.

Liệu công nghệ có lấy mất nghề báo?

Cập nhật: 21:42, 13/11/2019 (GMT+7)
Công nghệ số ảnh hưởng đến lĩnh vực nào nhiều nhất, công nghệ số có thể tạo nên thay đổi bước ngoặt ở lĩnh vực nào? Đa số mọi người cho rằng đó là lĩnh vực báo chí truyền thông. Nhưng báo chí lại đang là người đi sau về công nghệ nhất.
 
Tại Diễn đàn “Báo chí và Công nghệ” tổ chức ngày 13-11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã đặt câu hỏi “Liệu công nghệ có lấy mất nghề báo?”
 
Bộ trưởng dẫn lời của Tổng Biên tập của tờ The Guardian, Katherine Viner nhận định, “Facebook đã trở thành tòa soạn giàu có và quyền lực nhất trong lịch sử bằng cách thay thế các biên tập viên bằng các thuật toán”. Và các mạng xã hội nước ngoài đã lấy đi đến phân nửa nguồn thu của báo chí Việt Nam.
 
Theo ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), với trên 41.000 người lao động thuộc hơn 900 cơ quan báo chí ở cả 3 loại hình, trong năm 2018, tổng doanh thu phát sinh trong lĩnh vực báo chí chỉ đạt hơn 15.840 tỷ đồng. Trong đó, tổng doanh thu của các cơ quan báo in và báo điện tử ước tính đạt khoảng 4.900 tỷ đồng; doanh thu của các đài phát thanh truyền hình đạt khoảng 10.940 tỷ đồng, trong đó doanh thu quảng cáo khoảng 9.631 tỷ đồng.
 
Năm 2018, số lượng phát hành và quảng cáo của báo in tiếp tục giảm, đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của các cơ quan báo chí này. Thị phần quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam có tỉ lệ 70/30, trong đó gần 70% thị phần thuộc về công ty nước ngoài như Facebook, Google... Chỉ trong 10 năm, chúng ta mất khoảng 50% thị phần quảng cáo.
 
a
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/Minh Sơn
Hiện nay, các kênh quảng cáo số, đặc biệt là Facebook, Google... đã chiếm đa số chi phí quảng cáo của doanh nghiệp. Vì vậy, nguồn thu của báo chí nói chung sẽ ngày một thu nhỏ lại đến mức các báo không còn nguồn thu. Nhiều tờ báo, đặc biệt là các tờ báo không có bao cấp, có nguy cơ phải tự giải thể hoặc thu hẹp. Số khác buộc phải xoay xở bằng các nguồn thu khác.
 
Thực tế, nhiều cơ quan báo chí phải “đi hai chân”, vừa phải đảm bảo nhiệm vụ chính trị vừa phải kinh doanh, đầu tư ngoài ngành, hoặc dựa vào nguồn lợi tức từ gửi tiết kiệm trước đó...
 
Tuy nhiên, việc sụt giảm nguồn thu vẫn là một trong những nguyên nhân chính khiến báo chí đang không hoạt động đúng mục tiêu, tôn chỉ đã đặt ra, cùng với các trang tin điện tử dẫn đến tình trạng xảy ra nhiều vi phạm như thời gian qua.
 
Công nghệ sẽ giúp báo chí “làm chủ” thế trận
 
Tư lệnh ngành Thông tin và Truyền thông chia sẻ, nếu chúng ta nghĩ nghề báo là viết về ai làm gì, ở đâu và khi nào, thì có thể công nghệ sẽ lấy mất nghề báo vì mạng xã hội có tới hàng chục triệu cộng tác viên và sẽ làm việc này tốt hơn. Nhưng nếu ta nghĩ nghề báo là định hướng dư luận, là tìm ra cái đứng sau cả núi dữ liệu về ai làm gì, khi nào và ở đâu, đấy mới là việc của báo chí, mới là điều quan trọng, phải dùng đến trí tuệ nhân tạo (AI) để viết báo. Khi đó, báo chí lại có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Hiện giờ, độc giả đang chìm trong biển cả dữ liệu và đang mong chờ báo chí hơn bao giờ hết.
 
Công nghệ số ảnh hưởng đến lĩnh vực nào nhiều nhất, công nghệ số có thể tạo lên “Big Bang” – thay đổi bước ngoặt ở lĩnh vực nào nhất, đa số mọi người đều nói, đó là lĩnh vực báo chí truyền thông. Nhưng báo chí chúng ta lại đang là người đi sau về công nghệ nhất.
 
Đứng trước những thách thức khác nhau của nhu cầu đổi mới công nghệ, nhiều cơ quan báo chí đã “lỗi hẹn” hoặc đã bỏ cuộc. Hoặc chưa từng bắt đầu. Nhưng chúng ta không thể không bắt đầu, Bộ trưởng nhấn mạnh.
 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ tạo cuộc chơi mới, tạo mô hình kinh doanh mới. Vì thế, quá trình tìm tòi lời giải về công nghệ phải song song với việc tìm ra các mô hình kinh tế mới cho báo chí.
 
Có thể những người làm báo nghĩ rằng công nghệ mới thì phức tạp, mà lại không nghĩ rằng, mặc dù công nghệ phức tạp thật nhưng lại làm cho việc làm nghề đơn giản hơn, vì chúng ta là người sử dụng công nghệ, sự phức tạp của công nghệ không liên quan đến chúng ta. Hãy đẩy sự phức tạp của công nghệ cho công ty công nghệ, Bộ trưởng gợi ý.
 
Hiện nay, nhiều tòa soạn ở Việt Nam đã nhanh chóng ứng dụng các công nghệ mới vào hoạt động của mình và phát hành đến độc giả như khai thác dữ liệu lớn, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để gợi ý bài viết riêng biệt theo sở thích, thói quen của từng độc giả; chatbot; hay báo nói tự động.
 
Một số loại hình công nghệ truyền thông được dự báo sẽ rất phát triển trong tương lai gần gồm: Trí tuệ nhân tạo, phóng viên robot, trợ lý riêng kích hoạt bằng giọng nói, chatbot, internet vạn vật (IoT), tìm kiếm bằng hình ảnh và thực tế ảo... mà các cơ quan báo chí có thể nghiên cứu và cân nhắc trong việc ứng dụng theo tình hình thực tế.
 
Ngoài ra, các nền tảng công nghệ vượt trội hiện nay giúp báo chí có thể có thêm bản App và phát triển thêm nguồn thu, quản trị người dùng, tăng traffic cho báo như Appnews Vietnam theo chủ trương của Bộ Thông và Truyền thông.
 
Sự kiện Diễn đàn “Báo chí và Công nghệ” chính thức khởi động cho một chuỗi các hoạt động nhằm thực hiện sáng kiến phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024 do Bộ Thông tin và Truyền thông khởi xướng. Đây sẽ là Dự án được triển khai theo phương châm xã hội hóa các nguồn lực có thể đóng góp cho sự phát triển của báo chí, và thông qua đó tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước góp phần chuyển tải các giá trị tốt đẹp đến với xã hội.
 
(Theo chinhphu.vn)
 
.
.
.