ấp Bắc đã cổ vũ mạnh mẽ lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam. Ngày 25-3-1963, Trung ương Cục miền Nam quyết định phát động phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” trong toàn quân và toàn dân ta ở miền Nam, đẩy mạnh tiến công địch giành thắng lợi to lớn hơn nữa, tiến lên đánh bại toàn bộ chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.
Về phía địch, thất bại trong trận Ấp Bắc làm cho tinh thần quân đội Sài Gòn dao động mạnh, không còn tin tưởng vào chiến thuật “Trực thăng vận”, “Thiết xa vận” như trước nữa. Mỹ và chính quyền Sài Gòn tỏ ra lúng túng trước bước phát triển mạnh mẽ của cách mạng miền Nam cả về thế và lực. Thực tiễn đó là cơ sở quan trọng, vững chắc để Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trước khí thế quật cường của nhân dân thì chiến thuật mới và vũ khí mới nhất của Mỹ cũng phải thua”.
Với tầm vóc, ý nghĩa to lớn trên nhiều mặt, Chiến thắng Ấp Bắc để lại những kinh nghiệm và bài học sâu sắc, vận dụng trực tiếp cho cuộc đấu tranh cách mạng miền Nam, đó là: Bài học về nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, nhạy bén, sáng tạo trong đường lối, chủ trương, sách lược lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cuộc chiến tranh cách mạng; nêu cao tư tưởng chiến lược tiến công, vận dụng sáng tạo phương châm “hai chân, ba mũi”; xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc; bài học về nắm chắc địch, đánh giá đúng so sánh lực lượng, đề ra phương pháp phát triển phù hợp; bài học về xây dựng ý chí quyết chiến, quyết thắng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân; xây dựng hệ thống trận địa, xây dựng làng xã chiến đấu...
Như vậy, soi chiếu vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, những kinh nghiệm và bài học đúc rút từ Chiến thắng Ấp Bắc nói riêng, từ quá trình giành thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục được chắt lọc, nghiên cứu vận dụng và phát huy.
Thứ tư, Chiến thắng Ấp Bắc có sức lan tỏa mạnh mẽ, có giá trị giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng, lòng tự hào dân tộc, tinh thần tự lực, tự cường; là điểm tựa để Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Tiền Giang xây dựng, đổi mới và phát triển quê hương. Chiến thắng Ấp Bắc đã khẳng định quyết tâm kháng chiến của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, bước đầu bẻ gãy các biện pháp chiến thuật tân kỳ được địch kỳ vọng và sử dụng trong các cuộc càn quét, bình định; đồng thời, nó “báo hiệu” chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ bị đánh bại.
Từ Chiến thắng Ấp Bắc đã dấy lên phong trào tiến công tiêu diệt sinh lực địch, phá ấp chiến lược của địch trên khắp miền Nam. Đó là sức lan tỏa mạnh mẽ của trận đánh “điển hình” Ấp Bắc đối với cuộc đấu tranh cách mạng của quân và dân ta ở miền Nam. Không những vậy, trên hậu phương miền Bắc cũng xuất hiện phong trào thi đua với Ấp Bắc, đẩy mạnh lao động, sản xuất, chiến đấu bảo vệ miền Bắc, tăng cường chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ”.
ĐỂ TINH THẦN CHIẾN THẮNG ẤP BẮC TRƯỜNG TỒN
Những trang sử về Chiến thắng Ấp Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thực sự là những kinh nghiệm quý, bài học sinh động, có sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với các thế hệ người Việt Nam; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, tự hào về chiến công của ông cha, hun đúc tinh thần tự lực, tự cường và lan tỏa tinh thần ấy vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong lao động, học tập, công tác, xây dựng con người Việt Nam mới đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước hiện nay và mai sau.
Niềm tự hào về Chiến thắng Ấp Bắc năm 1963 đã trở thành điểm tựa, động lực để Đảng bộ và quân và dân Mỹ Tho luôn nêu cao tinh thần đấu tranh anh dũng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày hòa bình, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Tiền Giang tập trung thực hiện các kế hoạch khắc phục hậu quả chiến tranh, thực hiện tốt chính sách của Đảng, Nhà nước cho người có công, đẩy mạnh khai hoang phục hóa vùng Đồng Tháp Mười, Chương trình “Ngọt hóa” Gò Công, phân phối điều hòa lại đất đai cho nhân dân; tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị toàn diện.
Trải qua 11 kỳ Đại hội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiền Giang đã đạt nhiều thành tựu to lớn, từ địa phương thuần nông, tỉnh đã phát triển trở thành một địa phương có thứ hạng phát triển cao trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có cơ cấu kinh tế đồng bộ, cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.
Để tinh thần Chiến thắng Ấp Bắc năm 1963 mãi mãi trường tồn cùng dân tộc, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Tiền Giang tiếp tục phát huy và vận dụng sáng tạo những bài học quý báu năm xưa vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, quyết tâm xây dựng quê hương Tiền Giang ngày càng giàu đẹp, hiện đại và văn minh.
Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên cho rằng: “Chiến thắng Ấp Bắc năm 1963 là một trong những chiến công nổi bật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975). 60 năm đã trôi qua, trong cuộc hội thảo khoa học về Chiến thắng Ấp Bắc hôm nay, chúng ta một lần nữa khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Khu ủy Khu 8 và Tỉnh ủy Mỹ Tho; khẳng định tinh thần chiến đấu anh dũng, quả cảm, ý chí quyết chiến, quyết thắng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương góp phần làm nên chiến thắng.
Kết quả hội thảo sẽ góp phần quan trọng vào công tác giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, về quê hương cho các thế hệ cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; rút ra những kinh nghiệm và bài học quý báu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đối với quê hương của Chiến thắng Ấp Bắc, chúng ta tin tưởng rằng trong tương lai, Tiền Giang không chỉ được biết đến là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng; mà còn là một địa phương có những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội nổi bật, xứng đáng với tiềm năng và hội nhập.
Hội thảo này cũng là dịp để chúng ta tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến những cán bộ, chiến sĩ, đồng bào trên quê hương Mỹ Tho - Tiền Giang đã nêu cao tinh thần chiến đấu anh dũng, không quản ngại hy sinh, gian khổ, góp phần làm nên chiến công vang dội Ấp Bắc”.
THỦY HÀ - VĂN THẢO