Chuyện 1200 tân giáo sư, phó giáo sư vẫn "sốt"
Con số kỷ lục tân Giáo sư, Phó giáo sư (GS, PGS) được công nhận năm 2017 là 1.200 người không chỉ khiến chính những người đã từng nhiều năm đảm trách công việc chuyên môn tại Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) phải giật mình, mà nó còn như “thỏi nam châm” thu hút nhiều sự chú ý của giới báo chí và công chúng.
Đến chiều 27/2 vừa qua, HĐCDGSNN đã tổ chức phiên họp báo cáo kết quả rà soát chức danh GS, PGS năm 2017 theo chỉ đạo của Thủ tướng và đã thống nhất để lại 129 hồ sơ GS, PGS của một số ngành. Việc này càng cho thấy nó không thể lắng dịu trong một sớm một chiều. Bởi lẽ:
Một là: Việc xét duyệt GS được cho là “đúng quy trình”!
Trước sự hoài nghi của dư luận về quy trình, chất lượng của “chuyến tàu vét” này, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm - Chủ tịch HĐCDGS ngành Ngôn ngữ học đặt câu hỏi: “Qua ba cấp hội đồng chức danh giáo sư (Cơ sở, Ngành và Nhà nước), tổng số ứng viên đạt tiêu chuẩn là 1.226/1.537 người (đạt 79,76%); trong đó số ứng viên giáo sư đạt tiêu chuẩn là 85/151 người (đạt 56,29%), số ứng viên phó giáo sư đạt tiêu chuẩn là 1.141/1.386 người (đạt 82,32%). Với mức độ sàng lọc như thế, căn cứ vào đâu để nói rằng các hội đồng làm việc không nghiêm túc?”
Theo như lời GS.TSKH Trần Ngọc Thêm thì khâu xét duyệt rất chặt, rất nghiêm túc và đúng quy trình. Nhưng xin thưa vị GS đáng kính, bấy lâu nay dư luận, công chúng đã hiểu quá rõ cái gọi là “đúng quy trình” trong mọi vấn đề rồi.
Hai là: Xét GS để làm chính trị?
Hiện có đến hơn 50% GS, TS tập trung ở khu vực quản lý, hành chính nhà nước. Nên chuyện phong hàm GS “bỗng dưng” lại tăng “đột biến”, khiến cho chúng ta phải nhắc tới độ “vênh” nhau, chí ít là ở mặt số lượng của bộ phận làm công tác quản lý và nghiên cứu, giảng dạy trong thời gian qua.
Đội ngũ cán bộ công chức có trình độ GS, TS làm công tác quản lý hành chính nhà nước chiếm số lượng lớn âu cũng xuất phát từ tư tưởng “sĩ” của người Việt trong mọi thành phần, tầng lớp, tổ chức, cơ quan. Trái khoáy ở chỗ, mặc dù nhiều GS, TS làm quản lý, nhưng chất lượng cán bộ, công chức vẫn bị người dân phàn nàn, không hài lòng với thái độ phục vụ là điều bất cập.
Sự bất cập này phản ánh bức tranh chung của ngành giáo dục lẫn nền công vụ có mối quan hệ biện chứng, tương hỗ lẫn nhau, theo cái kiểu “có cầu ắt có cung”. Đó là chúng ta đang xây dựng đội ngũ trí thức không vì mục tiêu sáng tạo, nghiên cứu khoa học, mà phục vụ cho nhu cầu chính trị.
Hệ quả là, nơi cần hàm lượng khoa học và kỹ thuật cao đều do nước ngoài thi công; Người nông dân phải “bất đắc dĩ” chân đất tay bùn làm khoa học; Ngành công nghiệp trong nước vẫn chưa thể phát triển.
Ba là: “Trả lại” giá trị cốt lõi của hàm GS
Thực tế, GS thường gắn với nghiệp giảng dạy, làm nghiên cứu khoa học, hoặc những người vừa giảng dạy vừa nghiên cứu khoa học, hoặc bệnh viện. Và giá trị cốt lõi của GS là ở đào tạo, nghiên cứu và phát minh, thể hiện ở việc đào tạo ra những thế hệ các nhà nghiên cứu tài năng..v..v.
Có khá nhiều quan điểm cho là: “Hãy trả lại công việc xét và công nhận GS, PGS cho các trường, Viện nghiên cứu. Họ sẽ chịu trách nhiệm xét, bổ nhiệm và trả lương cho các GS, PGS mà họ thấy xứng đáng. HĐCSGSNN chỉ cần ra tiêu chuẩn chức danh là đủ, không cần phải “thò tay” vào công việc này”.
Nghĩa là, hãy “trả lại” giá trị cốt lõi của cái hàm GS mà bấy lâu nay không ít người “đánh cắp” hàm này phục vụ cho mưu cầu, lợi ích khác. Cũng như việc cân nhắc để cho các Trường, Viện tự chủ vấn đề này.
Những vấn đề trên tưởng cũ nhưng lại luôn mới và nóng trong bối cảnh đất nước đang nỗ lực “vươn mình” cho bằng xứ người nói chung và Bộ Giáo dục luôn nỗ lực cải cách không biết mệt mỏi vì một nền giáo dục nhân văn, tiên tiến nói riêng.
Vậy thì, đã đến lúc chúng ta nên nhìn nhận để thay đổi ngay từ mặt thượng tầng, thay đổi thói quen, vinh danh một người dựa vào những đóng góp của người đó, thay vì dựa vào bằng cấp của người ta. Bằng cấp chỉ là tờ giấy, chẳng có giá trị gì nếu như nó không gắn với những cống hiến cho xã hội.
Chúng ta cần những nhà khoa học thực thụ, chứ không cần những “Giáo sư giấy” trên mọi chặng đường, ở mỗi thời kỳ phát triển của đất nước.
Theo enternews.vn