.

Giảm thuế nhập khẩu thịt heo, gà: Sức ép lên người chăn nuôi rất lớn

Cập nhật: 20:33, 22/12/2019 (GMT+7)

Đề xuất giảm thuế nhập khẩu đối với thịt heo, thịt gà nhập khẩu của Bộ Tài chính mới đây đã thu hút nhiều quan tâm. Nó sẽ ảnh hưởng như thế nào tới bức tranh nhập khẩu thực phẩm của Việt Nam, người chăn nuôi cũng như người tiêu dùng

Thịt gà Mỹ chiếm ưu thế với tỷ trọng lên tới gần 50% thị trường thịt gà nhập khẩu của Việt Nam. Nguồn: Newfoodmagazine
Thịt gà Mỹ chiếm ưu thế với tỷ trọng lên tới gần 50% thị trường thịt gà nhập khẩu của Việt Nam. Nguồn: Newfoodmagazine

Bình ổn cung - cầu

Theo công văn 14813/BTC-CST gửi các bộ, ngành, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu từ 20% xuống 18% đối với mặt hàng thịt gà đã chặt mảnh và phụ phẩm sau giết mổ, đông lạnh theo phân nhóm HS. 0207.12 và 0207.14; giảm thuế từ 25% xuống 22% đối với mặt hàng thịt heo tươi hoặc ướp lạnh, trừ loại thịt cả con và nửa con, trừ thịt mông đùi, thịt vai và các mảnh của chúng theo phân nhóm HS 0203.19.

Đây là đề xuất phù hợp với lộ trình cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do.

Bên cạnh đó, đề xuất này cũng giải quyết được bài toán mất cân đối cung - cầu hiện tại của thị trường. Hiện nay, dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp. Tính tới ngày 20-11, cả nước phải tiêu hủy 5,6 triệu con heo với tổng trọng lượng hơn 320.000 tấn, chiếm khoảng 8,3% tổng trọng lượng heo của cả nước. Điều này dẫn tới sự thiếu hụt nghiêm trọng sản lượng thịt heo những tháng gần đây, từ đó làm gia tăng giá thịt heo và các loại thịt thay thế. Đây đều là các mặt hàng thực phẩm chủ yếu, sự biến động giá của mặt hàng này ảnh hưởng trực tiếp, mạnh mẽ tới đời sống người dân.

Người tiêu dùng thêm lựa chọn

Không thể phủ nhận thị trường thịt heo, thịt gà hiện nay của Việt Nam vẫn đến chủ yếu từ nguồn cung trong nước, đặc biệt là nguồn cung nhỏ lẻ từ các hộ chăn nuôi. Do đó, người tiêu dùng đang không có nhiều lựa chọn cho mặt hàng thiết yếu này, đặc biệt trong bối cảnh mà vấn đề an toàn chăn nuôi, an toàn thực phẩm đang ngày càng được quan tâm.

Việc giảm thuế nhập khẩu sẽ làm tăng lựa chọn cho người dân. Theo đó, người dân có thể tiếp cận hàng đông lạnh, hàng tươi sống từ nhiều quốc gia với những mức giá tốt hơn, chủng loại đa dạng hơn và đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh, bảo quản tốt hơn.

Vậy các lựa chọn tiềm năng sẽ tới từ các quốc gia nào?

Với thịt heo, Việt Nam đang nhập khẩu chính thức từ 24 quốc gia, trong đó tốp 5 quốc gia chính là Brazil , Ba Lan, Đức, Mỹ và Tây Ban Nha với tổng giá trị nhập khẩu đạt tới gần 29 triệu đô la Mỹ(1). Đặc biệt, Brazil đang chiếm ưu thế khi chiếm tới 42% tỷ trọng nhập khẩu thịt heo của Việt Nam. Do đó, với đề xuất giảm thuế nhập khẩu thịt heo từ 20% về 18%, người dân có thể chứng kiến sự gia tăng hàng hóa thịt heo từ 5 quốc gia chính trên và có thể từ những quốc gia hiện chưa xuất khẩu sang Việt Nam. Cùng với sự gia tăng về lượng, giá thịt heo cũng được kỳ vọng sẽ điều chỉnh giảm.

Đối với thịt gà, Việt Nam đang nhập khẩu tới hơn 186 triệu đô la Mỹ, chủ yếu từ Mỹ, Hàn Quốc, Brazil, Ba Lan và Hà Lan. Trong đó, Mỹ là quốc gia chiếm ưu thế với tỷ trọng lên tới gần 50% thị trường thịt gà nhập khẩu. Tương tự, với đề xuất giảm thuế thịt gà từ 20% xuống 18%, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ việc tiêu dùng sản phẩm từ nhiều quốc gia với mức giá cạnh tranh hơn.

Tăng cạnh tranh

Việc giảm thuế nhập khẩu sẽ làm gia tăng mạnh mẽ sự cạnh tranh trong khu vực sản xuất của hai mặt hàng này. Song đây có thể là tin xấu cho các hộ chăn nuôi, khi họ sẽ phải đối diện với áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.

Thực tế cho thấy xu hướng nhập khẩu hai mặt hàng trên đều không ngừng gia tăng. Theo số liệu của trademap, trong giai đoạn 2014-2018, các quốc gia Brazil, Đức, Mỹ, Ba Lan đều có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thịt heo vào Việt Nam cao hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thịt heo của các quốc gia đó ra thế giới. Điều này cho thấy Việt Nam đang ngày càng nhập khẩu nhiều hơn từ các cường quốc chăn nuôi trên.

Có thể nói, giảm thuế là tiến trình không thể đảo ngược và cũng mang lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng, song nó có thể gây ra khó khăn cho sản xuất trong nước. Để nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp chăn nuôi nội địa, các doanh nghiệp cần tự mình nâng cấp, chuẩn hóa chu trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời nâng cao tiêu chuẩn vệ sinh an toàn chăn nuôi, an toàn thực phẩm và tích cực xây dựng thương hiệu. Nếu có thương hiệu uy tín, chất lượng đảm bảo thì người tiêu dùng sẽ không quay lưng lại với sản phẩm nội địa, đơn giản vì thịt heo, gà ta luôn tươi ngon hơn hàng đông lạnh, nhập khẩu.

Trong ngắn hạn, Chính phủ có thể đưa ra các hỗ trợ, đền bù cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất để giúp họ khắc phục khó khăn sau dịch bệnh và thích ứng dần với áp lực cạnh tranh gia tăng. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt đối với thịt nhập khẩu để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh xuyên biên giới gây phương hại tới sản xuất trong nước.

 

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.