Chỉ có khôi phục sản xuất mới có thể kìm hãm dịch bệnh lây lan
Nội dung chính mà Thủ tướng Chính phủ nêu ra khi kết luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vào ngày 6-9 là cần ưu tiên cao nhất cho việc sớm kiểm soát dịch bệnh, từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi bảo đảm an toàn dịch bệnh; xây dựng kịch bản phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong điều kiện đã tiêm vaccine bao phủ diện rộng(1). Ở góc nhìn của một người làm phân tích kinh tế, tôi ủng hộ quan điểm này, bởi không có kinh tế thì không thể chống dịch, và Việt Nam đang đứng trước một thách thức lớn lao, đó là nguồn lực chi cho chống dịch đang gần cạn kiệt.
Tỉnh Long An đang tháo gỡ khó khăn, chuẩn bị khôi phục sản xuất - kinh doanh, chia thành 3 giai đoạn cụ thể: giãn cách xã hội, sau giãn cách xã hội và bình thường mới. Ảnh minh họa: TTXVN |
Trên thực tế, viện trợ quốc tế từ năm 2022 sẽ giảm đi trên toàn cầu(2). Lấy ví dụ, từ năm sau Anh sẽ bắt đầu cắt viện trợ quốc tế, đồng thời, ngân sách chi cho y tế đang tăng đột biến sẽ được “điều chỉnh” lại.
Không chỉ Anh mà Đức và Pháp cũng đang có một số chuyển động tương tự ở phía làm ngân sách. Còn Mỹ có là trường hợp ngoại lệ hay không thì phải xem gói 3,8 ngàn tỉ đô la được triển khai ra sao.
IMF đã bắn ra “viên đạn bạc” khi tung ra SDR (Special Drawing Rights – quyền rút vốn đặc biệt, là một dạng tiền dự trữ quốc tế do IMF tạo ra) để hỗ trợ cho các nước trong năm 2021 này thì vào năm sau cũng đã hết “đạn”.
Điều này cho thấy sang năm sau, Việt Nam sẽ không thể tiếp tục nhờ “viện trợ” máy thở, thuốc, vaccine như hiện nay nữa mà phải mua.
Muốn mua là phải có tiền, mà tiền là ngoại tệ thu về từ hoạt động giao thương với thế giới. Vì vậy, chúng ta phải mở lại sản xuất để có thể thu ngoại tệ về từ xuất khẩu. Có một cách khác là đi vay ngoại tệ, nhưng không khôi phục sản xuất mà đi vay thì các tổ chức xếp hạng tín nhiệm như Moody’s, S&P và Fitch sẽ hạ triển vọng tín nhiệm của Việt Nam.
Bên cạnh đó, sản xuất đi xuống cũng kéo theo nguồn ngân sách sẽ cạn kiệt. Kết quả là câu chuyện giảm lương nhân viên y tế và cắt giảm nguồn lực y tế sẽ là một rủi ro hiện hữu.
Hiện nay, chuỗi cung ứng toàn cầu còn đang tắc nghẽn, thị trường đang chứng kiến câu chuyện nguồn cung sản xuất gia công quay trở lại Trung Quốc, và nền kinh tế thứ hai thế giới này đang tìm kiếm các khu vực tại châu Phi để làm địa chỉ phân chia lại hợp đồng gia công.
Nếu Việt Nam vẫn tiếp tục đóng cửa nền kinh tế thì các “công xưởng” sản xuất như Ấn Độ hoặc các đối thủ cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan và Campuchia sẽ nhận về thêm các hợp đồng gia công từ Mỹ và các hợp đồng được phân chia lại từ Trung Quốc và Đài Loan bằng cách gia tăng công suất.
Về dài hạn, Việt Nam có thể lấy được những hợp đồng mới do đà hồi phục và tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, thế nhưng, chúng ta đang cần có nguồn thu để “sống tiếp” trong giai đoạn 2022-2023 chứ không phải trong dài hạn.
Việt Nam mở cửa chậm thì sang năm 2022, người lao động có thể sẽ lâm vào tình trạng ngồi không, thiếu việc làm vì các đối tác quốc tế ký hợp đồng gia công với những thị trường nêu trên không phải theo thời hạn 5-6 tháng mà là 12-18 tháng, có khi là hợp đồng nhiều năm.
Nếu sản xuất tiếp tục đình trệ, các doanh nghiệp FDI có thể không dịch chuyển nhà xưởng đi ngay được nhưng có thể chuyển lợi nhuận về nước, chuyển tiền tích lũy (dự tính giải ngân dưới dạng đầu tư mới) dưới dạng primary income (thu nhập cơ bản).
Và với tình trạng sản xuất hiện tại, các bất động sản công nghiệp sẽ đi về đâu, và các ngân hàng cho vay sẽ ra sao nếu bất động sản công nghệp tiếp tục đóng cửa?
Trong hai năm qua, nhiều khoản hỗ trợ về vaccine, thiết bị y tế, thuốc, quà an sinh… do doanh nghiệp đóng góp. Nếu họ cứ tiếp tục đóng cửa không sản xuất, không kinh doanh thì nguồn lực họ còn bao nhiêu để tài trợ chống dịch?
Ngân sách nhà nước không thể gánh thay nhiệm vụ của ngân sách đến từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, bởi lẽ, chính năng lực hỗ trợ của ngân sách nhà nước đến từ sự đóng góp của sản xuất, kinh doanh mà ra.
Tóm lại, nếu không khôi phục lại hoạt động kinh tế sớm và hiệu quả, thực chất thì chúng ta cũng sẽ không thể chống dịch hay giãn cách xã hội tiếp được bao lâu nữa, vì nguồn lực sẽ cạn kiệt toàn diện.
Ở góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng giãn cách xã hội kéo dài là nguyên nhân sâu xa khiến chúng ta lâm vào tình hình như hiện tại, và nó được xem là giải pháp để ngăn chặn sự gia tăng các ca nhiễm mới. Nhưng, nếu tham khảo câu chuyện chống dịch của Anh, có thể nhận thấy ngay từ đợt giãn cách trong đợt bùng phát dịch lần thứ hai hồi năm ngoái (tức là trước khi có vaccine ngừa Covid-19), Anh đã có thể giảm con số tử vong xuống thấp, mà vẫn đảm bảo có hoạt động sản xuất, có shipper chạy vòng vòng, tiệm ăn vẫn mở cửa để phục vụ mang đi (takeaway) và doanh nghiệp dù phải đóng cửa vẫn có tiền trả lương nhân viên (nếu trước đây đóng thuế đàng hoàng) để ngay sau dịch họ tái sản xuất, kinh doanh lại ngay được. Vậy mà Anh vẫn bị đứt gãy nguồn cung khi mở cửa lại.
Vì vậy, khôi phục lại sản xuất từ 15-9, theo quan điểm cá nhân tôi, không phải là sự nóng vội, mà là đã trễ, vì độ trễ cho khôi phục sản xuất có thể phải mất 2-3 tháng sau khi nền kinh tế bắt đầu mở lại. Mở lại kinh tế càng trễ, độ trễ cho sự khôi phục càng tăng lên, tổn thất nguồn lực cho chống dịch sẽ càng lớn.
Và khôi phục lại sản xuất không đồng nghĩa với việc phải mở bung cửa không giãn cách đâu. Ai ở nhà không đi làm vẫn “ở đâu ở yên đó” mà!
Ghi nhận của người viết trong tình hình hiện tại, do nhu cầu mở cửa lại kinh tế quá mạnh mẽ của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, trong khi Đông Nam Á đang bị trục trặc sản xuất, Trung Quốc vừa trải qua đợt phong tỏa thì Việt Nam vẫn còn nhiều thuận lợi khi mở lại sản xuất. Còn nếu để thêm 1-2 tháng nữa, người ta tìm ra giải pháp giải quyết nguồn cung rồi ta mới mở lại sản xuất thì sẽ mệt mỏi.
(Theo thesaigontimes.vn)