.

Đợi gì ở Tết?

Cập nhật: 21:24, 12/01/2022 (GMT+7)

(ABO) Thấm thoát mới đó mà chúng ta đã trải qua 2 năm gian khó bởi dịch Covid-19, nhưng năm 2021, ảnh hưởng của dịch bệnh nặng nề hơn. 365 ngày của năm 2021 trôi qua thật đặc biệt, có lẽ nằm ngoài tất cả những dự tính, dự liệu trước đó. Đến lúc này, điều ám ảnh nhất vẫn là những con số liên quan dịch bệnh mỗi ngày, cho thấy cuộc chiến với thứ vi rút nguy hiểm vẫn chưa ngừng và chưa ai được phép ngơi nghỉ.

Tuy nhiên, đến thời điểm này đã là giữa tháng 1-2022 cũng là gần đến ngày rằm tháng Chạp. Ở các chợ, siêu thị, cửa hàng từ thành thị đến nông thôn đã bán nhiều hàng hóa Tết hơn. Nhiều người đã bắt đầu lặt lá mai chờ đón Tết. Các sạp báo cũng xuất hiện nhiều hơn những ấn phẩm báo xuân… Thế là thấy Tết đã đến rất gần. Mà gần thật, bởi tháng Chạp năm nay lại thiếu một ngày, nên như thấy Tết sát sau lưng.

tết
Mong Tết đến để khép lại một năm cũ nhiều lo toan, mở ra một năm mới tốt lành, hy vọng dịch bệnh kết thúc. Ảnh: M.THÀNH

Năm nay, dường như ai cũng thấy “nhanh quá đã đến Tết rồi!”. Thêm một năm dịch bệnh bủa vây, mọi người ít nhiều đều mệt mỏi. Nhưng đi qua một năm dịch bệnh, giờ nhìn lại, thấy bình yên là mừng. Nhưng Tết, thì nhiều người mong từ từ hãy đến. Vì đã làm được gì đâu, mà Tết thì biết bao điều phải chi tiêu tính toán.

Mặc dù vậy, nhưng từ những ngày qua vẫn có nhiều người hỏi nhau, đã sắm Tết gì chưa? Nhưng rồi ai cũng bảo từ từ, vội gì đâu, lo tiền nong cái đã… Nhưng khuất sau những câu nói ấy, không ai bảo ai, cũng tự tìm mua sắm Tết nào là thực phẩm, hàng thiết yếu, quần áo mới… Lại có người gọi thợ về lo sơn sửa, dán giấy trang trí bức tường rộp mốc hay có người quê ở xa gói ghém hành lý chuẩn bị về quê cùng gia đình đón Tết…

Thật ra, tâm lý đợi Tết vẫn hiện hữu trong lòng mỗi người. Chúng ta mong Tết đến để khép lại một năm cũ nhiều lo toan, mở ra một năm mới tốt lành, hy vọng dịch bệnh kết thúc. Người nông dân cũng mong Tết, để trái cây, hoa kiểng… được ra chợ Tết, đến với từng nhà. Những người kinh doanh các mặt hàng thiết yếu cũng mong đợi Tết, để bán được nhiều hàng hóa, khép lại một năm buôn bán thất thường. Công nhân, người lao động cũng đang mong chờ Tết, để xem lương thưởng cuối năm ra sao…

Nhưng Tết năm nay sẽ khác hơn nhiều so những năm trước. Bởi theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, người dân sẽ thắt chặt chi tiêu. Khi thu nhập bị ảnh hưởng suốt thời gian dài do dịch bệnh, thì dè sẻn chi tiêu, chỉ mua những gì cực kỳ thiết yếu sẽ xuất hiện trong việc mua sắm Tết sắp tới. Bên cạnh đó, hàng ngàn xe container nông sản vẫn đang tắc nghẽn ở cửa khẩu phía Bắc, khiến hàng hóa ùn ứ, tiêu thụ khó khăn dẫn tới hư hỏng, mất giá. 

Điều ấy trái ngược hẳn nhiều năm trước, khi Tết đến, các vựa trái cây tấp nập, giá nhích lên từng ngày. Đơn cử các loại trái cây như bưởi, thanh long… vào dịp giáp Tết các năm trước giá khá ổn và không ngừng tăng lên, nhưng năm nay giá nhiều loại trái cây đang xuống thấp, đặc biệt là với thanh long giá bán tại vườn chỉ còn từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Dù giá “rớt thảm”, nhưng vẫn không có người mua. Các thương lái cũng không dám gom hàng, vì lượng người mua ít trong khi đường xuất khẩu sang Trung Quốc thì đang tắc nghẽn…

Thời gian không đợi ai. Dù muốn dù không, Tết đã đến rất gần. Đợi Tết, cũng là chờ đợi một phép mầu để mong những khó khăn của một năm cũ nhanh qua. Nhưng phép mầu ấy không tự nhiên có được, nó phải được bắt đầu bằng sự nỗ lực của mỗi người, của từng cơ quan, doanh nghiệp, của các cấp, các ngành trong chăm lo người dân khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất - kinh doanh… đảm bảo rằng không một người dân nào bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là những cá nhân và gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh.

Năm nay, hẳn nhiên mọi người sẽ có một mùa Xuân, một cái Tết rất khác. Bởi chúng ta đã trải qua gần nửa năm gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19 với nhiều tổn thất, mất mát. Và hiện tại, mặc dù chúng ta đang dần thích ứng với trạng thái bình thường mới, với tâm thế “thích nghi chủ động”, nhưng những câu chuyện cảm động nghĩa đồng bào, ấm áp tình quân dân đã có tác động mạnh mẽ, lan tỏa cảm xúc tích cực đến toàn xã hội về những nghĩa cử nhân văn cao đẹp của con người Việt Nam.

Các cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp đến các tổ chức, cá nhân thiện nguyện chung tay giúp đỡ người nghèo, người khó khăn do dịch bệnh là một điểm sáng, là chất keo gắn kết mọi người trong xã hội cùng đoàn kết vượt qua đại dịch. Tinh thần đó rất cần được phát huy, nhân rộng trong thời khắc này để không có ai phải mãi ngóng Tết.

HỮU NGHỊ


 

.
.
.