.

Người đảng viên 75 năm tuổi Đảng và hình ảnh gần 50 năm đi chiếc xe PC

Cập nhật: 17:19, 19/01/2023 (GMT+7)

Tết Quý Mão 2023, đồng chí Nguyễn Kha bước sang tuổi 91, và đợt 19-5 năm nay, đảng viên Nguyễn Kha đón nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. Nếu tính từ lúc tham gia cách mạng (năm 1946), đồng chí công tác liên tục hơn 73 năm, dấu ấn cuộc đời làm cách mạng của đồng chí gắn liền lĩnh vực văn phòng cấp ủy, trực tiếp với công tác cơ yếu, một nhiệm vụ cực kỳ trọng yếu trong chỉ đạo, chỉ huy, điều hành.

Tuy tuổi đã cao, đồng chí Nguyễn Kha vẫn tham gia lãnh đạo  Hội Người cao tuổi, Hội Sinh vật cảnh.
Tuy tuổi đã cao, đồng chí Nguyễn Kha vẫn tham gia lãnh đạo Hội Người cao tuổi, Hội Sinh vật cảnh.

Từ khi thành lập tỉnh Tiền Giang (1976), đồng chí là Chánh Văn phòng Tỉnh ủy đầu tiên, đến nay mọi người ấn tượng nơi đồng chí - ông - bác - chú Năm Kha với hình ảnh người dong dỏng cao, chắc, khỏe cùng chiếc xe máy PC rong ruổi khắp TP. Mỹ Tho.

GẮN VỚI NHIỆM VỤ CƠ YẾU

Đồng chí Nguyễn Kha sinh năm 1932 và lớn lên ở xã An Vĩnh Ngãi, TX. Tân An (nay là TP. Tân An), tỉnh Long An. Năm 13 tuổi, khi học tiểu học trường làng, chứng kiến hào khí Cách mạng Tháng Tám vang dội, đồng chí ao ước được vào bộ đội.

Tháng 5-1946, Chi đội 14 (sau đổi thành Chi đội 120) về đóng ở quê nhà, chàng trai mới lớn mê bộ đội trinh sát nên bám riết xin theo, chỉ huy thấy còn nhỏ nên xin phép ba mẹ và thấy con quá mê nên ba mẹ gật đầu: “Tùy con, tùy mấy chú”.

“Được lời như cởi tấm lòng”, Nguyễn Kha được đơn vị đưa về Đội Trinh sát huấn luyện theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Đến năm 1947 - 1948, Nguyễn Kha chính thức trở thành chiến sĩ trinh sát Tiểu đoàn 120. Nguyễn Kha nhớ như in tham gia đánh trận đầu tại Tịnh Hà (Chợ Gạo), Đội trinh sát cùng tiểu đoàn tiêu hủy 2 xe GMC lính lê dương.

Đến giờ, nhiều bậc cao niên còn nhắc nhớ trận Ấp Ruộng Gò (xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo) và lãnh đạo và nhân dân xã đã bàn việc dựng bia về trận thắng trong chống Pháp. Đến khi thành lập liên Trung đoàn 130 (3 tỉnh Tân An, Mỹ Tho, Gò Công - thường gọi Mỹ - Tân - Gò), sau đó Bộ đội thành lập liên Trung đoàn 105 và 130, năm 1950 bổ sung thêm Ban địch vận. Trong thời gian này, đồng chí được chuyển sang kiêm Thư ký đánh máy.

Tháng 10-1950, Nguyễn Kha được kết nạp vào Đảng khi vừa 18 tuổi. Và từ đây, đảng viên Nguyễn Kha gắn bó với công tác cơ yếu, trải qua các vị trí phục vụ cấp ủy hoặc quân sự hoặc cả hai. Đó là giai đoạn tách nhập 3 tỉnh Mỹ Tho - Tân An - Gò Công theo thực tiễn chiến trường và cũng là giai đoạn ra đời các Tiểu đoàn 307, 309, 311.

Dù tổ chức có thay đổi, tên gọi có khác nhau, song công việc của đồng chí Nguyễn Kha vẫn gắn liền với nhiệm vụ cơ yếu. Cơ yếu là công việc hệ trọng trong chỉ đạo, chỉ huy luôn gắn liền với người lãnh đạo và đặc biệt là phải tuyệt đối bí mật, tuyệt đối trung thành. Nguyễn Kha được chọn vì đã trải qua chiến đấu, là đảng viên và có tố chất viết chữ đẹp lại biết đánh máy (thời đó rất hiếm người biết) dù chỉ học tiểu học trường làng.

ĐẢM BẢO BÍ MẬT - NHANH CHÓNG - CHÍNH XÁC

Năm 1954, thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, đồng chí Năm Kha cùng đơn vị bơi xuồng từ kinh Bùi - Dương Văn Dương (Đồng Tháp Mười) qua Cao Lãnh chuẩn bị tập kết ra Bắc. Đến giờ chót, do yêu cầu cách mạng cần cán bộ cơ yếu nên đồng chí Năm Kha là một trong bốn người được phân công ở lại phục vụ Tỉnh ủy Mỹ Tho - Tân An - Gò Công.

Tháng 10-1954, thực hiện chủ trương thành lập liên Tỉnh ủy Trung Nam bộ, cơ yếu Mỹ Tho được tin cậy rút phục vụ nên đồng chí Năm Kha ở lại Mỹ Tho, nhiệm vụ lúc này không chỉ phục vụ cấp ủy, mà còn gắn liền với quân sự bao gồm công tác Đảng và chỉ đạo chiến trường với tên gọi Ban Cơ yếu thống nhất.

Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, địch thường xuyên chà sát, đánh phá, đặc biệt là bộ phận cơ yếu của ta sát cánh với lãnh đạo, chỉ huy, nên càng tỏa sáng phẩm chất của người cán bộ, chiến sĩ cơ yếu luôn đảm bảo bí mật - nhanh chóng - chính xác; bởi mỗi văn bản đánh máy, mỗi văn bản chỉ đạo, mỗi mệnh lệnh đều được mã hóa chỉ có người lãnh đạo biết, người làm cơ yếu biết… trước khi truyền tải đến cấp dưới.

Có một chi tiết khá thú vị về chiếc xe PC gắn bó với đồng chí từ năm 1976 đến nay vẫn còn chạy tốt. Đó là chiếc xe chính đồng chí bỏ tiền ra mua với giá 200 đồng (thời giá năm 1976), trong khi vào thời điểm đó nhiều cán bộ được tiêu chuẩn phân bổ xe máy.

Đồng chí kể, tình cờ trong lần trò chuyện cùng anh thợ sửa xe ven đường, anh thấy dáng vẻ dong dỏng cao của ông Năm hợp với kiểu dáng xe nên mách ông mua chiếc xe của người sắp đi nước ngoài còn khá mới. Ông Năm Kha nhìn cũng ưng ý, xe lại dễ chạy… thế là từ đó chiếc xe gắn bó và cho đồng chí cái tên trìu mến “Ông Năm PC”.

Đến bây giờ, phụ tùng thay thế trở nên hiếm hoi, mỗi lần sửa chữa, thay vỏ ruột, người thợ lâu năm phải săn lùng tận thành phố hoặc phải mài mò chế phụ tùng chiếc PC “độc nhất vô nhị” của ông Năm suốt gần nửa thế kỷ vẫn còn chạy tốt trên khắp đường phố Mỹ Tho.

Không chỉ gần gũi, cư dân Mỹ Tho, nhất là dân mê thể thao còn thán phục ông Năm bằng tấm gương rèn luyện thân thể. Ở tuổi 91, mỗi sáng ông Năm PC với chiếc PC hay đạp xe ra sân tennis chơi năm bảy bàn cho máu huyết lưu thông.

Ông Năm mê thể thao từ nhỏ, khi mà muốn đá bóng thì chọn những trái bưởi to phơi cho dốt dốt cùng chúng bạn ra sân ruộng quần thảo, cho đến khi tham gia kháng chiến, vào bộ đội, chiến sĩ Nguyễn Kha rủ anh em chơi bóng chuyền rèn luyện thân thể.

Có lẽ mọi người không quên hình ảnh ông Năm Kha luôn có mặt cổ vũ cháy hết mình trong những trận cầu của Đội tuyển Bóng đá Tiền Giang từ Giải A1, A2 toàn quốc thập niên 1980 - 1990 trên sân nhà lẫn sân khách…

Dấu ấn mang tính lịch sử đối với đồng chí Nguyễn Kha trong suốt quá trình làm cơ yếu là trong cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 khi được giao trực tiếp đánh văn bản tuyệt đối bí mật, thượng khẩn.

Đêm Giao thừa năm đó, chính Bí thư Khu ủy gọi và giao nhiệm vụ “Chú phải mã hóa và truyền mệnh lệnh này đến các Tỉnh ủy trước giờ G 15 phút…”.

Cầm chỉ thị trong tay vỏn vẹn vài mươi chữ, bình thường xử lý vài phút, ấy vậy mà lần này đồng chí hồi hộp đến lạ thường; bởi sau bao năm dài chuẩn bị, giờ G đã gần kề và đồng chí là người biết trước giờ G.

Trong tâm trạng đó, đồng chí trực tiếp mã hóa bởi không được giao cho người khác và phải trực tiếp giao cho điện đài.

Mặt khác, đồng chí triển khai ngay cho anh em trong bộ phận theo dõi phản hồi từ các tỉnh.

Bí thư Khu ủy khen “Chú làm tốt lắm…”. Giờ G đã điểm: Khắp nơi báo cáo về: Tiếng súng Tổng tiến công Xuân Mậu thân đã nổ. Và từ năm 1968 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phòng, thống nhất đất nước (30-4-1975), đồng chí Nguyễn Kha đảm nhiệm Trưởng Ban Cơ yếu Tỉnh ủy Mỹ Tho.

Đây là giai đoạn ác liệt trong kháng chiến chống Mỹ và đồng chí là nhân chứng trực tiếp các sự kiện lớn của Tỉnh ủy, Lực lượng vũ trang qua các cuộc họp quan trọng, qua các văn bản chỉ đạo mà cơ yếu mã hóa, truyền đạt…

Tuy tuổi đã cao, đồng chí Nguyễn Kha vẫn tham gia lãnh đạo  Hội Người cao tuổi, Hội Sinh vật cảnh.
Tuy tuổi đã cao, đồng chí Nguyễn Kha vẫn tham gia lãnh đạo Hội Người cao tuổi, Hội Sinh vật cảnh.

Khi thành lập tỉnh Tiền Giang (1976), đồng chí tham gia cấp ủy và  được phân công nhiệm vụ Chánh Văn phòng Tỉnh ủy đầu tiên của Tỉnh ủy Tiền Giang; bởi đồng chí có thời gian dài làm Thư ký cấp ủy, đảm bảo nắm bắt yêu cầu chỉ đạo và đặc biệt là trực tiếp lãnh đạo bộ phận cơ yếu, một công việc trọng yếu trong những năm đầu giải phóng.

Năm 1980, đồng chí được Tỉnh ủy phân công làm Thư ký Công đoàn Tiền Giang, đến năm 1985 đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy, được phân công làm Trưởng Ban Dân vận kiêm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc cho đến khi nghỉ hưu (1997).

Đồng chí Năm Kha chiêm nghiệm, dù công tác trên lĩnh vực nào, bài học đầu tiên là phải đoàn kết nội bộ thật tốt mới hoàn thành nhiệm vụ. Qua thời gian lãnh đạo Công đoàn là minh chứng cho điều đó. Khi nhận nhiệm vụ quá mới mẻ, chưa có kinh nghiệm, song đồng chí cùng Ban Thường vụ Công đoàn xác định đầu tiên phải đoàn kết cùng hướng tới nhiệm vụ trọng tâm.

Và dấu ấn cùa Thư ký Công đoàn Nguyễn Kha đã sớm xây dựng hệ thống tổ chức Công đoàn khắp huyện, thành, thị cùng Công đoàn ngành, thực hiện chức năng đại diện cho quyền lợi chính đáng của cán bộ, công chức, công nhân và người lao động.

Sau khi nghỉ hưu, đồng chí Nguyễn Kha vẫn tham gia lãnh đạo Hội Người cao tuổi, Hội Sinh vật cảnh. Đến tháng 1-2021, đồng chí chính thức nghỉ công tác. Suốt 73 năm tham gia hoạt động, đảng viên Nguyễn Kha luôn xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, của tổ chức, là một chiến sĩ cộng sản kiên trung, sắt son chiến đấu dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng.

Câu chuyện kể về đồng chí Nguyễn Kha, một chiến sĩ, một cán bộ cách mạng, một đảng viên sắp đón nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng đến một công dân bình dị trong cuộc sống đời thường tin rằng sẽ rất thú vị trong dịp mừng Đảng - mừng Xuân Quý Mão 2023… Xin mọi người góp nhặt thêm và cầu chúc cho đảng viên Nguyễn Kha tràn đầy sinh lực!

ĐỨC LẬP

.
.
.