Chủ Nhật, 30/04/2017, 17:07 (GMT+7)
.
"Xốc" vào nông nghiệp

Bài 2: Hiệu quả từ các chính sách?

Bài 1: Cách làm cũ - kịch bản cũ
Bài 2: Hiệu quả từ các chính sách?
Bài 3: "Bài toán" nông nghiệp công nghệ cao
Bài cuối: Nhìn lại để đi tới

Hàng loạt các chính sách khuyến khích sản xuất, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp (NN) đã và đang được triển khai thực hiện nhưng hiệu quả đạt được như thế nào?

1. Cần phải khẳng định rằng, hiện tại có rất nhiều chính sách liên quan đến sản xuất và đầu tư vào lĩnh vực NN cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng đã, đang được triển khai và dần phát huy hiệu quả. Theo đó, những năm gần đây, ngành NN đã triển khai, vận dụng có hiệu quả các chính sách của Trung ương như: Chính sách hỗ trợ sản xuất NN tốt trong NN, lâm nghiệp, thủy sản; khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào NN, nông thôn; chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong NN; hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 - 2020; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng “Cánh đồng lớn”.

Sự hợp tác, liên kết giữa DN với các nhà khoa học và nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất còn ít và chưa chặt chẽ.
Sự hợp tác, liên kết giữa DN với các nhà khoa học và nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất còn ít và chưa chặt chẽ.

Kiểm chứng kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong NN theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg từ các tổ chức tín dụng cho thấy, hiện có 407 lượt khách hàng vay vốn (hộ gia đình chiếm trên 97% dư nợ cho vay, còn lại là các hợp tác xã và DN) để mua máy làm đất, san phẳng đồng ruộng, gieo cấy, trồng, chăm sóc, thu hoạch với tổng số tiền vay 79,8 tỷ đồng, số tiền lãi được hỗ trợ lãi suất trên 5,7 tỷ đồng. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), chính sách hỗ trợ này bước đầu đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của sản xuất NN và nhận được sự đồng tình cao của nông dân, từ đó đã tạo bước tăng trưởng nhanh về cơ giới hóa sản xuất NN, nhất là trong canh tác và thu hoạch lúa. Cụ thể, tổn thất trong khâu gặt đã giảm từ 5 - 6% xuống còn 2% (do không phải thu gom, vận chuyển, tuốt đập riêng lẻ). Chính sách hỗ trợ cơ giới hóa NN cũng đã thúc đẩy người dân mạnh dạn đầu tư mua sắm máy, thiết bị phát triển sản xuất, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản, nâng cấp công nghệ thiết bị; đồng thời tạo điều kiện khuyến khích, thúc đẩy các cơ sở cơ khí chế tạo máy NN trong tỉnh đầu tư chiều sâu, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng máy móc thiết bị như cơ sở: Tư Sang, Quang Tân Trường, Mười Thuận, Đức Thịnh...

Nếu nhìn vào chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất NN tốt theo Quyết định 01/2012/QĐ-TTg được triển khai trên địa bàn tỉnh, đến nay đã có 257 ha rau tại 7 huyện, thị được hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, gói tín dụng này đã hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất VietGAP trên 55,5 ha vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, 60 ha khóm Tân Lập, 16,6 ha chôm chôm Tân Phong, 15,6 ha nhãn Nhị Quý, 8,8 ha sơ ri Gò Công và 24 ha thanh long Chợ Gạo, 21 ha sầu riêng; 34,78 ha cá tra; hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông sản an toàn trên mãng cầu Xiêm, bưởi da xanh, chăn nuôi heo, nuôi cá rô phi. Riêng chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng “Cánh đồng lớn” theo Quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25-10-2016, kết quả đến nay đã có 23 mô hình “Cánh đồng lớn” được xây dựng tại 23 xã trên địa bàn các huyện, thị với tổng diện tích trên 12.716 ha, diện tích thực hiện thành công theo hợp đồng 7.528 ha, đạt 59%...

2. Mặc dù có nhiều chính sách liên quan đến lĩnh vực NN đã được triển khai nhưng dường như vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của ngành NN. Nếu nhìn ở khía cạnh khác, mặc dù có thế mạnh về NN nhưng đầu tư của DN vào NN, nông thôn còn rất hạn chế, thiếu ổn định và chưa tương xứng với tiềm năng cũng như nhu cầu phát triển của ngành. Theo thống kê sơ bộ của Bộ NN&PTNT, nguồn vốn đầu tư cho NN ước tính chỉ chiếm khoảng 6% tổng vốn đầu tư của cả nền kinh tế. Tỷ trọng DN đầu tư vào sản xuất NN chưa tới 1% trong tổng số DN của cả nước và đa phần có quy mô vốn nhỏ (số DN có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm tới 55%). Bên cạnh những DN đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, còn nhiều DN chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, chưa ứng dụng khoa học - công nghệ hoặc đầu tư thiết bị hiện đại, chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng. Sự hợp tác, liên kết giữa DN với các nhà khoa học và nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất còn ít và chưa chặt chẽ, dẫn đến chi phí cao, khả năng cạnh tranh thấp; chuỗi giá trị ngành hàng bị cắt đoạn, hiệu quả thấp. Tại hội thảo liên quan đến sản xuất NN gần đây, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NN, nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, khó khăn chủ yếu được DN đề cập đến là đất đai, tín dụng, bảo hiểm và khoa học - công nghệ. Theo đó, có đến hơn 65% DN kêu khó khăn về đất, 70% khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, 77% cho rằng khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ công nghệ mới... Các vấn đề về thuế, thương mại, dịch vụ công cũng có khó khăn nhưng mức độ ít hơn. Còn theo báo cáo thường niên DN Việt Nam các năm gần đây cho thấy, tuy khu vực NN chiếm khoảng 20% GDP quốc gia nhưng số lượng DN chỉ chiếm 0,96% (trong đó chỉ có 3% DN FDI nông nghiệp). Tổng vốn đầu tư cho NN cũng chiếm tỷ lệ rất thấp, khoảng 1% và lao động chiếm 2,3%. Đây là một trong những hệ quả của việc chưa có được hệ thống chính sách phù hợp, đáp ứng đòi hỏi kích cầu đầu tư cho NN trong giai đoạn mới.

Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù đã có nhiều nỗ lực để giải quyết câu chuyện đầu tư vào sản xuất NN nhưng vẫn còn một số vướng mắc. Thực tế cho thấy, hiện nay DN đã tham gia vào NN nhiều hơn nhưng cần có thời gian để hình thành chuỗi. Còn đối với những người làm ra sản phẩm NN cũng cần thay đổi tư duy nhằm tiến đến sản xuất quy mô lớn hơn, hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất. Tuy nhiên, thực tiễn có thể thấy rằng, hỗ trợ cho nông dân hiện nay dường như vẫn chưa tạo được hiệu quả mang tính đòn bẩy. Kế tiếp là việc cung cấp thông tin giữa bên mua với bên bán vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy, Nhà nước cần đóng vai trò “bà đỡ” cung cấp thông tin dịch vụ công, phân tích thị trường, cung cấp dịch vụ quản lý chất lượng để nông dân và DN yên tâm hợp tác...

PHƯƠNG ANH
(Còn tiếp)

Đáp ứng nguồn vốn theo nhu cầu

Ông Phạm Công Danh, Phó Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) Chi nhánh Tiền Giang cho biết, hiện tại chi nhánh thực hiện cho vay phục vụ NN, nông dân, nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ. Tính đến ngày 31-3, dư nợ cho vay liên quan đến NN chiếm trên 94% trên tổng dư nợ của chi nhánh, tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 0,27% trên tổng dư nợ. Cũng theo ông Danh, riêng chương trình cho vay NN sạch, chi nhánh đã triển khai gói tín dụng này đến các chi nhánh huyện, thị, thành. Tiếp đó, các chi nhánh sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan xác định tiêu chí NN sạch để làm căn cứ hướng dẫn cho người dân có nhu cầu vay vốn với lãi suất cho vay ưu đãi hơn. Chương trình cho vay này bao gồm 3 khâu: Thu mua, chế biến và tiêu thụ. Nếu khách hàng vay vốn tham gia cả 3 khâu thì được giảm 1,5% so với lãi suất cho vay bình thường, tham gia 2 khâu được giảm 1% và tham gia 1 khâu được giảm 0,5%. Agribank Chi nhánh Tiền Giang cũng đã chủ động phối hợp với các sở, ngành để tìm những dự án có liên quan nhằm hỗ trợ và triển khai thực hiện nguồn vốn ưu đãi.

 

.
.
.