Khát vọng và thách thức
(ABO) 1/ Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiên chấn vấn trước Quốc hội và quốc dân ngày 1-11 để lại nhiều suy nghĩ với lắm cảm xúc cho những ai quan tâm đến thời cuộc đất nước. Nó thể hiện tâm huyết của người đứng đầu trong việc thực hiện phương châm “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động” phục vụ nhân dân như đầu nhiệm kỳ Chính phủ đã đặt ra.
Đó là quyết tâm đổi mới, xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, mỗi người dân đều có cuộc sống ấm no.Thủ tướng đã dùng nhiều lời nói, hình tượng để thể hiện quyết tâm của Chính phủ là không để người dân nào bị bỏ lại phía sau trong tiến trình đi lên của đất nước.
Và để làm được điều này, Thủ tướng kêu gọi khát vọng vươn lên của mọi người dân Việt, đặc biệt là những người làm công tác lãnh đạo, điều hành; hãy là người truyền cảm hứng cho mọi người dân vươn lên làm giàu chân chính, giúp đất nước sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Nguồn nhân lực chất lượng cao là yêu cầu nội tại có tính cấp thiết của nền kinh tế trong tương lai. Ảnh: DS |
Khát vọng làm giàu thì trong mỗi chúng ta ai cũng có, ai cũng muốn có một công việc ổn định, một cuộc sống viên mãn; và dân có giàu thì nước mới giàu và mạnh. Vì thế. Thủ tướng kêu gọi cả hệ thống chính trị phải có trách nhiệm khơi thông mọi điều kiện, giải phóng các nguồn lực, tiềm năng phát triển trong các thành phần kinh tế, trong đó có vai trò đặc biệt của kinh tế tư nhân. Cần “khoan sức dân” bằng việc tạo không gian thuận lợi để phát huy cao nhất năng lực và sức sáng tạo của mọi người dân; không để người dân nào bị bỏ lại phía sau.
2/ Trước Quốc hội, Thủ tướng chia sẻ: Với tốc độ tăng trưởng như mức của 3 thập niên qua, thì đến năm 2045, mốc kỷ niệm 100 năm nước nhà độc lập, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là 18.000USD. “Mục tiêu này là một thách thức lớn; nhưng chúng ta và các thế hệ tiếp theo phải luôn nuôi dưỡng khát vọng và không ngừng phấn đấu nhằm hiện thức hóa mục tiêu này. Thế hệ chúng ta hôm nay cần ý thức sâu sắc trách nhiệm nặng nề, đó là lát một viên gạch trên con đường lịch sử hướng đến sự thịnh vượng cho dân tộc ” Thủ tướng nêu.
Rõ ràng, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức trên bước đường hội nhập, phát triển.Thách thức từ xã hội, môi trường đến kinh tế; trong đó kinh tế thì nguy cơ tụt hậu là rất lớn nếu chúng ta không quyết tâm và có giải pháp quyết liệt ngay từ bây giờ.
Thứ nhất, đó là những thách thức từ các “sân chơi” quốc tế mà ta tham gia, mà trước mắt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ở đó, ta cần tích cực chuẩn bị các năng lực thực thi để tuân thủ và năng lực vận hành để đáp ứng các điều kiện khắt khe, đòi hỏi rất cao của một hiệp định. Cần bổ sung ngay những thứ mà Việt Nam còn "yếu và thiếu"; đó là vấn đề năng lực bộ máy, năng lực con người, hệ thống luật lệ, chính sách và cơ chế bảo đảm sự tương thích, rồi nguồn nhân lực và tư duy của doanh nghiệp.
Thách thức kế tiếp là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đây là cơ hội cho Việt Nam bứt phá vươn lên nếu có khả năng “đi tắt đón đầu”; nhưng nguy cơ bị “bỏ lại” là rất lớn nếu không biết tận dụng thời cơ và “vô tư” trước những chuyển động không ngừng trong xu thế công nghệ và tiến trình toàn cầu hóa. Bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động khá toàn diện từ thị trường lao động, doanh nghiệp, Chính phủ, giáo dục, xã hội, an ninh quốc phòng...
Trong đó, đáng lưu ý là nguy cơ mất việc làm của một số ngành công nghiệp truyền thống, những lao động phổ thông, trong khi đây là đối tượng khá đông và nhạy cảm về thu nhập. Do vậy chúng ta cần chuẩn bị ngay từ bây giờ nguồn nhân lực chất lượng cao; dù vấn đề này xem ra không hề đơn giản.
Nguy cơ mất việc làm của một số ngành công nghiệp truyền thống, lao động giản đơn là rất lớn. Ảnh: Giờ tan ca ở KCN Tân Hương (Tiền Giang). |
Chính vì thế, Thủ tướng đã cho rằng: Tăng trưởng trong thời gian tới lệ thuộc vào năng suất lao động, đây là đòn bẩy kinh tế then chốt, nhân tố quyết định hình thành lợi thế cạnh tranh của quốc gia. Năng suất lao động trong thời gian tới chủ yếu dựa vào nhân tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ. Đổi mới và sáng tạo chính là yêu cầu nội tại có tính cấp thiết của nền kinh tế trong tương lai.
VI THẢO