Hộ khẩu hay cổ tích?
Kể từ khi, Chính phủ ban hành Nghị quyết 112/2017 bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân, hàng loạt thủ tục quản lý tại các địa phương đã có sự thay đổi cơ bản.
Mới đây, cán bộ xã Phú Sơn, Nho Quan, Ninh Bình sau khi nhận được phản ánh về việc một công dân tại đây đã hơn 40 năm không có chứng minh nhân dân, thay vì bắt công dân phải trình báo, làm đơn… thì xã đã chủ động lo mọi việc để công dân này sớm được cấp căn cước công dân.
Các giấy tờ, thủ tục liên quan tới hộ khẩu cũng sẽ bị “khai tử”. Ảnh: S.T |
Nhiều thủ tục được xóa bỏ theo hộ khẩu
Động thái này có thể không hiếm ở những thành phố lớn, hay những nơi mà công luận quan tâm. Nhưng ở một địa phương vùng sâu, vùng xa như xã Phú Sơn, Nho Quan, Ninh Bình thì đó là một trong những điểm sáng về phong cách làm việc của chính quyền sở tại.
Được hỏi vì sao lại như thế, đại diện chính quyền xã chỉ đơn giản nói rằng: “Đó là nhiệm vụ của chúng tôi, công dân ấy đã có hộ khẩu, ở đây lâu rồi. Với lại, tinh thần đổi mới của Chính phủ là như thế”. Câu trả lời này là hoàn toàn có căn cứ. Bởi ngày 30/10/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm nức lòng người dân khi chính thức ký ban hành Nghị quyết 112 về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.
Cứ theo tinh thần của nghị quyết nói trên thì dân cư sẽ được thống nhất quản lý bằng mã số định danh cá nhân. Các giấy tờ, thủ tục liên quan tới hộ khẩu sẽ phải bị “khai tử” để các quyền của công dân không bị xâm phạm như nhiều chục năm qua. Nghị quyết dứt khoát “bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng "sổ hộ khẩu" và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.
Tất cả những giấy tờ, thủ tục “ăn theo” sổ hộ khẩu như tách sổ hộ khẩu, cấp đổi mới, sổ tạm trú, gia hạn tạm trú… sẽ đều được bãi bỏ. Bao nhiêu thứ “hầm bà lằng” liên quan tới sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong xuất nhập cảnh, đăng ký xe, đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện… cũng sẽ được đơn giản hóa. LS Trần Minh Hùng - Đoàn LS TP HCM nhận xét, việc quản lý qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân sự sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức, nhân lực cho cơ quan nhà nước. Người dân sẽ được đối xử bình đẳng như nhau về đi lại, sinh sống, học tập, y tế làm việc và tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức. Sự quản lý mang tính văn minh, hiện đại của chúng ta sẽ hướng tới bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới, đặc biệt là tôn trọng quyền bình đẳng của mọi công dân.
Nghị quyết 112 của Chính phủ có hiệu lực ngay từ ngày ký ban hành 30/10/2017. Đây cũng là một trong những điểm mới trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật từ nhiệm kỳ này. Các văn bản không có độ trễ về hiệu lực.
Vấn đề nằm ở chữ “sẽ”
Hẳn nhiên, những định hướng của Nghị quyết là rất tốt, có lợi cho đời sống người dân và buộc cơ quan nhà nước phải thay đổi tư duy, phương pháp và công cụ quản lý. Nhưng vấn đề là, sự đồng bộ cần phải được tính đến như một điều kiện tiên quyết để những lợi ích từ định hướng bỏ hộ khẩu thực sự không còn lực cản. Nếu điện, nước và các nhu cầu thiết yếu khác ở các thành phố lớn vẫn cần hộ khẩu thì đương nhiên quyền được “sống và mưu cầu hạnh phúc” của người dân vẫn bị cản trở. Nếu ở nhiều nơi, việc tuyển dụng trong khu vực nhà nước vẫn ngầm quy định “hộ khẩu” thì quyền tham gia quản lý xã hội của người dân vẫn không được tôn trọng. Nếu BHYT, BHXH vẫn theo “luồng, tuyến” thì quyền được chăm sóc sức khỏe vẫn còn nhiều trở ngại.
Lại nữa, cứ theo tinh thần của Nghị quyết tiến bộ này, thì cơ sở quan trọng nhất không chỉ đối với việc bỏ hộ khẩu lại là cơ sở dữ liệu quốc gia. Và theo lời Thượng tá Trần Hồng Phú, Cục phó C72, Bộ Công an thì đầu năm 2019, dự án cơ sở dữ liệu quốc gia mới đi vào vận hành. Công dân khi đến các cơ quan nhà nước để giải quyết TTHC chỉ cần đưa ra 3 thông tin cơ bản, gồm: họ, tên; mã số định danh và chỗ ở.
Khẳng định này cũng có nghĩa là: phải ít nhất 9 tháng nữa, người dân mới bắt đầu cảm nhận được... thay đổi. Như vậy sẽ vẫn còn những cản trở đến khi cơ sở dữ liệu quốc gia chính thức vận hành. Nhiều người lo ngại, biết đâu sẽ còn những vấn đề liên quan như kỹ thuật hay nhân lực... khiến cho cơ sở dữ liệu quốc gia có thể chậm trễ?
(Theo enternews.vn)