Thứ Hai, 08/04/2024, 08:50 (GMT+7)
.
ĐẠI BIỂU HĐND TỈNH TIỀN GIANG: BÁM SÁT "HƠI THỞ" CUỘC SỐNG

BÀI 2: Quyết định nhiều vấn đề quan trọng

BÀI 1: Lắng nghe tiếng nói từ nhân dân

Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, Thường trực HĐND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức thành công 8 kỳ họp (gồm 5 kỳ họp thường lệ và 3 kỳ họp chuyên đề), với 152 nghị quyết được ban hành. Kết quả này có được là nhờ sự đổi mới trong hoạt động của HĐND từ công tác chuẩn bị, nâng cao chất lượng thẩm tra cho đến việc tăng tính phản biện của đại biểu tại các phiên họp, kỳ họp...

LINH HOẠT, ĐỔI MỚI

Ngay sau khi cuộc bầu cử thành công, HĐND tỉnh Tiền Giang đã tiến hành kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, đảm bảo tính liên tục, kế thừa và phát triển. Theo đó, HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 có 61 đại biểu; trong đó, có 8 đại biểu chuyên trách và 53 đại biểu kiêm nhiệm. Với bộ máy được kiện toàn, các kỳ họp HĐND tỉnh đã có nhiều cải tiến, đổi mới.

Thực tế qua các kỳ họp cho thấy, nội dung trình tại các kỳ họp được chuẩn bị với tinh thần chủ động, từ xa, kỹ lưỡng. Đối với việc thẩm tra các báo cáo, tờ trình, các Ban của HĐND tỉnh đã chủ động tiếp cận tài liệu, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh ngay từ khâu xây dựng, thẩm định; tham gia các cuộc họp của cấp ủy, phiên họp của UBND cùng cấp khi bàn về nội dung trình tại kỳ họp HĐND tỉnh.

HĐND tỉnh nhanh chóng kiện toàn bộ máy tại các kỳ họp.
HĐND tỉnh Tiền Giang nhanh chóng kiện toàn bộ máy tại các kỳ họp.

Đặc biệt, từ khi thực hiện Nghị quyết 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngoài việc tổ chức để các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh còn yêu cầu các Tổ đại biểu HĐND tỉnh tổ chức cho đại biểu thảo luận trước. Bên cạnh đó, các đại biểu tiếp cận tài liệu trên tài khoản điện tử trước khi diễn ra kỳ họp đã tạo điều kiện thuận lợi cho đại biểu chủ động nghiên cứu các báo cáo, tờ trình. Từ đó việc thảo luận, giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn cũng rõ ràng, mạch lạc, đúng trọng tâm những vấn đề còn vướng, còn gây bức xúc trong nhân dân…

Đánh giá về hoạt động của HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh khẳng định: Những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua của tỉnh có vai trò đóng góp đặc biệt quan trọng của HĐND các cấp. HĐND đã quyết định nhiều chủ trương, đề xuất giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; quyết định cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; đảm bảo quốc phòng - an ninh và an sinh xã hội. Các hoạt động của HĐND được triển khai ngày càng khoa học, hiệu quả; hiệu lực trong hoạt động giám sát được nâng lên và qua giám sát đã có nhiều vấn đề bất cập được giải quyết triệt để…

Đáng chú ý, trong quá trình khảo sát, thẩm tra, đối với các nội dung còn có ý kiến khác nhau mà cơ quan trình chưa chuẩn bị kỹ hoặc thiếu tính khả thi đều không được thông qua tại kỳ họp. Có thể kể đến như: Tại Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh khóa X, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập và cơ sở giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm học 2023 - 2024.

Tuy nhiên, theo các đại biểu HĐND tỉnh, vào thời điểm này nếu ban hành nghị quyết quy định học phí năm học 2023 - 2024 là chưa phù hợp bởi Nghị quyết này liên quan đến Nghị định 81/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (gọi tắt là Nghị định 81) đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu Chính phủ sửa đổi. Vì vậy, đại biểu cho rằng nên chờ Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 81, do Chính phủ đang sửa theo hướng hỗ trợ cho người dân, bớt gánh nặng về vấn đề đóng học phí cho con em trong giai đoạn còn chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19.

Đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết tại các kỳ họp HĐND tỉnh.
Đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết tại các kỳ họp HĐND tỉnh.

Tương tự Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ công chức, viên chức và nhân viên ngành Y tế tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2024 - 2026 cũng là một nghị quyết được đại biểu, các ban của HĐND tỉnh xem xét đánh giá thận trọng và có nhiều ý kiến với UBND tỉnh nhằm đảm bảo tính khả thi mới thông qua tại kỳ họp HĐND tỉnh. Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh thẩm tra dự thảo nghị quyết này và cho rằng, nội dung đối tượng được hưởng chính sách từ nghị quyết chưa phù hợp.

Cụ thể, cơ sở để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết là do từ năm 2020 đến giữa năm 2023 có 256 người công tác ngành Y nghỉ việc (55 bác sĩ, 33 dược sĩ, 37 y sĩ, 46 điều dưỡng, 85 nhân viên khác). Nhưng số lượng “nhân viên khác” không được đưa vào đối tượng hỗ trợ, trong khi một số vị trí việc làm không có trong 256 người nghỉ việc thì lại được đưa vào chính sách hỗ trợ? Từ ý kiến của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh, UBND tỉnh thống nhất với đề nghị của đại biểu HĐND tỉnh xem xét, bổ sung các đối tượng. Theo đó, Nghị quyết này đã được thông qua và bổ sung mức hỗ trợ cho đối tượng: Hộ lý, dân số viên, công tác hành chính văn phòng, công nghệ thông tin, kế toán, văn thư là 500.000 đồng/người/tháng.

Đây là vấn đề nhân viên ngành Y tế cơ sở luôn mong mỏi nhiều năm qua, nhờ sự vào cuộc có trách nhiệm của đại biểu HĐND đã tạo thêm động lực, khuyến khích nhân viên ngành Y tế gắn bó với nghề.

Thực tiễn cho thấy, trước mỗi kỳ họp thường lệ hằng năm, các Ban của HĐND tỉnh đều dành nhiều thời gian làm việc với các sở, ngành, cơ quan tham mưu trực tiếp cho UBND tỉnh về các tờ trình kèm dự thảo nghị quyết. Trong nhiều buổi làm việc Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Đình Thông đều khẳng định: Sự phối hợp giữa các Ban của HĐND tỉnh với Sở KH-ĐT nói riêng và các sở, ngành thuộc UBND tỉnh nói chung rất chặt chẽ ngay từ giai đoạn xây dựng dự thảo nghị quyết. Chính vì vậy, với mỗi nội dung trình tại kỳ họp HĐND tỉnh đều nhận được sự đồng thuận cao của các đại biểu và khi triển khai thực hiện cũng thuận lợi, hiệu quả hơn...

QUYẾT ĐỊNH NHIỀU VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG CỦA TỈNH

Tại nhiều kỳ họp HĐND tỉnh Tiền Giang từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Văn Bình khẳng định, từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, HĐND các cấp trong tỉnh đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động; chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động được nâng lên; phát huy tốt vị trí, vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Đặc biệt, các nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành đều đảm bảo chất lượng, đúng quy định của pháp luật, sát nhu cầu thực tiễn.

Theo đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh ban hành 152 nghị quyết, trong đó có 59 nghị quyết quy phạm pháp luật. Hiệu lực của nghị quyết luôn được xác định cụ thể, rõ ràng về không gian, thời gian và đối tượng thi hành; nghị quyết sau khi ban hành được gửi để báo cáo các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương có liên quan, đăng Công báo của tỉnh, đưa tin trên báo địa phương và tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân thông qua công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND sau mỗi kỳ họp; UBND tỉnh và các sở, ngành kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các nghị quyết do HĐND tỉnh đã ban hành.

Đại biểu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin tại các kỳ họp.
Đại biểu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin tại các kỳ họp.

Hoạt động giám sát của HĐND tỉnh, Thường trực, các Ban và đại biểu HĐND tỉnh Tiền Giang đa dạng về hình thức, phương pháp giám sát phù hợp với từng nội dung chuyên đề, chú trọng về chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các vấn đề đang bức xúc. Đặc biệt là giám sát thông qua việc giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn với nhiều kết quả tích cực.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đại biểu HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh và thủ trưởng các sở, ngành liên quan giải trình 31 vấn đề (trong đó giải trình trực tiếp và chất vấn tại kỳ họp là 21 vấn đề); có thể kể đến một số vấn đề nổi bật nhân dân quan tâm như: Về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; về thực hiện quy hoạch sử dụng đất, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng quy định tại các địa phương; việc thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ thất nghiệp thành thị và chỉ tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo trong năm 2023; tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh; về giải pháp phát triển nông nghiệp; về xử lý vi phạm hành chính; về tiến độ thu hồi 11 căn nhà công vụ trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường 1, TP. Mỹ Tho)…

Hoạt động chất vấn, giải trình tại kỳ họp đã góp phần làm rõ được những hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục những vấn đề mà đại biểu đặt ra. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành có những giải pháp tích cực trong việc thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện các lời hứa tại kỳ họp gần nhất để đại biểu HĐND tỉnh và cử tri theo dõi, giám sát. Công tác tiếp công dân, hướng dẫn, tiếp nhận và xem xét, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được Thường trực HĐND tỉnh quan tâm thực hiện; thường xuyên theo dõi kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng đối với đơn khiếu nại, tố cáo của công dân và kịp thời phúc đáp cho công dân theo luật định…

THU HOÀI

(Còn tiếp)

.
.
.