Thứ Tư, 17/04/2024, 14:42 (GMT+7)
.

Bộ Tư pháp và tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu bảng Chỉ số PAR INDEX 2023

Bộ Tư pháp dẫn đầu bảng Chỉ số cải cách hành chính năm 2023, đạt 89,95%; đứng cuối bảng là Bộ Công Thương, đạt 78,03%, thấp hơn 11,92% so với đơn vị dẫn đầu.

b

Một góc thành phố Hạ Long, thành phố bên bờ di sản nhìn từ trên cao. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

Về phía địa phương, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng với kết quả đạt 92,18%; từ năm 2012 đến nay, Quảng Ninh có 6 lần đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính cả nước. Đứng cuối bảng là tỉnh An Giang, đạt 81,32%.

Thông tin trên được Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cho biết tại Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 (PAR INDEX) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, diễn ra sáng 17/4.

Kết quả xếp hạng cho thấy, có 14 bộ, cơ quan ngang bộ đạt Chỉ số cải cách hành chính trên 80%, gồm: Bộ Tư pháp;  Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Tài chính; Bộ Nội vụ; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Có 3 đơn vị là Bộ Y tế, Ngoại giao và Công Thương đạt dưới 80%.

Giá trị trung bình Chỉ số cải cách hành chính của 17 bộ, cơ quan ngang bộ năm 2023 là 84,38%, tăng 0,33% so với năm 2022. Có 10/17 bộ có Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 trên mức giá trị trung bình. Bộ Tư pháp dẫn đầu bảng và Bộ Công Thương đứng cuối bảng xếp hạng. Có 10/17 đơn vị có Chỉ số cải cách hành chính tăng cao hơn so với năm 2022, tăng cao nhất là Bộ Ngoại giao (5,83%). Trong 7 bộ có kết quả Chỉ số cải cách hành chính giảm hơn so với năm 2022, giảm nhiều nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư (5,31%). Một số đơn vị khác có giá trị Chỉ số cải cách hành chính giảm dưới 1%, như: Bộ Tài chính (0,58%); Bộ Xây dựng (0,01%).

Kết quả cải cách hành chính trong năm 2023 các địa phương đạt được là khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Theo đánh giá, Chỉ số cải cách hành chính của các tỉnh, thành phố đã trở lại quỹ đạo tăng trưởng tích cực, giá trị trung bình năm 2023 đạt 86,98%, cao hơn 2,19% so với năm 2022; đây là lần thứ 5 liên tiếp có Chỉ số cải cách hành chính của các địa phương đạt giá trị trung bình trên 80%.

Trong lịch sử đánh giá từ năm 2012 đến nay, năm 2023 là năm đầu tiên cả 63 tỉnh, thành phố đều đạt kết quả Chỉ số cải cách hành chính trên 80%. Cùng với đó, 32/63 địa phương đạt kết quả Chỉ số cải cách hành chính cao hơn mức trung bình của cả nước; 57/63 tỉnh, thành phố có Chỉ số này tăng trưởng cao hơn so với năm 2022, với tỉnh tăng cao nhất là 9,39%, tăng thấp nhất là 0,03%. Tuy nhiên, có 6 địa phương cho kết quả giảm nhưng mức giảm không đáng kể, trong đó tỉnh giảm nhiều nhất là 2,91%, và tỉnh giảm ít nhất là 0,51%.

Kết quả xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 các tỉnh, thành phố được phân theo 2 nhóm: Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số từ 90% trở lên, có 7 tỉnh, thành phố. Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số từ 80% đến dưới 90%, có 56 tỉnh, thành phố.

Theo đánh giá, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính với kết quả đạt 92,18%; từ năm 2012 đến nay, Quảng Ninh có 6 lần đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính cả nước. Xếp vị trí thứ 2 là thành phố Hải Phòng, đạt 91,87% và là năm thứ 4 liên tiếp, Hải Phòng đạt kết quả Chỉ số trên 90%. Một số địa phương khác cũng đã thể hiện sự tiến bộ vượt trội và đạt kết quả rất tích cực trong công tác cải cách hành chính, như: Hà Nội, đạt 91,43%, xếp thứ 3; Bắc Giang đạt 91,16%, xếp thứ 4 và Bà Rịa - Vũng Tàu, đạt 91,03%, xếp thứ 5.

Đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 là tỉnh An Giang, đạt 81,32%. Qua đánh giá, năm 2023 tỉnh An Giang đã có nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, một số nội dung cho kết quả khá tích cực như cải cách thể chế, sắp xếp tổ chức bộ máy, nhưng một số nội dung cải cách còn bộc lộ nhiều hạn chế, như: Chậm công bố, công khai thủ tục hành chính; kỷ luật, kỷ cương hành chính một số nơi chưa nghiêm; còn khá nhiều nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2023 nhưng tỉnh An Giang chưa hoàn thành hoặc hoàn thành muộn so với quy định,...

Ngoài ra, một số địa phương khác cũng có kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 khá thấp là Sóc Trăng, đạt 81,70%, xếp thứ 62/63; Bình Thuận đạt 81,87%, xếp vị trí thứ 61/63.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, năm 2023, với phương châm "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả", Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Với sự vào cuộc mạnh mẽ, nỗ lực, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương, công tác cải cách hành chính đã có những chuyển biến tích cực và đạt được kết quả khá toàn diện, tiếp tục đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân theo chủ trương, đường lối của Đảng.

Năm 2023 là năm thứ 12 liên tiếp, Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan triển khai xác định, công bố Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh; là năm thứ 7 triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Quá trình triển khai nghiêm túc, khoa học, dân chủ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Nội vụ và các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức triển khai điều tra xã hội học, quy mô lớn với gần 90.000 mẫu, để lấy ý kiến đánh giá của công chức, người dân về kết quả cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh; đồng thời, để đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Theo Báo Tin Tức (TTXVN)

.
.
.