.

Đôi điều bàn luận về văn hóa điện thoại di động

Cập nhật: 13:12, 31/05/2013 (GMT+7)

Với giá cả thượng vàng hạ cám, ai cũng có thể sở hữu được một chiếc điện thoại cầm tay. Điện thoại di động thật sự là một phương tiện thiết thực cho cuộc sống, kể cả đối với những người không thật sự có nhu cầu cũng sắm lấy cho mình dù chỉ để làm dáng!

Ảnh: Lê Duy
Minh họa: Lê Duy

Điện thoại di động ra đời đã nhanh chóng đẩy mạng viễn thông có dây lùi vào… quá khứ và tem thư cũng phải ngất ngư. Cần bày tỏ với một người ở xa, chỉ cần “a lô” là xong, chứ công đâu mà viết viết, gởi gởi!

Đi đâu cũng thấy người ta xài điện thoại di động, bất cứ giờ giấc nào, ở đâu cũng có người “a lô”, có khi chỉ để nói những câu vu vơ, những điều thật sự không cần thiết.

Ngoài thói quen lớn tiếng, một số người còn cố tình hét lên để mọi người chung quanh biết rằng ta đây… cũng có điện thoại, có khi ngụ ý muốn người khác tưởng ta đây là nhân vật quan trọng.

Những lời lẽ đao to búa lớn để khoe các phi vụ làm ăn, những giao dịch bạc tỉ. “Bốc phét” đến nỗi người khác vô tình nghe được cũng phải ngượng giùm. Cộng thêm một số cuộc gọi “bông lơn” giữa bạn bè với nhau một cách vô bổ chỉ để làm giàu thêm cho các nhà mạng.

Cách sử dụng điện thoại cũng có nhiều điều đáng nói, từ khẩu hình đến cách biểu cảm trên khuôn mặt, từ điệu bộ cơ thể đến thái độ, cử chỉ, ngôn ngữ… Dù không phải thầy tướng số, cũng dễ dàng đoán được cá tính của người đang nói chuyện điện thoại di động như thế nào!

Người ta còn có thể đoán được phần nào trình độ văn hóa, thân thế, tính tình và cả sự giàu nghèo của người sử dụng điện thoại. Nhưng trên hết là trình độ văn hóa ứng xử của người nói chuyện điện thoại với người đồng thoại và với những người chung quanh.

Vậy đâu là “văn hóa điện thoại di động”?

Trước hết là phải lịch sự: Trong cuộc họp, trong lớp học, tốt hơn là tắt nguồn hay để chế độ im lặng. Với những buổi tiếp khách, hay họp mặt chỉ phạm vi trong một bàn ngồi mà có người gọi thì nên “xin lỗi” mọi người trước khi rời bàn để nghe; thời gian nói cũng không được kéo dài để mọi người phải chờ đợi mà đâm ra bực mình. Tuyệt đối không được ngồi tréo ngoải tại chỗ mà lớn tiếng hay có những lời lẽ “bề trên” với người bên kia máy.

Khi trò chuyện, nên áp điện thoại sát vào tai và nói vừa đủ nghe; hãy bỏ thói quen mở loa lớn, cầm điện thoại trước mặt (như coi báo) rồi “la làng” lên, làm giọng ta đây với người bên kia máy. Lối nói chuyện nầy trông mất lịch sự, gây mất thiện cảm với người xung quanh!

Dù câu chuyện có bực mình thế mấy, trước nhiều người cũng nên giữ thái độ ôn hòa, không chửi thề, văng tục, hăm he. Ngược lại cũng không nên có những lời âu yếm, ngọt nào quá mức khiến người xung quanh phải “mắc cỡ giùm”!

Khi nói chuyện, dù một mình, cũng không được đi tới đi lui, múa tay múa chân; điều nầy sẽ tạo thói quen không tốt ở những chỗ đông người!

Về tín hiệu, cũng không nên chọn những tín hiệu quá cầu kỳ, hoặc chẳng giống ai như: “Anh ơi! điện thoại nè!”, hoặc những câu vè không có chút văn hóa, hay một trận cười ngoắt ngoéo, làm người nghe phải giật mình tưởng đâu ma quỷ tới!

Trên xe buýt, xe đò, nếu thấy người kế bên đang nói điện thoại thì hãy đợi cho người ta nói xong hãy tới lượt mình. Nếu bạn có điện thoại loại đắt tiền hơn, thì càng nên tránh.

Trong siêu thị, bưu điện,... thấy người kế bên nghe điện thoại trong lúc điện thoại mình reo, thì nên chịu khó bước xa một chút mà nghe.

Trừ trường hợp quá khẩn thiết, không nên gọi điện thoại hay nhắn tin vào giờ mà mọi người cần sự nghỉ ngơi và khi trò chuyện, dù bất cứ lúc nào, thời gian cũng không nên kéo dài quá.

Hành động “nhá máy” để đối tượng gọi lại cho mình là chuyện không nên làm! Nếu trường hợp quá cấp bách mà tài khoản cùa bạn thật sự đã hết, thì trước khi trao đổi, bạn nên mở lời xin lỗi và nêu lý do tại sao mình “nhá máy”.

Mục đích của điện thoại là để liên lạc, nói chuyện với nhau khi cần thiết; thì cũng nên sắm một chiếc điện thoại cho vừa túi tiền; không nên chạy tiền hay nhịn ăn nhịn uống mà sắm một chiếc điện thoại gấp mấy tháng lương của mình. Điều nầy không làm cho giá trị mình được nhân lên mà trái lại, tự phô bày không thật của chính mình! 

Với các học sinh, tức mỗi sáng còn phải xin tiền cha mẹ, mà lại xài điện thoại đắt tiền, chỉ làm trò cười cho thiên hạ; còn với những “thiếu gia”, khác nào bảo cho mọi người biết rằng mình là kẻ phá gia chi tử!

Cuối cùng, văn hóa điện thoại không chỉ dành riêng cho người sử dụng, mà cả nhà mạng cũng có nhiều việc cần nói: Nhà mạng , dù là nhắn tin khuyến mãi đi nữa thì cũng nên tránh vào những giờ nghỉ ngơi. Lại còn mất văn hóa hơn là vào những giờ nầy lại nhắn những tin tào lao: “ Có người bạn thân tặng bạn bài hát……”,  “Ảnh cực hot….”, “Số điện thoại của bạn rất may mắn…”, “ Cái tên nói lên số mạng…”, “Bảo đảm chính xác 90%, chiều nay đài… sẽ ra xổ số đầu là…” v…v. Thật là những tin nhắn tầm phào, không một chút lịch sự, thậm chí có cả ý đồ lường gạt!

Mới hay, dù là chuyện nhỏ xíu như… cái điện thoại cũng cần phải có văn hóa!

KHA TIỆM LY

.
.
.