.

Thay đổi chính sách để đón "sóng startup"

Cập nhật: 21:48, 08/03/2018 (GMT+7)

Sự quan tâm của xã hội, đặc biệt từ phía hoạt động quản lý nhà nước đối với startup đang ngày càng rõ nét...

a
Việt Nam đã và đang nỗ lực trong việc kiến tạo một hệ thống chính sách phù hợp và thúc đẩy startup "nội địa" phát triển

Bức tranh toàn cảnh về khởi nghiệp sáng tạo (startup) Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều điểm sáng tích cực và đầy lạc quan.
Startup đã và đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và tư duy kinh doanh theo một hướng mới: đổi mới hơn, sáng tạo hơn.
Hướng đến một môi trường kinh doanh thông thoáng và dễ dàng khởi nghiệp, các điều kiện kinh doanh liên tục được cắt giảm và đề xuất cắt giảm, các cơ chế hỗ trợ và hàng loạt cải tiến trong thủ tục hành chính cũng được các cơ quan nhà nước liên tục thực hiện, hưởng ứng thông điệp của Chính phủ: Chính phủ kiến tạo - Chính phủ hỗ trợ - Chính phủ hành động.

Rào cản nào còn tồn tại?
Môi trường chính sách dành cho startup Việt đang có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để có thể tác động mạnh mẽ đến tốc độ phát triển và trở thành môi trường thu hút đầu tư quốc tế vào startup Việt thì vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Từ góc độ startup, các rào cản chính sách cơ bản có thể được chia thành 3 nhóm như sau:

Nhóm 1, rào cản liên quan trực tiếp đến điều kiện kinh doanh
Hiện tại, Việt Nam có tổng cộng 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện - đồng nghĩa với hàng ngàn điều kiện kinh doanh - cho doanh nghiệp nói chung và startup nói riêng. Bài toán giấy phép vẫn còn là bài toán khó cho các startup hiện nay khi tiềm lực và thời gian để đáp ứng là cực kỳ hạn chế.
Không ít startup chưa kịp có được chấp thuận cần thiết thì mô hình kinh doanh đã được thay thế bằng mô hình khác (kèm theo các điều kiện kinh doanh mới).

Nguy hiểm hơn, để có điều kiện thử nghiệm thị trường và chớp lấy cơ hội đầu tư, nhiều startup sẵn sàng chấp nhận rủi ro kể cả về hành chính, hình sự bằng việc tiếp tục kinh doanh những mô hình chưa cấp phép.

Ngoài ra, cũng cần đề cập đến các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh mới – nói chính xác hơn là mô hình kinh doanh nằm ở "vùng xám" pháp luật (Grey Area). Cơ chế tiếp nhận hoặc hướng dẫn từ cơ quan nhà nước đối với những mô hình này vẫn chưa thật sự chủ động và có cơ chế giải quyết dứt điểm.
Câu chuyện về Grab, Uber là các ví dụ điển hình trong thời gian qua. Vấn đề giải quyết xung đột giữa lợi ích nhà nước và lợi ích xã hội dưới tác động của startup cũng là vấn đề phức tạp hiện nay.

Nhóm 2, rào cản về việc đầu tư vào startup...
Một điểm dễ dàng nhận thấy, đa số các thương vụ đầu tư lớn vào Startup đều xuất phát từ nguồn vốn nước ngoài. Tuy nhiên, thủ tục đầu tư còn kéo dài, đặc biệt trở nên phức tạp khi liên quan đến các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Sự hạn chế này khiến Việt Nam vẫn chưa thể trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài. Và cũng từ đây, làn sóng startup nhận vốn dịch chuyển ra nước ngoài trở nên phổ biến.
Khác với các doanh nghiệp khác, hình thức đầu tư vào startup đã biến thể thành nhiều hình thức linh hoạt như: vay chuyển đổi, gọi vốn cộng đồng (Crowfunding), phát hành tiền điện tử (Initial Coin Offering - ICO)...
Bên cạnh đó, quy định về quỹ đầu tư mạo hiểm vẫn chưa chính thức được thông qua. Vì vậy, nếu đánh giá khách quan, Việt Nam vẫn chưa thực sự đa dạng hóa hành lang pháp lý dành cho việc đầu tư vào startup.

Nhóm 3, rào cản về vấn đề ưu đãi và hỗ trợ cho startup
Mặc dù đã được chính thức quy định trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, tuy nhiên các cơ chế hỗ trợ về vốn, về ưu đãi thuế và các ưu đãi khác dành cho startup vẫn chưa thật sự rõ nét.
Thiết lập cơ chế ưu đãi là cần thiết, tuy nhiên làm thế nào để ưu đãi đó có khả năng áp dụng cho startup mới là điều quan trọng hơn cả.

Để đón sóng startup
Tình trạng "chảy máu startup" hoàn toàn có thể xảy ra khi startup hoàn toàn có thể lựa chọn chính phủ, "quốc tịch" và nơi mong muốn hoạt động.
Những startup có định giá hàng tỷ đô la và tác động mạnh mẽ đến tình hình kinh tế thế giới như Uber, WeWork Xiaomi, Airbnb... đang dần trở thành một phần của biểu đồ liệt kê chỉ số sức mạnh quốc gia.

Chính vì vậy, Việt Nam cũng như các quốc gia đã và đang nỗ lực trong việc kiến tạo một hệ thống chính sách phù hợp và thúc đẩy startup "nội địa" phát triển.
Quá trình thay đổi cần được tập trung vào các khâu sau:
Đơn giản hóa: Cần đơn giản hóa các thủ tục, quy trình, điều kiện kinh doanh nói chung và đối với startup nói riêng.

Tính an toàn: Đối với các mô hình kinh doanh mới hoặc những vấn đề chưa có quy định cụ thể, cần tạo cơ chế để startup có khả năng tiếp tục phát triển hoạt động kinh doanh của mình, hạn chế việc kéo dài thời gian, cản trở việc thực thi ý tưởng.
Ưu đãi và hỗ trợ đặc thù: Startup có thể chỉ phát triển toàn diện khi có một hệ sinh thái hỗ trợ đầy đủ và chính sách ưu đãi phù hợp.

Cân bằng lợi ích: Mức độ thay đổi chính sách cho startup của mỗi quốc gia sẽ phụ thuộc rất lớn vào tổng lợi ích của quốc gia đó nhận được từ sự thay đổi này.

Thay đổi chính sách để đón đầu làn sóng startup đang ngày càng phát triển là một hướng đi đúng đắn, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Với sự thay đổi tích cực không ngừng về chính sách, chúng ta hoàn toàn có quyền tin tưởng về sự phát triển đột phá của startup Việt Nam trong thời gian tới trên toàn cảnh bức tranh kinh tế thế giới.

Theo enternews.vn
 

.
.
.